Có 2 loại khối u: Khối u lành tính (không phải ung thư và không lan sang các bộ phận khác của cơ thể) và khối u ác tính (ung thư và có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể).

Các nhà khoa học đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ung thư, bao gồm cả những yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, việc tiếp xúc với hóa chất độc hại, một số thói quen sinh hoạt không lành mạnh, tuổi tác và tiền sử gia đình đều là những yếu tố gây ra các bệnh ung thư tiềm ẩn. Đặc biệt, tiền sử gia đình có người mắc ung thư có thể là dấu hiệu của hội chứng ung thư di truyền, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở các thế hệ sau.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã tìm ra mối liên hệ đặc biệt giữa ung thư và các thay đổi gen của tế bào. Trong quá trình phân chia tế bào, gen có thể bị biến đổi khiến tế bào phát triển quá mức và hình thành ung thư. Tìm hiểu nguyên nhân gây ung thư giúp chúng ta phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Bằng cách thay đổi lối sống, tránh tiếp xúc với các chất độc hại và khám sàng lọc ung thư định kỳ, chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Thực trạng bệnh ung thư tại Việt Nam
Ung thư vẫn luôn là mối quan tâm trên toàn cầu. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.
Hiện nay, chỉ có 185/204 quốc gia có báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư theo GLOBOCAN. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy là tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh. Tình hình này cũng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm.
Tại Việt Nam, các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59.4% tổng các loại ung thư). Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Di truyền: Ung thư xuất hiện do các rối loạn di truyền, xảy ra khi gen đột biến trong quản lý hoạt động của tế bào, đặc biệt quá trình phân chia và nhân đôi. Những thay đổi di truyền gây ung thư có thể xảy ra khi. Quá trình phân chia tế bào xảy ra lỗi, DNA tổn hại do chất độc trong môi trường tác động, chẳng hạn như hóa chất trong khói thuốc lá và tia cực tím từ mặt trời. Đột biến gen ung thư di truyền.
Ảnh hưởng từ lối sống một số người có lối sống không lành mạnh sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng nguy cơ ung thư, gồm: Hút thuốc: Người thường dùng thuốc lá, xì gà, thuốc lá điện tử có thể tăng nguy cơ ung thư phổi, miệng, thực quản hoặc tuyến tụy. Chế độ ăn uống, vận động thể chất, sử dụng liệu pháp thay thế hormone: Phụ nữ sử dụng liệu pháp này có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung.
Căng thẳng trong công việc, cuộc sống thường xuyên và kéo dài sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây hại phát triển. Căng thẳng kết hợp với lối sống thiếu vận động, chế độ dinh dưỡng không hợp lý càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư lên gấp nhiều lần.
Câu chuyện người thật – việc thật, từ tuyệt vọng đến phép màu chống chọi ung thư.
“Ung thư không phải là dấu chấm hết” – Hành trình trở về từ cửa tử của người đàn ông Quảng Nam
Tháng 8 năm ngoái, anh Lê Văn Hội (31 tuổi, Quảng Nam) bắt đầu có triệu chứng tiểu buốt nhưng chủ quan không đi khám. Đến khi cơn đau ngày càng dữ dội, anh mới phát hiện mắc ung thư hạch thể hiếm – một loại ung thư ác tính.

Ban đầu, gia đình giấu bệnh khiến anh sốc khi biết tin tại Bệnh viện Vinmec. Suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần, anh rơi vào trầm cảm nặng, từng nhiều lần xin về nhà vì không muốn tiếp tục điều trị tốn kém và mệt mỏi.
Anh Hội chia sẻ: “Ung thư giống như cơn ác mộng, chỉ khi vượt qua mới hiểu sự khắc nghiệt của nó”. Từ 70kg, anh tụt xuống còn 40kg, sống trong u uất, tuyệt vọng, thậm chí mất động lực sống.
Tuy nhiên, nghĩ đến vợ và hai con nhỏ, anh tìm lại ý chí, bắt đầu hành thiền, thực tập chánh niệm, học cách sống chung với bệnh. Anh nói: “Dần dần, tôi không còn hoảng loạn, mà chỉ mong được sống để bên gia đình, thực hiện những điều còn dang dở”.

Quá trình điều trị của anh vô cùng gian nan: nhiễm trùng, sốc nhiễm khuẩn, suy thận, tắc ruột, xuất huyết tiêu hóa... Có lúc bác sĩ phải chuẩn bị phương án xấu nhất. Nhưng kỳ diệu, sau 5 ngày điều chỉnh phác đồ, tình trạng cải thiện, chức năng cơ thể hồi phục, và sau 3 tháng, anh được xuất viện.
Hiện tại, dù chưa phục hồi hoàn toàn, anh đã có thể đi lại, tự chăm sóc bản thân và tiếp tục hành thiền để giữ tinh thần tích cực trước các đợt tái khám. “Tôi từng nghĩ đến cái chết, nhưng giờ chỉ muốn sống thật trọn vẹn mỗi ngày”, anh chia sẻ.
Nỗ lực của ngành y tế
Cần nâng cao trình độ chuyên môn; ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào điều trị và đẩy mạnh nghiên cứu để kiểm soát tình hình ung thư tại Việt Nam
Sàng lọc phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư, khi phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc điều trị càng hiệu quả và tiết kiệm về chi phí, ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì điều trị gặp nhiều khó khăn và để lại gánh nặng lớn về kinh tế.
Điều trị ung thư là điều trị phối hợp bởi nhiều phương pháp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng, dinh dưỡng, tâm lý xã hội..... Có thể nói, những năm gần đây các phương pháp điều trị tân tiến, kỹ thuật và thuốc mới trong điều trị ung thư được nghiên cứu và tiến bộ vượt bậc. Việt Nam cũng là quốc gia cập nhật rất nhanh các tiến bộ này. Nếu như trước đây, phải sau nhiều năm các thuốc mới mới được sử dụng trên bệnh nhân Việt Nam thì ngày nay khoảng cách này đã được rút ngắn lại. Đặc biệt, các kỹ thuật xạ trị hiện đại như VMAT, IMRT… phẫu thuật nội soi, Robot, xạ phẫu Gamma Knife.. cũng đã được triển khai tại Bệnh viện K cũng như một số trung tâm ung bướu khác trên cả nước.
Từ đó, rất nhiều người bệnh đã điều trị thành công; quay trở về cuộc sống thường ngày và truyền cảm hứng cho hàng ngàn người bệnh khác, điển hình như Nữ sinh Đặng Trần Thủy Tiên, không may mắc bệnh ung thư vú những đã mạnh mẽ vượt qua để trở thành Hoa Khôi truyền cảm hứng Trường Đại học Ngoại thương; hay như câu chuyện của người bệnh Nguyễn Thị Liên dù mắc ung thư vú di căn vẫn có thể sinh con và tiếp tục điều trị để trở về với cuộc sống bình thường, và còn rất nhiều những câu chuyện khác nữa chính là minh chứng cho việc áp dụng kỹ thuật hiện đại, phác đồ tiên tiến để viết nên những kỳ tích trong ngành ung thư Việt Nam.
Ngành ung thư cũng đã có nhiều nỗ lực giảm nhẹ gánh nặng ung thư trên phạm vi cộng đồng như tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về dự phòng ung thư, phát hiện sớm ung thư, triển khai tăng cường khám sàng lọc ung thư ở quy mô rộng hơn, đặc biệt ưu tiên sàng lọc các ung thư thường gặp, có khả năng điều trị hiệu quả và phát hiện bằng các phương tiện có thể tiến hành trên quy mô lớn.
Tại Việt Nam, ung thư là một trong các bệnh lý không lây nhiễm, Việt Nam không tách riêng chương trình phòng chống ung thư như nhiều nước mà gộp chung thành chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm và đã được Chính phủ đưa vào Chương trình quốc gia y tế - dân số và Chương trình sức khỏe Việt Nam nhằm tiến tới mục tiêu kiểm soát tình trạng ung thư tại Việt Nam.
Lời khuyên phòng ngừa bệnh ung thư
Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm, tỉ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm về chi phí; ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì luôn để lại gánh nặng lớn về kinh phí và hiệu quả điều trị cũng giảm đáng kể. Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khoẻ định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư. Ngoài ra nên thực hiện những khuyến cáo dưới đây để giảm nguy cơ mắc bệnh:
Không hút thuốc lá, thuốc lào; không sử dụng rượu bia, chất kích thích... Có chế độ ăn uống, dinh dưỡng phù hợp: ăn nhiều rau, quả. Hạn chế sử dụng chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối, tránh đồ uống có đường. Không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu, thực phẩm nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng ....
Xây dựng chế độ tập luyện; nghỉ ngơi hợp lý; giữu tinh thần thoải mái; tích cực. Sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn và thực hiện tiêm chủng đầy đủ: viêm gan B; HPV…
"Ung thư không phải là dấu chấm hết" là một thông điệp tích cực và đầy hy vọng dành cho những người đang đối mặt với căn bệnh này. Thông điệp này nhấn mạnh rằng ung thư không nhất thiết là bản án tử hình, mà có thể là một giai đoạn thử thách, mở ra cơ hội để sống ý nghĩa hơn. Thông điệp nhân văn "Phát hiện sớm - chữa kịp thời - sống có ý nghĩa" khuyến khích mọi người chủ động tầm soát ung thư, để có thể can thiệp sớm và kéo dài sự sống, đồng thời tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn.