Xuất khẩu tôm sang Mỹ đối mặt khó khăn mới

Admin
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong năm nửa đầu năm 2024 khi phải đối mặt với khó khăn mới.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính tới 15/1, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 15 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 682 triệu USD, giảm 15% so với năm 2022. Sau khi giảm mạnh 47% trong quý 1/2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý 2 thu hẹp mức sụt giảm. Xuất khẩu trong 2 quý 3 và 4, xuất khẩu tôm sang Mỹ phục hồi tăng trưởng lần lượt 15% và 23%.

Năm 2023, các sản phẩm tôm tươi, đông lạnh xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2023 có xu hướng giảm nhẹ hơn so với các sản phẩm tôm chế biến. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sú sang Mỹ năm 2023 ghi nhận tăng trưởng dương, chủ yếu nhờ các sản phẩm tôm sú tươi, đông lạnh tăng 10% đạt 59 triệu USD.

Kinh tế - Xuất khẩu tôm sang Mỹ đối mặt khó khăn mới

Số liệu nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 11/2023 cũng ghi nhận tháng thứ 5 tăng trưởng liên tiếp. Tháng 11/2023, Mỹ nhập khẩu 70.835 tấn tôm, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu trung bình cũng tăng nhẹ so với tháng 10, đạt 8 USD/kg; tuy nhiên, vẫn thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022 (9,05 USD/kg). Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, Mỹ nhập khẩu 722.967 tấn tôm, trị giá 5,9 tỷ USD, giảm 7% về khối lượng và 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Trong top 4 nguồn cung tôm chính cho Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2023, Ecuador ghi nhận tăng 2% về khối lượng, các nguồn cung còn lại cho Mỹ đều giảm cả về khối lượng và giá trị.

Tồn kho giảm, các chỉ số của nền kinh tế Mỹ tốt dần, nhu cầu cao hơn phục vụ đợt cuối năm. Lạm phát tại Mỹ đã giảm khá mạnh trong năm 2023. Đến tháng 11/2023, lạm phát đã giảm còn 3,1%, từ mức đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022.

Mặc dù có các chỉ số tích cực trên nhưng Mỹ vẫn cảnh giác với những rủi ro địa chính trị, trong đó có xung đột ở Ukraine, có khả năng làm gián đoạn thị trường ngũ cốc và đẩy lạm phát tăng trở lại. Tại Trung Đông, Israel dự đoán xung đột với lực lượng Hamas sẽ kéo dài nhiều tháng, làm tăng nguy cơ leo thang trong khu vực.

Xuất khẩu tôm đi Mỹ đối mặt khó khăn mới

Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA), một tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của Mỹ, mới đây đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia, và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Chưa rõ kết quả như thế nào, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong năm nửa đầu năm 2024. Bên cạnh đó, căng thẳng Biển Đỏ đầu năm 2024, khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng, cũng là một chướng ngại cho doanh nghiệp trong năm 2024.

Liên quan đến vụ việc này, mới đây, VASEP đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm Việt Nam để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, quyết định việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vụ việc Mỹ điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh.

Trước khởi xướng điều tra chống trợ cấp của Mỹ với tôm Việt Nam, doanh nghiệp cần chuẩn bị mọi mặt và tích cực để đáp ứng yêu cầu hồ sơ từ phía Mỹ: chủ động nghiên cứu, nắm quy định, thủ tục điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội và Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.

Thị trường lớn như Mỹ khó tránh khỏi những thách thức, càng đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản trong đó có tôm phải luôn linh hoạt thích ứng và cần phải có những kịch bản cho nhiều tình huống xảy ra.

Hải Vân