Thăng trầm 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài

Admin
Theo TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 35 năm qua, hành trình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã trải qua nhiều bước thăng trầm nhưng tựu trung là thành công.

Nhiều thăng trầm

Theo TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ngay từ giữa những năm 70 của thế kỷ XX, sau khi thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã nhận thức rõ tầm quan trọng của đầu tư nước ngoài trong công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước sau chiến tranh.

“Điều lệ về đầu tư nước ngoài ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” đã được ban hành vào năm 1977. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên của Nhà nước quy định những nguyên tắc cơ bản về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, do được ban hành trong bối cảnh nền kinh tế đang được quản lý theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, điều lệ còn nhiều điểm hạn chế, chưa tạo được cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Chính vì thế, điều lệ này đã không phát huy được tác dụng trong suốt 10 năm tồn tại.

Năm 1987, lần đầu tiên Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành, khởi đầu công cuộc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Quá trình thu hút đầu tư nước ngoài 35 năm qua có thể phân chia theo các thời kỳ thực hiện 3 chiến lược phát triển kinh tế - xã hội: 1991 - 2000, 2001 - 2010, 2011 - 2020. Ba năm 1988 - 1990 được coi là giai đoạn khởi động thu hút đầu tư nước ngoài sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành.

Tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài đã tăng lên nhanh chóng từ năm 1991. Bình quân hằng năm vốn đăng ký tăng khoảng 50%, vốn thực hiện tăng 45%, cao hơn mức tăng trung bình của tổng vốn đầu tư xã hội (23%). Năm 1996 thu hút được 8,8 tỷ USD, tăng 45% so với năm trước.

Ông Thắng cho rằng, cũng trong giai đoạn này, Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần và hiệp định bảo hộ đầu tư với một số nước.

Thời kỳ thực hiện chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài (1991-2000), việc đàm phán, ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần là sự kiện đánh dấu bước phát triển trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu trở thành một cấu thành quan trọng của nền kinh tế, đóng góp đến 32,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 25% sản lượng công nghiệp, khoảng 17,0% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.

Trong giai đoạn này, Việt Nam thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài qua các yếu tố lợi thế về ổn định chính trị, chi phí lao động thấp, triển vọng phát triển kinh tế, vị trí địa lý thuận lợi, thị trường tiêu thụ tiềm năng.

Thời kỳ thực hiện chiến lược thu hút đầu tư 2002-2010, bắt đầu từ năm 2005, việc ban hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2005 đã đánh dấu mốc quan trọng trong tư duy chính sách đầu tư và kinh doanh, với nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chính sách ưu đãi đầu tư được áp dụng cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Tính đến thời điểm đó, Việt Nam đã có quan hệ thương mại và đầu tư song phương, đa phương với gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam bắt đầu mở cửa một số ngành, như điện, bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông... cho phép đối tác nước ngoài được đầu tư theo hình thức công ty cổ phần, thực hiện sáp nhập, mua lại xuyên biên giới (M&A). Việt Nam cũng đồng thời mở cửa thị trường dịch vụ đối với đầu tư nước ngoài theo cam kết WTO.

Từ năm 2006, làn sóng đầu tư nước ngoài thứ hai vào Việt Nam bắt đầu xuất hiện. Những nỗ lực cải cách của Chính phủ cùng với việc ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BAT), Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư với Nhật Bản và trở thành thành viên thứ 150 của WTO... đã mang lại hiệu quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Nếu như năm 2005, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký chỉ đạt trên 6,8 tỷ USD, thì năm sau đó tăng lên gấp đôi và năm 2007 tăng lên gấp 3, đạt 21 tỷ USD. Đỉnh cao mới về thu hút đầu tư nước ngoài được thiết lập vào năm 2008 với 71,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ năm 2009, do tác động của cuộc suy thoái toàn cầu và khủng hoảng nợ công, cùng những yếu kém trong nội tại của nền kinh tế, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm từ 71,7 tỷ USD năm 2008 xuống còn 19,8 tỷ USD năm 2010.

Mặc dù vậy, giai đoạn này đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo, thông tin truyền thông, dịch vụ lưu trú ăn uống, khai khoáng và sản xuất, phân phối điện. Các địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

10 năm (2011 – 2020) là giai đoạn đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của khu vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm cả về lượng và chất. Trong thời kỳ này đã thu hút được gần 25.000 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 292 tỷ USD, tăng 2,5 lần về số dự án và tăng 73% về vốn đầu tư so với thời kỳ 10 năm trước đó. Vốn thực hiện đạt khoảng 167 tỷ USD, tăng 2,9 lần so với thời kỳ trước.

Vị thế của Việt Nam được cộng đồng kinh tế quốc tế đánh giá cao, với nhiều cải cách thể chế và hội nhập quốc tế sâu rộng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng khá nhanh, vốn đầu tư thực hiện đạt mức cao, bình quân trên 15 tỷ USD/năm.

Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài.

“Đây là giai đoạn Chính phủ đã quyết tâm và nỗ lực thực hiện cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 được thực thi, bảo đảm quyền tự do đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm”, ông Thắng nhấn mạnh.

Chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc

Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, năm 2021 và 2022, đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2021 vẫn tăng 9,2% về vốn đăng ký và chỉ giảm 1,2% vốn thực hiện so với năm 2020. Khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp 73,6% kim ngạch xuất khẩu, tạo nên xuất siêu 3 tỷ USD.

Năm 2022, dù có giảm một chút nhưng trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu bị ảnh hưởng, kết quả của Việt Nam cũng là đáng khích lệ.

Tín hiệu đáng mừng là chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư nước ngoài đã bắt đầu phát huy tác dụng, các dự án đầu tư mới dưới 5 triệu USD giảm nhiều.

Các nhà đầu tư và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải cách nền hành chính quốc gia, giảm thiểu hàng nghìn thủ tục hành chính, chuyển nhanh sang chính phủ số. Cũng bởi thế, số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dự kiến mở rộng sản xuất - kinh doanh vẫn tăng đều.

“Nhìn chung, trong suốt 35 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từng bước tiếp cận thông lệ quốc tế. Khu vực đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Thắng nói.