Chuyển gói vay mua nhà sang ngân hàng khác để hưởng lãi suất thấp: Loạt chi phí buộc phải biết

Admin
Nhiều ngân hàng đang tung ra các gói lãi suất cho vay mua nhà hấp dẫn. Điều này khiến không ít người dân muốn chuyển đổi gói lãi suất cho vay để hưởng mức lãi suất thấp. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định, người vay cần tính toán các chi phí phát sinh.
Chuyển gói vay mua nhà sang ngân hàng khác để hưởng lãi suất thấp: Loạt chi phí buộc phải biết - Ảnh 1.

Nhiều người muốn chuyển đổi gói vay mua nhà để hưởng lãi suất thấp. (Ảnh: Đức Anh)

Đầu tháng 4/2023, chị Thanh Tâm (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) mua căn nhà đất trong ngõ với giá 3,4 tỷ đồng. Ngoài vốn tự có 2,3 tỷ đồng, chị Thanh Tâm vay thêm 1,1 tỷ đồng từ một ngân hàng cổ phần thương mại tư nhân với lãi suất 11%/năm đầu tiên. Từ năm thứ 2, lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất gửi tiết kiệm 13 tháng cộng với biên độ 4%.

Hiện tại, trung bình mỗi tháng, chị Tâm phải chi trả khoảng hơn 10 triệu đồng tiền lãi. Dự tính sau thả nổi, mức lãi mỗi tháng mà chị phải trả lên tới gần 13 triệu đồng. Với mong muốn được giảm áp lực trả lãi, chị Tâm tìm hiểu gói vay mua nhà tại một số ngân hàng khác với mức lãi suất hấp dẫn hơn.

Chị Tâm cho biết: "Tôi được biết, hiện tại khách hàng có thể vay tiền tại ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác. Tuy nhiên, khi liên hệ một số ngân hàng, tôi thấy thủ tục không đơn giản. Muốn hưởng mức lãi suất ưu đãi hiện tại, tôi cần phải có một tài sản khác để thế chấp, vay tiền cho mục đích trả cho khoản nợ cũ".

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, trong đó có một nội dung nổi bật là cho phép khách hàng có thể vay tiền tại ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác. Thông tin này từng khiến người mua nhà phấn khởi. Bởi với chính sách này, khách hàng có thể chuyển đổi từ gói vay ngân hàng với lãi suất cao sang gói vay tại ngân hàng khác với lãi suất thấp. Ở thời điểm từ năm 2022 đến giữa năm 2023, mức lãi suất cho vay mua bất động sản từng tăng mạnh. Mức lãi suất thả nổi của những gói vay trong giai đoạn đó có thể lên tới 14-15%/năm.

Thế nên, nhiều người mua nhà muốn chuyển đổi gói vay ngân hàng với kỳ vọng hưởng lãi suất thấp, giảm áp lực nợ vay.

Chuyển gói vay mua nhà sang ngân hàng khác để hưởng lãi suất thấp: Loạt chi phí buộc phải biết - Ảnh 2.

Khi chuyển đổi gói vay, người mua nhà cần phải tính toán đến các khoản phí vay.

Liên quan đến chính sách chuyển đổi gói vay mua nhà từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, một nhân viên tín dụng của ngân hàng T. cho biết: "Hiện tại chưa có cơ chế hay hướng dẫn cụ thể việc vay ngân hàng này trả nợ cho ngân hàng khác. Thế nên, khách hàng sẽ có 2 lựa chọn. Một, khách hàng tất toán toàn bộ khoản vay ở ngân hàng cũ, chuyển sang ngân hàng mới và làm hồ sơ vay vốn từ đầu bao gồm các khâu thẩm định, ký hợp đồng tín dụng, thế chấp sổ đỏ trên văn phòng đăng ký đất đai. Thứ hai, khách hàng phải thế chấp tài sản khác để vay vốn và dùng số tiền này để tất toán khoản vay cũ".

Chị N.L, nhân viên tín dụng tại một ngân hàng Hàn Quốc thừa nhận: "Phía ngân hàng này hiện cũng chưa có hướng dẫn cho khách hàng về việc vay tiền ngân hàng trả tiền cho ngân hàng cũ. Các khách hàng hỏi về thủ tục này rất nhiều bởi họ đều muốn lựa chọn gói vay với lãi suất rẻ. Ví dụ như, nếu khách hàng vay thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, lãi suất cho vay thả nổi có thể lên tới 13-14%/năm. Nếu chuyển sang gói vay mua nhà giá rẻ thì mức lãi suất chỉ khoảng 7-7,5%/năm đầu tiên và những năm sau mức lãi suất thả nổi chỉ dao động ở mức khoảng 10%/năm".

Theo chị N.L, khi chuyển gói vay cũ sang gói vay mới, khách hàng đều hưởng lợi nhờ lãi suất giảm sâu. Song, nữ nhân viên tín dụng này cho rằng, khách hàng cần cân đối các chi phí trong quá trình chuyển đổi gói vay.

Trường hợp phải tất toán khoản vay cũ và chuyển sang vay gói ngân hàng mới, các chi phí phát sinh có thể kể tới: Phí giải chấp sổ đỏ, phí thẩm định lại tài sản, phí công chứng, phí bảo hiểm liên quan, và phí thế chấp lại sổ đỏ. Ngoài ra, trường hợp khách hàng trả trước hạn, số tiền phạt có thể dao động từ 1-3% số tiền trả trước, phụ thuộc vào quy định của từng ngân hàng. Ví dụ khách hàng vay ở ngân hàng A số tiền 1 tỷ đồng trong năm đầu tiên. Khi tất toán, số tiền phạt lên tới 30 triệu đồng (tương đương 3% phí phạt). Các chi phí khác dự kiến khoảng 10-15 triệu đồng.

Để tiết kiệm chi phí, nhân viên tín dụng này tiết lộ: "Khách hàng có thể đổi gói vay mua nhà từ chính ngân hàng đang vay. Trước đó, các gói vay mua nhà đều có mức lãi suất cao và hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều tung ra gói vay lãi suất rẻ. Như vậy, khách hàng không cần tất toán hết số nợ cũ, chỉ cần khoảng 90-95%. Sau đó, khách hàng đề xuất vay thêm, hưởng gói vay ưu đãi mới. Như vậy, khách hàng sẽ tiết kiệm được chi phí thế chấp và thế chấp sổ đỏ".