Phát triển nhà ở xã hội: Kỳ vọng vào gói 120.000 tỷ đồng

Admin
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân phải dựa trên danh mục dự án mà Bộ Xây dựng đưa ra.
gia-bds-1678016348.jpg

Nỗ lực các giải pháp để triển khai

Ngày 3/3, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân sẽ được triển khai ngay sau khi có Nghị quyết của Chính phủ. Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã làm việc với các ngân hàng thương mại nhà nước và các tổ chức tín dụng để chuẩn bị nguồn cho gói tín dụng này. Việc giải ngân sẽ dựa trên danh mục nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đưa ra.

Trước đó, chiều 2/3, thông tin về đề xuất gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, để thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 trước đây). Trong đó dành khoảng 50% gói tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi và dành khoảng 50% gói tín dụng còn lại cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tuy nhiên, Thống đốc NHNN Việt Nam cũng đề xuất một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Sau khi có quyết nghị của Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với NHNN Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề thủ tục. Nhiều DN đang chật vật với những thủ tục đầu tư xây dựng phân khúc này. Vì thế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy đầu tư các dự án nhà ở nói chung, trong đó có các dự án nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị kiến nghị, cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế thống nhất, đồng bộ về lĩnh vực bất động sản; tập trung tín dụng cho các dự án phát triển nhà ở xã hội, các dự án bảo đảm đầy đủ các điều kiện pháp lý và đang triển khai dở dang; đẩy nhanh thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay đầu tư nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ…

Làm sao để doanh nghiệp mặn mà hơn?

Tại hội thảo Góp ý cho dự thảo thông tư sửa đổi về phát triển, quản lý và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đến 2030 vừa tổ chức, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Hoàng Quân) cho rằng, Chính phủ đã từng có gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng với thành công lớn về an sinh xã hội, tạo quỹ nhà, nền tảng kích thích thị trường bất động sản, nợ xấu ít. “Vậy tại sao chúng ta không có một gói như gói 30.000 tỷ đồng? Với DN, khi có vốn, có cơ chế, DN sẽ làm tốt” - ông Tuấn nêu quan điểm.

Liên quan đến tỷ suất sinh lời cho một dự án nhà ở xã hội, ông Tuấn kiến nghị, nên tăng lên mức 15% thay vì 10% như hiện nay. Nới tỷ suất lợi nhuận của chủ đầu tư để các DN mặn mà hơn trong việc phát triển nhà ở xã hội. “Nhà nước không nên quá lo việc DN thực hiện nhà ở xã hội sẽ lời nhiều, do quy luật cạnh tranh sẽ bù trừ lại” – ông Tuấn nói.

Ông Dương Long Thành - Chủ tịch Thắng Lợi Group cũng cho rằng, nếu vẫn giữ tỷ suất sinh lời 10% thì Nhà nước cần có chính sách thưởng cho DN thực hiện dự án nhà ở xã hội sau khi dự án được hoàn thành, ví dụ như thêm 5% lợi nhuận chẳng hạn. Bên cạnh đó, ông Thành cũng đề xuất mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. “Nên có cơ chế khai thác dữ liệu cư dân quốc gia, đối tượng được mua là đối tượng không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, cần bổ sung đối tượng là học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng nghề tại các địa phương. Đây sẽ là đột phá nguồn mua nhà ở xã hội, tạo phân luồng lao động” – ông Thành nhấn mạnh.

Dù chưa có hướng dẫn cụ thể song theo các chuyên gia, gói 120.000 tỷ đồng là gói vay thương mại, DN, người mua nhà khi đáp ứng các điều kiện sẽ được vay, đặc biệt là điều kiện về mặt pháp lý của dự án. Nếu triển khai được, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ có tác dụng rất lớn với thị trường bất động sản, tương tự gói 30.000 tỷ đồng cách đây 10 năm.