
Không phụ kỳ vọng, chỉ trong vòng 10 ngày kể từ khi ra mắt, nhóm đã chạm tới loạt thành tích đáng gờm mà nhiều nghệ sĩ kỳ cựu còn mơ ước. Thành công của ALLDAY PROJECT không đến từ công thức cũ kỹ của Kpop, mà là sự giao thoa giữa chiến lược thương hiệu, năng lực nghệ thuật và khả năng đọc vị xu hướng Gen Z.

Nhạc phim 'K-pop Demon Hunters': Khi âm nhạc hư cấu tạo tiếng vang thật
Nhạc phim hoạt hình hiếm khi là mảnh đất tạo hit trong Kpop. Nhưng "K-pop Demon Hunters" lại là một ngoại lệ ngoạn mục. Được xây dựng trên thế giới giả tưởng của các nhóm nhạc hư cấu Huntrix và Saja Boys, nhạc phim không chỉ đạt hàng trăm triệu lượt nghe mà còn vượt biên giới văn hóa để bước vào thị trường Mỹ - điều mà ngay cả nhiều nhóm Kpop ngoài đời thực còn chật vật.
Sự thành công nằm ở chất lượng sản xuất đỉnh cao của Teddy và đội ngũ cộng sự, kết hợp với sự nhạy bén trong thẩm mỹ hình ảnh, vũ đạo và storytelling. Vũ đạo do Leejung - biên đạo của nhiều bản hit BLACKPINK đảm nhận, đã biến những nhân vật ảo trở thành biểu tượng có thật trong lòng khán giả.
Your Idol đạt No.1 Spotify Mỹ, Golden lọt vào Billboard HOT 100, đó không chỉ là thành tích âm nhạc, mà là minh chứng cho tư duy vượt chuẩn của THE BLACK LABEL: Biến hư cấu thành xu thế, biến sản phẩm giải trí thành sức mạnh lan tỏa văn hóa.

Chiến lược 'đa vũ trụ nghệ sĩ': Không chỉ có BLACKPINK
Điểm khác biệt của THE BLACK LABEL trong năm 2025 là sự bền bỉ xây dựng một hệ sinh thái nghệ sĩ toàn diện, không phụ thuộc vào một "gà chủ lực" duy nhất. Trong khi các công ty khác xoay quanh 1-2 nhóm trụ cột, đầu tư song song cho MEOVV, IZNA, Jeon Somi và ALLDAY PROJECT - mỗi người mang màu sắc riêng nhưng cùng chia sẻ DNA âm nhạc do Teddy dẫn dắt.
Việc liên tục giành cúp với các tân binh như MEOVV và IZNA cho thấy công ty đang chơi trò chơi đường dài. Họ không vội vàng ra mắt hàng loạt nghệ sĩ, mà đặt trọng tâm vào cá tính âm nhạc, hình ảnh chỉn chu và chiến lược nội dung mạnh mẽ.

Teddy: Từ hit-maker thành 'cây đại thụ văn hóa' của Kpop
Nếu nói BTS đưa Kpop lên tầm toàn cầu thì Teddy chính là người định hình "hương vị" riêng cho Kpop hiện đại. Từ thời 2NE1, BLACKPINK cho đến Jeon Somi, MEOVV hay các ca khúc nhạc phim gần đây, âm nhạc của Teddy luôn mang tính biểu tượng: dễ nhận diện, dễ viral và mang đậm cá tính.
Giới phê bình nhận định Teddy không còn đơn thuần là nhà sản xuất, mà đã trở thành một "nhà kiến tạo hệ sinh thái âm nhạc", nơi mỗi sản phẩm âm nhạc không chỉ là bài hát mà là một trải nghiệm toàn diện: từ giai điệu, hình ảnh đến văn hóa tiêu dùng. Tầm nhìn đó khiến các đối thủ phải dè chừng và truyền thông quốc tế không thể ngó lơ.

BLACKPINK với JUMP và Jeon Somi với EXTRA là hai lát cắt thú vị trong bức tranh 2025. Không quảng bá rầm rộ, không comeback hoành tráng, cả hai vẫn thu hút lượng người nghe khổng lồ nhờ chất nhạc đặc trưng và độ nhận diện thương hiệu đã được định hình rõ nét. Điều này phần nào phản ánh triết lý của THE BLACK LABEL khi xây dựng nghệ sĩ với sức hút tự thân, không lệ thuộc hoàn toàn vào truyền thông hay drama để viral.
Năm 2025 cho thấy một THE BLACK LABEL đầy bản lĩnh: không chạy theo số đông, không lặp lại công thức cũ, mà kiên định xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc vừa cá tính vừa toàn cầu hóa. Trong bối cảnh Kpop đang dần bước vào thời kỳ tái định hình sau thế hệ gen 3 và gen 4, THE BLACK LABEL nổi lên như một đầu tàu tư duy mới - nơi nghệ thuật và chiến lược thị trường gặp nhau ở đỉnh cao.