Vượt khó khăn, xuất nhập khẩu năm 2021 về đích ngoạn mục

Kỳ Văn
Vượt qua chặng đường đầy khó khăn bởi dịch COVID-19, năm 2021 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm về đích với con số kỷ lục 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã gây ra nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế, trong đó xuất, nhập khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Những biến động, khó khăn đó đã khiến các nước có xu hướng sử dụng sản phẩm nội địa thay cho sản phẩm nhập khẩu khi thực hiện biện pháp đóng cửa biên giới để phòng chống dịch bệnh.
Do đó nhiều nước đã sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, các rào cản kỹ thuật để tăng cường bảo hộ sản phẩm nội địa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản.
Tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 2,58%, mức thấp nhất trong thập kỷ gần đây. Trong đó, tăng trưởng GDP quý III lần đầu ghi nhận con số âm. Dù vậy, trong bức tranh chung vẫn có những điểm sáng, một trong số đó là hoạt động xuất nhập khẩu.
Sự điều hành thống nhất, linh hoạt và sát sao của Chính phủ với mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thể hiện trong Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 là tiền đề cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đứng vững trong sự đứt gãy thương mại quốc tế trên toàn cầu, giữ được đà tăng trưởng và tạo lực kéo quan trọng cho cả nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều rủi ro, bất ổn, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong năm 2021.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,54 tỷ USD.
Trong tháng 12/2021, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 66,2 tỷ USD, tăng 6% so với tháng trước và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 12 đạt 34,6 tỷ USD, tăng 8,5% so với tháng trước và tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 31,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với tháng trước, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%.
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19, thương mại toàn cầu suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế suy giảm, tuy nhiên xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam bứt phá, đạt mức tăng trưởng cao, trở thành điểm sáng của nền kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ và tăng cao, ổn định ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD đạt 35 mặt hàng, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (nhiều hơn 2 mặt hàng so với năm 2020).
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm khoảng 86,24% tổng kim ngạch xuất khẩu - tăng 0,6 điểm % so với năm ngoái.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 90%. Nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%. Trong năm 2021 có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 96,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 109,9 tỷ USD. Năm 2021 xuất siêu sang EU đạt 23 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước. Nhập siêu từ Trung Quốc 53,9 tỷ USD, tăng 52,7%. Nhập siêu từ Hàn Quốc 34,2 tỷ USD, tăng 22,9%. Nhập siêu từ ASEAN 12 tỷ USD, tăng 63,1%. Nhập siêu từ Nhật Bản 2,5 tỷ USD, tăng 140%.
Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa liên tục thặng dư. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa liên tục thặng dư, với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, xuất siêu hàng hóa của nước ta đạt 1,6 tỷ USD; năm 2017 đạt 1,9 tỷ USD; năm 2018 tăng lên 6,46 tỷ USD; năm 2019 đạt 10,57 tỷ USD và năm 2020 đạt 19,94 tỷ USD.
"Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với thặng dư khoảng 4 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù mức xuất siêu năm 2021 chỉ bằng 20% so với mức xuất siêu năm 2020, nhưng trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, xuất, nhập khẩu vẫn là điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2022.
Về tồn tại, hạn chế, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tốc độ đa dạng thị trường ở một số sản phẩm, như rau quả, còn chậm, chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Một số nông sản quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc tại các cửa khẩu kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới.
Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI kể cả dầu thô ước đạt 247,5 tỷ USD - tăng 21%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa đạt được như mong muốn.
Ngoài ra, năng lực xuất khẩu của các DN 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn chưa cao.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 8%, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư, cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả. Nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định hàng rào kỹ thuật về TBT (biện pháp TBT) và các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (biện pháp SPS), yêu cầu về tiêu chuẩn về môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ.
Tập trung phát triển xuất khẩu sang các khu vực thị trường và mặt hàng xuất khẩu mới, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các nền tảng số. Chú trọng quản lý nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu biên mậu và nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, trong nước sản xuất được để bảo vệ nền sản xuất trong nươc.
Thêm vào đó, cần tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình hành đông thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu thời kỳ 2021 - 2030.