Xuất khẩu gạo năm 2024: Kỳ vọng tiếp tục bứt phá

Kinh tế và Đời sống
Những tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh cả về lượng và giá trị. Các chuyên gia dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2024.

Tín hiệu tích cực những tháng đầu năm

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt trên 2,18 triệu tấn, kim ngạch gần 1,43 tỷ USD; tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị trường, Philippines là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam với kim ngạch đạt trên 1 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD, chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá xuất khẩu sang thị trường này đạt 641,7 USD/tấn, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2, tăng mạnh gần 200% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% với 445.326 tấn, tương đương 285,06 triệu USD; giá xuất khẩu đạt 640 USD/tấn.

Đứng thứ 3 là thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch, đạt 98.917 tấn, tương đương 61,55 triệu USD, giá trung bình 622,3 USD/tấn.

Đáng chú ý, trong quý I/2024, lần đầu tiên Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore, chiếm 32,03% thị phần, kim ngạch cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%). Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore trong quý I/2024 đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu trong tháng 3/2024 và nửa đầu tháng 4/2024 đã giảm so với giá gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm.

Ghi nhận của Kinh tế & Đô thị, ngày 15/4, giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 578 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 549 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 480 USD/tấn. Đến thời điểm ngày 24/4, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có tăng nhẹ khi gạo 5% tấm hiện ở mức 582 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 557 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 480 USD/tấn.

Dù đã hạ nhiệt đáng kể so với mức xuất khẩu bình quân kỷ lục trong tháng 2/2024 ở mức 673 USD/tấn, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn đang cao hơn gần 120 USD/tấn.

Về việc giá gạo xuất khẩu giảm, trao đổi với báo Công Thương, ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), cho rằng việc giá lúa gạo Việt Nam hạ nhiệt trong giai đoạn vừa qua là hợp lý. Nguyên nhân do các nước sản xuất đều bước vào vụ thu hoạch chính, nhu cầu nhập khẩu không còn quá cao như thời gian trước. Đặc biệt, nước ta cũng đang trong đợt thu hoạch vụ Đông Xuân, lượng lúa gạo bổ sung ra thị trường dồi dào, việc này kéo giá trong nước và xuất khẩu giảm.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao

Nhận định về thị trường gạo quý II/2024, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam đánh giá, giá gạo thế giới vào gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Nguồn cung gạo trên thế giới vẫn thu hẹp do điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều quốc gia cung ứng lớn buộc phải cấm và hạn chế xuất khẩu. Hiện tượng thời tiết El Nino, yếu tố khiến nhiều khu vực lớn ở châu Á khô hạn trong năm 2023, dự kiến tiếp diễn trong nửa đầu năm 2024.

Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn chưa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng kể từ giữa năm ngoái; Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới cũng cho biết sẽ cắt giảm lượng gạo xuất khẩu nhằm để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Mặt khác, các xung đột chính trị tại Trung Đông cũng đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gặp gián đoạn, với việc chi phí logistics, thời gian vận tải bị đội lên đáng kể.

Phân tích những yếu tố tác động khiến giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục giữ ở mức cao trong năm nay, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho rằng, sự thiếu hụt nguồn cung có thể sẽ tiếp tục đẩy giá gạo xuất khẩu tăng cao trong năm 2024.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, ngoài việc theo xu thế tăng chung còn là do chất lượng gạo Việt đã được khẳng định nhờ thường xuyên nghiên cứu, cho ra đời giống lúa mới ngắn ngày, chất lượng cao.

Vẫn còn những thách thức

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, cuộc cạnh tranh thị phần giữa các nước xuất khẩu dự kiến sẽ gia tăng và tiếp tục gây áp lực lên giá gạo trên thị trường quốc tế. Trong khi Thái Lan và Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các hợp đồng mới, thì Pakistan dự báo sẽ có vụ mùa bội thu trong năm nay.

Kinh tế - Xuất khẩu gạo năm 2024: Kỳ vọng tiếp tục bứt phá

Ảnh minh họa. Nguồn: báo Đầu tư

Mặc khác, tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (diễn biến tại Biển Đỏ ảnh hưởng tới các tuyến vận tải biển, căng thẳng Iran – Israel)… dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.

Việt Nam vừa trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc trong tháng 1/2024 và cảnh báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, thời kỳ cao điểm vào khoảng tháng 2/2024 đến tháng 4/2024. Những yếu tố thời tiết bất lợi này có khả năng ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo vụ Đông Xuân năm 2024.

Mặt khác, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến ngày 22/1/2024, cả nước có 161 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Con số này giảm đáng kể so với thời điểm giữa tháng 8/2023 (210 thương nhân) và thời điểm tháng 10/2023 (170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo).

Để bảo vệ thành quả của năm 2023, tận dụng cơ hội và tiếp tục xuất khẩu thành công trong năm 2024, bên cạnh những giải pháp căn cơ, cần kịp thời giải quyết những vướng mắc trước mắt và lâu dài, hướng đến phát triển bền vững.

Hiện, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore…; trong đó, Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn với trị giá 4,7 tỷ USD - cao kỷ lục. Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gạo trên 8 triệu tấn. Năm nay, Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu gạo đạt 5 tỷ USD.

Để đồng hành cùng ngành lúa gạo Việt Nam cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cho biết, sẽ triển khai tổng thể nhiều giải pháp nhằm tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023.

Đồng thời, thực hiện tốt các mục tiêu, nguyên tắc điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới và triển khai Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 25/3/2024 của Bộ Công Thương về đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công Thương cùng triển khai để đảm bảo: tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường lương thực thế giới.

Minh Hoa (t/h)