Tỷ phú nữ giàu nhất châu Á mất nửa tài sản do khủng hoảng nhà đất

Kỳ Văn
Dương Huệ Nghiên, người đứng đầu công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc Country Garden và từng là nữ tỷ phú giàu nhất châu Á với khối tài sản 23,7 tỷ USD, đã bị cơn khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc "thổi bay" hơn một nửa khối tài sản chỉ từ đầu năm tới nay.
khung-hoang-nha-dat-1659060694.jpg
Bà Dương Huệ Ngiên, người đã trở thành nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc năm 25 tuổi và đầu năm nay trở thành nữ tỷ phú giàu nhất châu Á.

Dương Huệ Nghiên được coi là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất của cuộc khủng hoảng nhà đất, vốn đã trở nên khốc liệt từ cuối năm ngoái, tại Trung Quốc.

Bà Dương là con gái của tỷ phú Dương Quốc Cường, người sáng lập Country Garden, công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Thừa kế tài sản của cha vào năm 2005, bà Dương hiện là đồng chủ tịch và là cổ đông kiểm soát đại đa số cổ phiếu của công ty.

Đầu năm nay, đồng chủ tịch Country Garden được vinh danh là người phụ nữ giàu nhất châu Á với khối tài sản 23,7 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Từng là công ty được coi là “hình mẫu” trong giới bất động sản Trung Quốc, tuy nhiên, Country Garden vẫn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhà đất đã diễn ra tại đất nước tỷ dân từ cuối năm ngoái.

Ngày 27/7, Country Garden đã cho thấy mức độ khủng hoảng tiền mặt khi cho biết họ đang tìm cách huy động 2,83 tỷ HKD (520 triệu USD) bằng cách bán cổ phiếu với giá chiết khấu.

Chỉ trong 7 tháng, khối tài sản của người đứng đầu công ty là bà Dương đã giảm hơn một nửa xuống còn 11,3 tỷ USD, bao gồm cả mức giảm gần 2 tỷ USD chỉ riêng vào ngày 27/7, khiến vị trí đứng đầu bảng xếp hạng tài sản của bà lâm nguy.

Cú "bay hơi" tài sản này khiến bà Dương bị thu hẹp khoảng cách đáng kể trong danh sách tỷ phú của Bloomberg. Bà Phạm Hồng Vệ, tỷ phú ngành hóa dầu của công ty Hengli Petrochemical hiện có giá trị tài sản ước tính 11,2 tỷ USD.

Sự sụt giảm nhanh chóng về tài sản của bà Dương cũng như tình hình tài chính tệ hại của công ty càng gia tăng những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc sẽ làm hỏng hệ thống tài chính và các kênh cấp vốn của nước này, ngay cả đối với Country Garden, nhà phát triển bất động sản lớn nhất đất nước.

Kenny Ng, chiến lược gia tại Everbright Securities International ở Hong Kong, bày tỏ lo ngại tình hình của Country Garden sẽ còn xấu hơn nữa do bị các nhà đầu tư xa lánh, trong khi vẫn “cõng” trên mình khoản nợ đáng kể và ghi nhận mức tăng trưởng ngày càng chậm.

Nỗ lực kiềm chế giá bất động sản của Trung Quốc và chiến dịch “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình đã giúp chấm dứt những năm tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp chiếm khoảng 70% sự thịnh vượng nước nhà.

Thời điểm đầu cuộc khủng hoảng, Country Garden vẫn phát triển tương đối tốt, nhưng đã dần hướng tới những tháng làm ăn tồi tệ nhất kể từ năm 2011, khi một trong những trái phiếu công ty đạt mức thấp kỷ lục vào tuần trước. Các dự án mới của công ty chỉ tập trung ở những thành phố cấp 3-4, nơi người mua nhà có thu nhập thấp hơn. Doanh thu theo hợp đồng của nhà xây dựng cũng đã giảm gần 40% xuống còn 185,1 tỷ NDT trong 6 tháng đầu năm.

Tháng trước, Moody’s Investors Service đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Country Garden xuống mức thấp và thay đổi triển vọng thành tiêu cực, với lý do tình hình tài chính xấu đi và khả năng tiếp cận nguồn vốn dài hạn bị suy yếu.

Tuy nhiên, đáp trả các nghi ngại, Country Garden cho biết họ không có bất kỳ dự án nào bị bỏ dở và tình trạng thiếu nhà hoặc nguồn cung đang ở mức hợp lý ở các thành phố cấp 3 và 4.