Thu hồi đất: Cần tính đúng, tính đủ, sát giá thị trường

Admin
Sáng 3/11, thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng đây là luật khó, có tác động đến hầu hết các khía cạnh của đời sống của người. Điều này đòi hỏi Luật phải được sửa đổi toàn diện, thấu đáo để giải quyết được các bất cập, vướng mắc hiện nay, bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước.
thu-hoi-dat-1667472140.jpg
Các đoàn ĐBQH Kiên Giang, Cần Thơ, Ninh Bình thảo luận tổ về Luật Đất đai sửa đổi, sáng ngày 3/11 - Ảnh: VGP/NB

Xây dựng nơi tái định cư mới được thu hồi đất của dân-vấn đề cần làm rõ

Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hoà) trăn trở khi các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận "chênh lệch địa tô" từ việc thu hồi đất của nông dân. Trong khi đó, người nông dân mất đất nên chật vật khi tìm kế sinh nhai mới, dẫn đến họ thua thiệt nhiều bề.

Do đó, đại biểu đề nghị, việc thu hồi đất của người dân phải "tính đúng, tính đủ, sát giá thị trường" nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân. Bên cạnh đó, nên có quy định cụ thể đối với việc bồi thường bằng đất khi người dân bị thu hồi đất, sao cho ngang với giá trị đất mà người dân bị nhà đầu tư làm dự án thu hồi.

Đại biểu cũng đề nghị cần cụ thể hoá các giải pháp về hỗ trợ chuyển đổi nghề cho dân khi bị thu hồi đất, phải xây dựng kết cấu hạ tầng chỗ ở mới cho người dân tái định cư. "Cần làm rõ nếu hạ tầng tái định cư mới cho người dân chưa hoàn thành thì chủ đầu tư có được thu hồi đất của dân hay không. Có như vậy mới giảm được khiếu kiện về đất đai nhiều như hiện nay khi mỗi hộ gia đình phải được bố trí một suất tái định cư nếu bị thu hồi đất", đại biểu nêu vấn đề.

Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu kiến nghị dự thảo luật cần tách bạch giữa quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về đất đai (Chính phủ, chính quyền địa phương) và chức năng quản lý nhà nước của chính quyền.

"Tôi thấy dường như bóng dáng của chức năng quản lý nhà nước nhiều hơn chức năng quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về đất đai trong các cấp chính quyền hiện nay. Trong khi đó, chức năng đại diện quyền sở hữu nhà nước rất quan trọng, khi chính quyền đại diện cho dân thì chính quyền phải có trách nhiệm giải trình với người dân và bảo đảm lợi ích của người dân với tư cách là đại diện cho quyền chủ sở hữu", đại biểu Hiếu nhìn nhận.

Quan tâm đến đất đai phân bổ cho doanh nghiệp, đại biểu Hiếu dẫn báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2021 cho thấy cứ 2 doanh nghiệp được khảo sát thì có 1 doanh nghiệp cho biết việc tiếp cận đất đai rất khó khăn. Do đó, báo cáo tổng kết cần làm rõ điều này để có giải pháp, trong đó nêu rõ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai ở khâu nào, nhất là có đến 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo đại biểu, việc minh bạch, công khai thông tin về quy hoạch đất đai từ sớm rất quan trọng để giải quyết bất đối xứng thông tin được cung cấp ra bên ngoài.

Về cải cách thể chế, đại biểu bày tỏ "thất vọng" khi tại Chương 14 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ liệt kê 7 nhóm thủ tục hành chính mà không có nội dung về thủ tục hành chính được quy định trong Luật.

"Vì không có nội dung về các thủ tục hành chính được quy định trong Luật nên tôi không biết góp ý thế nào. Lần sửa đổi này có cải cách được gì về thể chế, thủ tục hành chính hay không, trong khi điều chúng ta hy vọng lớn là tháo gỡ về thể chế", đại biểu Hiếu bày tỏ.

Về giải quyết xung đột pháp luật, có hiện tượng luật nào cũng khoanh cho một "vùng bất khả xâm phạm" để luật khác không đụng vào, điều này có thể tạo xung đột luật, chồng lấn nhau.

Tính giá đất: Khách quan, vô tư, không vụ lợi

Tán thành với ý kiến của đại biểu Phan Đức Hiếu, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) cho rằng phải làm rõ vai trò của đại diện chủ sở hữu đất đai là Nhà nước cần thể hiện được vai của "ông chủ", quyền năng như thế nào, trong khi dự thảo Luật mới thể hiện được vai trò quản lý nhà nước mà thôi.

Đồng thời, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này phải có lời giải cho việc hạn chế khiếu nại, tố cáo về đất đai vỗn quá nhiều như hiện nay.

Quan tâm đến vấn đề giá đất, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (đại biểu Kiên Giang) phân tích, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, trong khi giá đất định theo giá thị trường nhưng lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như văn hoá, truyền thống, đôi khi cả yếu tâm linh, nên định giá theo cơ chế thị trường là không dễ dàng.

Tuy nhiên, "nếu chúng ta làm khách quan, vô tư, vì cái chung và không có yếu tố vụ lợi thì chắc sẽ định được giá đất", Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Về giải quyết tranh chấp đất đai, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng các tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do toà án giải quyết theo quy định của tố tụng dân sự là điều rất tốt nhưng khó khả thi, khi mà toà án không xử lý xuể các mối quan hệ về đất đai "muôn hình vạn trạng", từ cấp thôn, xã, phường đều phát sinh nhiều vấn đề, không chỉ sai người dân mới khiếu nại mà có khi đúng vẫn bị khiếu nại vì "muốn được hơn một ít".