Thời của nghệ thuật trí tuệ nhân tạo?

Kỳ Văn
Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc sáng tạo nghệ thuật đang gây ra phản ứng khác nhau từ dư luận quốc tế.
Tác phẩm Không gian nhà hát thính phòng của Jason M. Allen đoạt giải Nhất hạng mục “Nghệ thuật kỹ thuật số” tại Hội chợ Mỹ thuật Bang Colorado. (Nguồn: CNN)
Tác phẩm Không gian nhà hát thính phòng của Jason M. Allen đoạt giải Nhất hạng mục “Nghệ thuật kỹ thuật số” tại Hội chợ Mỹ thuật Bang Colorado. (Nguồn: CNN)

Jason M. Allen, nhà thiết kế trò chơi ở Pueblo West (bang Colorado, Mỹ), đã khá lo lắng khi tham gia cuộc thi nghệ thuật đầu tiên. Bức tranh đoạt giải Nhất của anh đang gây nhiều tranh cãi về việc liệu nghệ thuật có thể được tạo ra bằng máy tính hay không.

Hồi tháng Tám, Allen đã giành giải Nhất hạng mục “Nghệ thuật kỹ thuật số” tại Cuộc thi Mỹ thuật Hội chợ bang Colorado. Bức tranh đoạt giải của anh, có tựa đề Không gian nhà hát thính phòng, được thực hiện bằng Midjourney - phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tạo ra hình ảnh chi tiết khi được điều khiển bằng văn bản. Anh đã nhận được giải thưởng trị giá 300 USD cho tác phẩm này.

Tổng cộng có 11 người đã tham gia cuộc thi với 18 tác phẩm nghệ thuật cùng thể loại. Hạng mục mà Allen tham gia tranh giải có tiêu chí chấp nhận các tác phẩm sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong quá trình sáng tạo. Allen gửi dự thi ba tác phẩm và bức tranh đoạt giải của anh mang vẻ giao thoa giữa nghệ thuật thời Phục hưng và phong cách siêu thực.

Ứng dụng Midjourney là một trong những công cụ sử dụng AI để tạo hình ảnh. Cũng có những ứng dụng khác tương tự như Imagen của Google và DALL-E 2 của công ty công nghệ OpenAI. Tuy vậy, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng Midjourney, trong khi DALL-E 2 yêu cầu người dùng phải được mời, còn Imagen chưa được mở cho người dùng bên ngoài Google.

Sự mới lạ và cách sử dụng các ứng dụng tạo hình ảnh đã dẫn đến các cuộc tranh luận về việc liệu chúng có thể thực sự làm nghệ thuật hay hỗ trợ con người làm nghệ thuật hay không.

Những ý kiến trái chiều

Chiến thắng của Allen đã lan truyền trên mạng xã hội, tuy nhiên nhiều nghệ sĩ tức giận trước chiến thắng này do Allen đã sử dụng AI để tạo ra tác phẩm.

Một người dùng Twitter viết: “Điều này thật tệ hại! Đó là lý do tại sao chúng ta không cho robot tham gia Thế vận hội”.

“Đây là thí dụ của việc nhấn nút tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật AI giống như 'quả chuối được dán vào tường' trong thế giới kỹ thuật số hiện nay”, một người khác mỉa mai.

Nghệ sĩ Camille Lenglois từ Trung tâm Pompidou, trung tâm văn hóa và bảo tàng nghệ thuật đương đại lớn nhất châu Âu, cũng cho rằng, AI không thể có khả năng sáng tạo và việc sản xuất hình ảnh bằng máy móc không giúp tạo nên một nghệ sĩ.

Người sử dụng có thể đưa cho Midjourney một cụm từ, thí dụ: “bức tranh sơn dầu về một quả dâu tây giận dữ” và nó sẽ cho bạn một bức tranh sau vài giây. Tuy nhiên, công việc của Allen không đơn giản như vậy. Anh cho biết, để có được ba bức tranh cho cuộc thi, anh đã mất hơn 80 giờ.

Đầu tiên, anh đã dùng các lệnh để Midjourney tạo ra hình ảnh của những người phụ nữ mặc váy xếp nếp và đội mũ du hành vũ trụ. Anh thử kết hợp trang phục theo phong cách Victoria với chủ đề không gian vũ trụ. Sau đó, với nhiều chỉnh sửa về ánh sáng, màu sắc, anh đã tạo ra tới 900 phiên bản để chọn ra ba hình ảnh cuối cùng. Anh còn phải hoàn thiện ba bức tranh đó trong Photoshop bằng nhiều kỹ thuật khác. Chẳng hạn như tạo cho một nhân vật nữ trong bức tranh có mái tóc đen lượn sóng, trong khi ban đầu Midjourney chỉ tạo ra hình ảnh cô này không có đầu. Sau đó, anh đưa các ảnh này vào phần mềm Gigapixel AI để tăng độ phân giải và in ra thành tranh trên vải.

Allen cho hay, anh cũng cảm thấy vui vì cuộc tranh luận về AI làm nghệ thuật thu hút được nhiều sự chú ý. Anh nói: “Thay vì ghét bỏ công nghệ hoặc những người đứng sau nó, chúng ta cần nhận ra rằng đó là một công cụ mạnh mẽ và cần sử dụng nó cho mục đích tốt để tất cả chúng ta có thể tiến lên thay vì đả kích nó”.

Ông Cal Duran, một nghệ sĩ, giáo viên nghệ thuật, giám khảo của cuộc thi, nói rằng khi chấm thi, ông đã không nhận ra rằng tác phẩm của Allen là do AI tạo ra. Tuy nhiên, ông vẫn giữ quyết định của mình khi trao giải Nhất trong hạng mục, bởi ông cho đó là một tác phẩm đẹp.

AI mang lại cơ hội

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng công nghệ AI có thể mang lại nhiều cơ hội hơn cho những người có thể không thấy mình là nghệ sĩ theo cách thông thường”.

Việc sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật từ máy tính đã được các nghệ sĩ Mỹ và Đức khởi xướng từ những năm 1960.

Ngày nay, các nghệ sĩ sử dụng công nghệ AI có khả năng tạo ra những hình ảnh phức tạp hơn nhiều so với trước kia.

Mạng xã hội hiện tràn đầy những hình ảnh nghệ thuật được tạo ra nhờ CLIP - công cụ AI của công ty công nghệ OpenAI.

Số lượng thành viên của cộng đồng này đang tăng rất nhanh. Họ là những nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu và cả các hacker đã, đang thử nghiệm các công cụ này rồi chia sẻ kết quả sáng tác của họ lên mạng. Các thành viên cũng chia sẻ mã và các thủ thuật để nâng cao chất lượng hoặc phong cách nghệ thuật hình ảnh được tạo ra. Phong trào này gần như đã tạo nên một trường phái nghệ thuật mới nổi.

Nghệ sĩ người Argentina Sofia Crespo khẳng định, đây là một xu hướng mới khi con người điều khiển máy tính để tạo ra những ý tưởng, những tác phẩm nghệ thuật mới. Bà Crespo nhấn mạnh rằng các nghệ sĩ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, dù phương pháp làm việc của họ có thể dựa trên công nghệ AI chứ không theo cách truyền thống.