Mạng 6G sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2030

Kỳ Văn
Pekka Lundmark, Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn viễn thông Nokia cho rằng, mạng 6G sẽ có mặt vào khoảng năm 2030, khi metaverse (vũ trụ ảo) mở rộng trong ngành công nghệ.
Mạng 6G sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2030
6G sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2030.

Ông Lundmark đưa ra bình luận trong phiên thảo luận về “triển vọng chiến lược của kinh tế số” tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Davos (Thụy Sỹ) ngày 24/5.

“Hiện nay, chúng ta đang phát triển mạng 5G, nhưng vào thời điểm điện toán lượng tử đang hoàn thiện cho các ứng dụng thương mại, chúng ta sẽ nói về 6G”, ông nói.

Ông dự đoán, đến năm 2030, những chiếc điện thoại thông minh như hiện nay sẽ không còn là những “giao diện phổ biến nhất nữa”. “Thế giới vật lý và thế giới kỹ thuật số sẽ phát triển cùng nhau”. Kết quả cuối cùng có thể là người dùng đi vào thế giới thực tế ảo (VR), bật công tắc hoặc xoay nút là có thể thay đổi điều gì đó trong thế giới thực.

Hiện nay, một số công ty, chẳng hạn như Neuralink của Elon Musk, đang nghiên cứu các thiết bị điện tử có thể cấy ghép vào não và được sử dụng để giao tiếp với máy móc và người khác. Ở cấp độ cơ bản hơn, chip có thể được cấy vào ngón tay của con người và được sử dụng để mở khóa mọi thứ.

Hiện nay, chưa có định nghĩa tiêu chuẩn về 6G. Trên thế giới, cuối năm 2018, đầu năm 2019, các mạng viễn thông mới bắt đầu triển khai 5G trên thị trường thương mại ở Mỹ hay Trung Quốc. Những gã khổng lồ công nghệ như Meta, Google và Microsoft hiện mới đang nghiên cứu các loại tai nghe thực tế ảo tăng cường (AR) và một ngày nào đó có thể thay thế điện thoại thông minh.

Còn Giám đốc tài chính của Alphabet, Ruth Parlot dự đoán, con người sẽ sớm có thể ngay lập tức dịch các cuộc trò chuyện bằng kính thực tế ảo tăng cường.

Tại phiên thảo luận ở WEF Davos, các nhà lãnh đạo công nghệ cũng đã thảo luận về những cơ hội và thách thức mà metaverse mang lại.

Đến năm 2030, Lundmark tin rằng sẽ có những “cặp song sinh kỹ thuật số của mọi thứ”, đòi hỏi “tài nguyên điện toán khổng lồ”. Để đáp ứng được metaverse, các mạng sẽ cần phải nhanh hơn ít nhất hàng trăm lần hoặc thậm chí hàng nghìn lần so với hiện nay, Lundmark nói.

Theo mô tả, 6G không chỉ có tốc độ và thời gian phản hồi nhanh hơn mà còn cho thấy bước chuyển dịch lớn hơn, được dẫn dắt bởi sự phát triển của điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo.

Trên tờ El País, ông Marianna Obrist - Giáo sư về giao diện đa giác quan tại Đại học London nhận định, sự thay đổi sẽ hiện diện ở các thiết bị công nghệ tương tác tích hợp với các giác quan của người sử dụng, chẳng hạn như khứu giác, vị giác và xúc giác.