Hiện tượng chủ đất “quay xe” không bán, chờ giá tăng lan rộng

Kinh tế và Đời sống
Trái với một số kỳ vọng, giá bất động sản cắt lỗ mạnh ở thời điểm cuối năm thì đến hiện tại, không ít chủ đất đã “quay xe” không bán. Họ chờ đợi giá bất động sản hồi phục, tăng giá trở lại.

(Ảnh minh hoạ)

“Chẳng tội gì phải chấp nhận bán cắt lỗ ở thời điểm hiện tại” – đó là câu nói của không ít chủ đất hiện nay. Anh Đỗ Thái, Giám đốc Kinh doanh của Công ty chuyên môi giới nhà đất, đất nền cho biết, chỉ tính riêng trong vòng 1 tháng trở lại, đội nhóm của anh chứng kiến tới 5 trường hợp chủ nhà, đất “quay xe” không bán.

Đơn cử gần đây nhất, một lô đất thổ cư từng được chủ rao bán cắt lỗ hơn 1 năm nay với giá 2,3 tỷ đồng. Ở thời điểm sốt đất, giá lô này dao động 2,7 tỷ đồng. Đến đầu tháng 12, khách chốt mua với giá 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi liên hệ với chủ đất, họ từ chối không bán với tâm lý chờ đợi thị trường hồi mới rao bán.

Hay vào tháng 11, một căn nhà đất ở Nam Từ Liêm với diện tích 38m2, 3,5 tầng, ô tô đỗ cửa, được chào bán với giá 3,4 tỷ đồng. Chủ nhà thông báo cần tiền gấp nên giảm gía tới 15%. Trong 2 tuần, lô đất này đã tìm được khách chốt mua.

“Ban đầu chủ đồng ý nhận cọc tạm trước 10 triệu. Nhưng 3 ngày sau, chủ phá kèo không bán. Lý do, chủ đã xoay được tiền lo nợ và chờ đợi thị trường tăng giá mới bán”, anh Thái kể.

Chị Ngô Hương (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Hiện tượng chủ đất “quay xe” không bán không phải hiếm gặp. Trước đó, tôi chào bán giúp khách căn nhà phố ở Hà Đông với giá 9 tỷ đồng. Nhưng đến phút chót, chủ nhà cũng dừng bán vì mong muốn chờ thị trường hồi sức mới rao. Họ cho rằng: Chẳng tội gì phải chấp nhận bán cắt lỗ. Cứ chờ thêm 2-3 tháng hoặc nửa năm, thị trường sẽ sôi động trở lại, giá bất động sản tăng”.

Tuy nhiên theo chị Hương, trường hợp “quay xe” xảy ra khi chủ đất rao bán cắt lỗ vì cần tiền gấp. Sau đó, họ có thể xử lý được dòng tiền nợ hoặc chấp nhận “gồng” nợ để chờ giá tăng. Hiện tại, những nhà đầu tư đang có lợi thế trong đảo gói vay. Họ có thể đổi gói vay từ ngân hàng có ưu đãi tốt, chỉ 7-8%/năm với gói vay cũ với mức lãi suất thả nổi tới 14-15%. Điều này cũng giúp nhà đầu tư giảm áp lực vay nợ. Thế nên, họ luôn kỳ vọng giá bất động sản để thoát hàng an toàn, hoà vốn hoặc có chút lời.

Tuy nhiên, đối với nhiều bất động sản chào bán với ngang thời điểm đầu năm 2022, thanh khoản vẫn rất chậm. Chủ đất rao bán trong thời gian dài mà vẫn khó tìm khách mua.

Lãi suất giảm mạnh, thanh khoản thị trường gia tăng trong giai đoạn cuối năm là động lực khiến nhiều chủ đất “quay xe”, găm hàng và chờ tăng giá. Theo đánh giá của giới chuyên gia, hiện tại, lãi suất ngân hàng cho vay mua bất động sản giảm chỉ còn 7-8%/năm đầu tiên. Mức lãi suất gửi tiết kiệm cũng “chạm đáy”. Điều này giúp cho lãi suất cho vay mua bất động sản “thả nổi” những năm sau sẽ hạ nhiệt. Bên cạnh đó, tâm lý người dân chuyển hướng sang săn tìm quỹ đất, sản phẩm tốt tìm kiếm lợi nhuận cao gia tăng.

Dự báo từ nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường, diễn biến của kênh đầu tư bất động sản có thể xoay chuyển từ thời điểm giưã năm 2024. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, bất động sản phục hồi từ giữa năm 2024 là khả thi bởi các chính sách gỡ vướng khó khăn của Chính phủ, thị trường “thấm” tác động của chính sách và quy định pháp luật. Kỳ vọng vào diễn biến tươi sáng của thị trường địa ốc cũng là lý do khiến chủ đất “quay xe”.