Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép

Admin
Mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu này chính là giày dép. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới “đặt gạch” để nhập về.

Năm 2023 xuất khẩu giày dép mang về cho Việt Nam hơn 20,2 tỷ USD

Năm 2023, xuất khẩu giày dép mang về cho Việt Nam hơn 20,2 tỷ USD, giảm 15,3% so với năm trước đó; đây là năm thứ 26 liên tiếp (tính từ năm 1998), giày dép xuất khẩu luôn nằm trong nhóm hàng tỷ USD.

Trong năm 2023, xuất khẩu giày dép mang về cho Việt Nam hơn 20,2 tỷ USD, giảm 15,3% so với năm trước đó.

Đây là năm thứ 26 liên tiếp (tính từ năm 1998), giày dép xuất khẩu luôn nằm trong nhóm mặt hàng tỷ USD và nằm trong nhóm có kim ngạch cao.

Mỹ, Trung Quốc và Bỉ là 3 thị trường lớn nhất của giày dép Việt Nam. Trong năm 2023, Mỹ đã chi hơn 7,1 tỷ USD nhập khẩu giày dép từ Việt Nam; tiếp đến là Trung Quốc với trị giá xuất khẩu sang nước láng giềng đạt 1,8 tỷ USD; đứng thứ 3 là thị trường Bỉ với hơn 1,2 tỷ USD.

Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu 1,5 tỷ đôi và có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh...

Kinh tế vĩ mô - Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép

Ảnh minh họa.

Cần gia tăng lợi thế xuất khẩu ngành da giày Việt Nam

Theo Bộ Công Thương mặc dù nhiều khó khăn bủa vây, nhưng da giày đang được xác định là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cụ thể, mục tiêu của ngành da giày, đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38-40 tỷ USD.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và Chính sách (VEPR), xu thế của người tiêu dùng hiện nay không còn quá chú trọng đến yếu tố “ngon - bổ - rẻ”, mà yêu cầu quá trình sản xuất phải bảo đảm các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, giảm phát thải khí carbon... Các thị trường nhập khẩu cũng đặt ra nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn về sản xuất, buộc doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phải đáp ứng.

Đáng chú ý, ngành da giày của Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng chưa khai thác được hết, bởi nguyên liệu để sản xuất chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, trong 11 tháng năm 2023, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày đạt 21,94 tỷ USD. Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 53% đạt 11,62 tỷ USD.

Hiện, nguồn nguyên liệu da sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sử dụng của toàn ngành. Các sản phẩm phụ trợ sản xuất trong nước chủ yếu là các mặt hàng thâm dụng lao động như chỉ, chun, khuy, khóa, đường viền trang trí, mút xốp, miếng đệm lót giày, hộp đựng giày, đũa chống giày, giấy bọc giày, miếng nhựa độn giày dép, sắt lót đế, phom giày, keo dán, mủ cao su, …

Còn các loại nguyên liệu đòi hỏi tính kỹ thuật cao hơn, mang tính cốt lõi như đế, lót thì hầu như chưa sản xuất được. Đã có nhà máy bắt đầu sản xuất giày hoàn chỉnh nhưng sản lượng chưa đáp ứng và đặc biệt chất lượng sản phẩm còn chưa hoàn thiện.

Do đó, để hoàn thành mục tiêu đặt ra cũng như giữ được vị thế xuất khẩu trên thị trường quốc tế với những yêu cầu ngày càng khắt khe, Việt Nam cần phải xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng ngành da giày.

Theo đó, chính sách đầu tư phải mang tính trọng điểm, tập trung cho ngành sản xuất phụ liệu da giày và hạn chế ô nhiễm môi trường, nhất là khâu thuộc da. Đầu tư chọn lọc theo sản phẩm có thế mạnh nhằm tạo khả năng liên kết, hợp tác và khai thác tốt hơn năng lực thiết bị. Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, đặc biệt là khâu thuộc và hoàn thiện sản phẩm.

Bên cạnh đó theo các chuyên gia, để giữ vững vị thế xuất khẩu hàng đầu trên thị trường quốc tế, ngành da giày Việt Nam cần phải xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng. Ngành này cũng cần đầu tư chọn lọc theo sản phẩm có thế mạnh để tạo khả năng liên kết, hợp tác, khai thác tốt hơn về năng lực thiết bị….

Trúc Chi (t/h)