Cơ chế đặc thù cho dự án đường Vành đai 4

Kinh tế và Đời sống
Chính phủ, các bộ, ngành ghi nhận kiến nghị của các địa phương về cơ chế vốn cho dự án đường Vành đai 4 và gợi mở một số hướng tháo gỡ.
4/5 địa phương có đường Vành đai 4 TP HCM (Vành đai 4) đi qua gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đều kiến nghị trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng dự án với tỉ lệ khác nhau.

Dành vốn cho dự án trọng điểm

Văn phòng UBND tỉnh Long An vừa có thông báo kết luận của UBND tỉnh về việc thống nhất hướng thiết kế ban đầu của tuyến và chọn mặt cắt ngang đường Vành đai 4 qua Long An rộng 25,5 m để đồng bộ với các địa phương khác. Đồng thời, chọn phương án đường cao tốc với tốc độ 100 km/giờ, 4 làn hoàn chỉnh. Đoạn sau cầu Cần Giuộc đến ranh giới tỉnh Long An và TP HCM (Km 68+800 - Km74+500, dài 5,7 km) đi trên cao để không phá vỡ quy hoạch đô thị, phù hợp với mỹ quan, kiến trúc khu đô thị hiện đại.

Đặc biệt, về vốn và cơ chế vốn, tỉnh Long An kiến nghị trung ương hỗ trợ 90% kinh phí xây dựng trong tổng mức đầu tư gần 54.650 tỉ đồng đoạn qua địa phận tỉnh, ngân sách địa phương là 10%. Các chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư tính chung vào tổng vốn. Tuy nhiên, mới đây, địa phương này đã điều chỉnh mức kiến nghị trung ương hỗ trợ xuống còn 75%, tương đương 28.400 tỉ đồng; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6.700 tỉ đồng, phần còn lại bố trí ở giai đoạn 2026 - 2030.

Một đoạn vành đai 4 giao nhau với Quốc lộ 13, hướng đi Cầu Thới An (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã được đầu tư hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng Ảnh: THẢO NGUYỄN

Một đoạn vành đai 4 giao nhau với Quốc lộ 13, hướng đi Cầu Thới An (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã được đầu tư hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng Ảnh: THẢO NGUYỄN

Với Bình Dương, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng để thực hiện dự án, cần 3 nguồn vốn gồm vốn xã hội hóa, vốn nhà nước và vốn địa phương. Riêng về giải pháp bố trí vốn của địa phương, Bình Dương sẽ cân đối bằng việc cắt giảm vốn của những công trình chưa quan trọng để dành vốn cho dự án trọng điểm này. Bên cạnh đó, tỉnh đang xây dựng phương án đấu giá đất, nếu thực hiện suôn sẻ thì sẽ có nguồn thu từ đất. "Thị trường bất động sản đang gặp khó khăn nên việc đấu giá sẽ mất nhiều thời gian nhưng tỉnh vẫn sẽ cố gắng làm" - ông Võ Văn Minh khẳng định.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn và nhu cầu đầu tư của địa phương còn rất lớn, tỉnh này kiến nghị trung ương xem xét hỗ trợ 50% tổng vốn ngân sách tham gia dự án đường Vành đai 4. Đồng thời, xem xét, chấp thuận cho Bình Dương được áp dụng cơ chế HĐND cấp tỉnh quyết định sử dụng ngân sách địa phương và chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện dự án, công trình giao thông có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa các địa phương thuộc dự án Vành đai 4 để có cơ sở tiếp tục triển khai.

Phát hành trái phiếu để làm dự án

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ vừa diễn ra, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan cơ chế sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư dự án thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương. Vốn ngân sách địa phương khó cân đối, bố trí để tham gia dự án; cần một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Các địa phương kiến nghị trung ương hỗ trợ 50% vốn giải phóng mặt bằng cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai; 75% vốn đối với Long An; riêng TP HCM xin tự cân đối vốn. Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận giao TP HCM chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho đường Vành đai 4.

Nhìn nhận kiến nghị của các địa phương là hợp lý song Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay ngân sách có khó khăn bởi kế hoạch vốn Trung ương giai đoạn 2026 - 2030 chưa được Quốc hội phê duyệt. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo trong trường hợp cần có cơ chế, chính sách đặc thù hoặc áp dụng cho toàn bộ dự án, UBND TP HCM chủ trì, thống nhất với Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT và các địa phương báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-5 để chỉ đạo, trình cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với đề xuất về cơ chế đặc thù để triển khai dự án đường Vành đai 4. Thủ tướng nhấn mạnh nguồn vốn Trung ương là để xây lắp, vốn địa phương để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Để có vốn cần nghiên cứu hình thức hợp tác công - tư (PPP), phát hành trái phiếu Chính phủ.

"Phát hành trái phiếu để làm các công trình trọng điểm thì không bao giờ lỗ, nhất là đầu tư về hạ tầng giao thông. Bây giờ khó khăn mấy cũng phải làm. Làm xong, lợi nhuận có thể mang lại gấp hàng trăm, hàng ngàn lần nhưng làm phải đúng chính sách và quy định" - Thủ tướng chỉ đạo. Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH-ĐT cùng các bộ, ngành tìm phương án về vốn để thực hiện có hiệu quả các dự án trọng điểm.

Đa dạng nguồn vốn

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng cần nghiên cứu các nguồn vốn phù hợp cho dự án phát triển hạ tầng giao thông, đa dạng hóa nguồn vốn với cơ cấu hợp lý.

Theo TS Cấn Văn Lực, có 4 nguồn vốn chủ yếu để phục vụ các dự án hạ tầng - gồm vốn tự có, vốn vay ngân hàng (ngân hàng thương mại và ngân hàng phát triển), vốn phát hành trái phiếu và vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Trong đó, vốn tự có là nguồn vốn dưới dạng lợi nhuận để lại, vốn phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, vốn góp từ các cổ đông hay đối tác đầu tư. Vốn trái phiếu có 2 loại chính là trái phiếu doanh nghiệp - có thể gắn trực tiếp với công trình, dự án đang thực hiện, còn gọi là trái phiếu công trình - và trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương hoặc trái phiếu do chủ đầu tư phát hành và Chính phủ bảo lãnh. Nguồn vốn trái phiếu có thể chiếm 20%-25% tổng vốn đầu tư. Còn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế (vốn hỗ trợ phát triển chính thức - ODA, vốn từ các quỹ đầu tư) thường chiếm 10%-15% tổng vốn.

"Để thực hiện dự án đường Vành đai 4, có thể tính tới công cụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình và cổ phiếu. Cần có giải pháp tổng thể và rõ ràng ngay từ đầu về nguồn vốn, tính toán tỉ trọng cụ thể để đạt hiệu quả tối ưu. Đồng thời, tiếp tục giải quyết những vướng mắc về cơ chế PPP, BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BT (đổi đất lấy hạ tầng) nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tư nhân" - TS Cấn Văn Lực góp ý.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng nếu quỹ phát triển đầu tư hạ tầng giao thông vùng được chấp thuận thành lập, có thể đưa ra phương án phát hành trái phiếu để huy động vốn triển khai dự án hạ tầng giao thông, trong đó có dự án đường Vành đai 4. Mặt khác, dự án này đi qua nhiều tỉnh - thành, mỗi địa phương có cơ chế khác nhau, tận dụng quỹ đất khác nhau và vốn trung ương cấp để triển khai cũng khác nhau nên cần chờ đề án cụ thể có thể tính các phương án huy động vốn khả thi.

Tuyến Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 206,82 km, đi qua 5 tỉnh - thành phố. Trong đó, đoạn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,23 km; Đồng Nai: 45,54 km; Bình Dương: 47,45 km; TP HCM: 17,3 km; Long An: 78,3 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 127.230 tỉ đồng.

Quy mô 8 làn xe, chiều dài 199 km

Theo Quyết định 1454/2021 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường Vành đai 4 là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, có chiều dài khoảng 199 km, quy mô 8 làn xe, đầu tư trước năm 2030.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết bộ đã phối hợp với các địa phương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và thống nhất chủ trương triển khai các dự án thành phần độc lập theo phương thức PPP, quy mô giai đoạn 1 bảo đảm 4 làn xe hoàn chỉnh.