Thị trường dầu thế giới tuần qua tiếp tục gặp nhiều biến động

Kinh tế và Đời sống
Giá dầu thế giới có vẻ phục hồi trở lại song đang hướng tới tuần giảm thứ 7 khi liên tiếp lao dốc trong những ngày gần đây.

Sự kiện nổi bật trên thị trường năng lượng tuần qua

OPEC+ sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu. Ngày 5/12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+) sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung và tăng cường cắt giảm sản lượng dầu trong quý đầu tiên của năm 2024 để tránh tình trạng biến động và đầu cơ trên thị trường.

Theo ông Novak, nhờ các hành động kịp thời của OPEC+, khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày sẽ được tung ra thị trường trong quý đầu tiên của năm tới và sẽ cho phép thời kỳ nhu cầu thấp trôi qua một cách dễ dàng trong quý đầu tiên của năm 2024.

Tuần trước, OPEC+ đã công bố mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2024, nhưng trong đó tính luôn phần của Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm tự nguyện, Nga cắt giảm xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu thêm 200.000 thùng/ngày và một số thành viên OPEC+ khác thông báo cắt giảm sản lượng tự nguyện cho quý I/2024.

Nhập khẩu dầu của Trung Quốc giảm. Ngày 7/12, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 11 giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm hàng năm đầu tiên về lượng dầu thô đến kể từ tháng 4 và có khả năng báo hiệu nhu cầu suy yếu. Trung Quốc đã nhập khẩu 10,33 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng trước, giảm hơn 1 triệu thùng/ngày so với mức nhập khẩu trong tháng 10.

gia-dau20231210203954-1702228764.jpg
Thị trường dầu thế giới đã bị hoảng sợ bởi dữ liệu cho thấy sản lượng của Mỹ vẫn ở gần mức cao kỷ lục mặc dù tồn kho giảm

Saudi Arabia thừa nhận sự chậm trễ trong một số dự án Tầm nhìn 2030. Ngày 7/12, lần đầu tiên, Saudi Arabia thừa nhận rằng một số dự án trong kế hoạch Tầm nhìn 2030 nhằm đa dạng hóa nền kinh tế thoát khỏi dầu mỏ đang bị trì hoãn để tránh áp lực lên nền kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Mohammed Al Jadaan cho hay, nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới cần thêm thời gian để xây dựng nhà máy, xây dựng đủ nguồn nhân lực.

Vào cuối tháng 10, Tổng cục Thống kê Saudi Arabia cho biết, nền kinh tế nước này đã suy giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng và hoạt động khai thác dầu thấp hơn. Ước tính sơ bộ của cơ quan chức năng cho thấy, hoạt động khai thác dầu thấp hơn đã kéo nền kinh tế rơi vào quý suy giảm đầu tiên kể từ đầu năm 2021.

Giá dầu kết thúc tuần “lao dốc không phanh”

Theo đó, đầu tuần (4-5/12) giá dầu giảm trong bối cảnh không chắc chắn về việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+ và những căng thẳng tiếp tục ở Trung Đông thúc đẩy mối lo ngại về nguồn cung. Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2024 ở mức 73,20 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 2/2024 đứng ở mức 78,15 USD/thùng.

Giữa tuần (6-7/12) giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 khi các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu nhiên liệu toàn cầu sau khi dữ liệu của Mỹ cho thấy tồn kho xăng tăng lớn hơn dự kiến. Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2024 ở mức 69,70 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 2/2024 đứng ở mức 74,59 USD/thùng.

Cuối tuần (8-10/12) dầu thô bất ngờ tăng nhẹ khi dữ liệu của Mỹ hỗ trợ kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu dầu, tuy nhiên, cả hai loại dầu chuẩn đều giảm tuần thứ 7 liên tiếp, chuỗi giảm hàng tuần dài nhất trong nửa thập niên do tình trạng dư cung kéo dài. Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2024 ở mức 71,26 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 2/2024 đứng ở mức 75,95 USD/thùng.

Trong khi đó, vào đầu giờ sáng ngày 10/12, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2024 ở mức 71,53 USD/thùng, tăng 1,94 USD trong phiên. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 2/2024 đứng ở mức 75,95 USD/thùng, tăng 1,9 USD trong phiên.

gia-dau-220231210203953-1702228823.jpg
Những lo ngại về nhu cầu năng lượng chậm ở Mỹ và Trung Quốc cũng khiến đà tăng của giá dầu chững lại

Giá dầu thế giới tiếp đà giảm vào tuần tới

Theo giới chuyên gia, giá dầu phục hồi trở lại song đang hướng tới tuần giảm tiếp theo khi luôn duy trì đà lao dốc kể từ khi OPEC+ công bố cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024.

Nhà phân tích John Evans của PVM Oil nhận định: “Với việc nước nhập khẩu dầu lớn nhất toàn cầu (Trung Quốc) chấm dứt cơn khát dầu thô, áp lực vẫn đè lên giá khi nhà sản xuất lớn nhất, Mỹ, tiếp tục duy trì sản lượng cao nhất”.

Tâm lý giảm giá của dầu cũng được thúc đẩy bởi những lo ngại về sức khỏe kinh tế của Trung Quốc. Công ty Moody's đã hạ triển vọng xếp hạng A1 của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực, với lý do “rủi ro gia tăng liên quan đến tăng trưởng kinh tế trung hạn thấp hơn một cách liên tục và có cấu trúc cũng như sự thu hẹp quy mô liên tục của lĩnh vực bất động sản”.

Trong khi đó, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng của nước này vẫn ở gần mức cao kỷ lục với hơn 13 triệu thùng/ngày. Trong khi, vào tuần đầu tháng 12, dự trữ xăng của Mỹ đã tăng 5,4 triệu thùng lên 223,6 triệu thùng, gấp 5 lần so với kỳ vọng tăng 1 triệu thùng của các nhà phân tích.

Theo ông Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial: “Thị trường nhiên liệu hiện đang tập trung vào nhu cầu hơn là vào nguồn cung và đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm nhu cầu”.

Cũng đưa ra bình luận về giá dầu, nhà phân tích thị trường Craig Erlam tại công ty tài chính OANDA cho hay, việc giá dầu giảm đã cho thấy thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã không tác động nhiều đến thị trường. Ông cho rằng, các nhà giao dịch cũng không lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm tới.