Vay tiền ngân hàng "ôm đất" khi sốt, nhà đầu tư "ôm bom"?

Kỳ Văn
Cơn "sốt đất" đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư vay tiền ngân hàng quá nhiều để "gom đất" đang như "ngồi trên đống lửa".

"Sốt đất" hạ nhiệt, giá đất giảm

Thông tin về thị trường bất động sản quý I/2021, Bộ Xây dựng cho biết, giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao. Đáng chú như: vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và mới đây là Thanh Hóa; tại TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TPHCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai…

Vay tiền ngân hàng ôm đất khi sốt, nhà đầu tư ôm bom? - 1

Sau thời gian "sốt đất", nhiều văn phòng môi giới bất động sản đã đóng cửa, vắng bóng người...

Cũng theo Bộ này, tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn.

Khảo sát của PV Dân Việt cho thấy, đất nền tại Hà Nội và tỉnh như Bắc Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bình Phước hay một số khu vực phía Nam… cơn sốt đất đã có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Đơn cử như tại Bắc Giang, sau thời gian quay cuồng tăng nóng, giá đất tỉnh này đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại một số nơi, giá đất đang ở đỉnh 3,4 - 3,5 tỷ đồng/lô 105m2 hiện giảm còn 3,2 tỷ đồng, có nơi chỉ 1,8 - 2,1 tỷ đồng/lô, đất thổ cư từ 3 triệu đồng/m2 chỉ còn 2 triệu đồng/m2. Cá biệt, hàng trăm lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Nhà đầu tư "ôm bom"

Cơn "sốt đất" đi qua, nhiều nhà đầu tư thắng đậm, nhưng không ít nhà đầu tư bị bỏ lại vì không "thoát được hàng". Đặc biệt, thiệt hại nặng nề nhất vẫn là những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao để "ôm đất" trong cơn sốt nhưng hiện chưa kịp thoát ra trước khi thị trường "xịt hơi".

Vay tiền ngân hàng ôm đất khi sốt, nhà đầu tư ôm bom? - 2

Thiếu kiểm soát tài chính, nhiều nhà đầu tư "gánh nợ" khi vay tiền ngân hàng "ôm đất".

Anh Nguyễn Thế Hưng - một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư đất nền ở Hà Nội chia sẻ, thời điểm đầu năm 2021, thị trường bất động sản có nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư. Đầu tiên là do dịch bệnh còn phức tạp, bất động sản vẫn là kênh đầu tư "ăn chắc", cộng với đó là yếu tố lãi suất ngân hàng thấp, lượng hàng bất động sản khan hiếm… khiến thị trường sôi động và "sốt đất" cục bộ ở một số nơi. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư, hay giới đầu cơ gặp khó vì "tham" đầu tư quá nhiều mà không cân đối được tài chính của mình.

"Không ít nhà đầu tư F0 non kinh nghiệm, hoặc ở các lĩnh vực khác vào bất động sản rất dễ là các đối tượng bị "sa lầy" trong cơn sốt nếu không biết tính toán rút lui khi thị trường lên đỉnh", anh Hưng chia sẻ.

Thực tế đã chứng minh, hệ quả của những cơn "sốt đất" trước đây, không ít người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, tán gia bại sản vì vay quá nhiều tiền ngân hàng để lao vào đầu tư bất động sản.

Người "thắng đậm" trong cơn "sốt đất" là một số nhà đầu tư F0, F1 nhanh tay "đẩy hàng" ngay trong giai đoạn "đỉnh sốt", thu tiền chênh lệch. Một bộ phận chủ đất cũng được hưởng lợi bởi chiêu thức thổi giá đã khiến cho giá trị đất tăng cao gấp nhiều lần so với giá trị thực.

Tuy nhiên, tỷ lệ nhà đầu tư thắng đậm rất thấp so với tỷ lệ "thua đậm" và hệ lụy đằng sau những cơn sốt đất sẽ rất dai dẳng đối với sự phát triển của địa phương và bản thân những nhà đầu tư "sa lầy" trong cơn sốt.

Thận trọng cho vay đối với các địa bàn đang "sốt đất"
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã công văn gửi đến các ngân hàng yêu cầu thận trọng cho vay đối với các địa bàn đang sốt đất. Theo ngân hàng, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản trong năm 2020 chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng cao. Một lượng vốn khác "nấp" dưới dạng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn; cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đồng thời tăng cường công tác thẩm định, thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, thận trọng cấp tín dụng đối với các địa bàn đang sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.