Lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng SCB 'bốc hơi' đến 84%

Kỳ Văn
SCB có lãi chủ yếu nhờ hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng trong khi hoạt động kinh doanh lỗ thuần 346,3 tỷ đồng.

scb-1664353958.jpg 

Lợi nhuận trước thuế quý 2 giảm 84% so với cùng kỳ xuống còn 101,3 tỷ đồng, thấp nhất kể từ quý 4/2020.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) lãi trước thuế giảm 39% so với cùng kỳ, xuống còn 101,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của SCB thu về vỏn vẹn 17,3 tỷ đồng, “bốc hơi” đến 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, SCB có lãi chủ yếu nhờ hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng (447,7 tỷ đồng) trong khi hoạt động kinh doanh lỗ thuần 346,3 tỷ đồng.

Trong quý 2, mặc dù thu nhập lãi thuần đã tăng mạnh từ mức âm 1.131 tỷ đồng lên dương 194 tỷ đồng, tuy nhiên SCB cũng không còn khoản lãi đột biến từ mua bán chứng khoán đầu tư 1.100 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh và hoạt động khác đều sụt giảm so với cùng kỳ.

Không chỉ lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán sụt giảm, mới đây, SCB còn bị Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Cụ thể, SCB bị phạt tiền 85 triệu đồng vì không báo cáo một loạt tài liệu: Báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên 2021; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, năm 2021, 6 tháng đầu năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, SCB đã báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật các tài liệu: BCTC riêng và hợp nhất quý 3, 4/2020; BCTC riêng và hợp nhất bán niên soát xét 2020, 2021; Báo cáo thường niên 2020; BCTC riêng và hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán; BCTC riêng và hợp nhất quý 1, 3, 4/2021; BCTC riêng và hợp nhất quý 1, 2/2022.

Có thể thấy, tình hình kinh doanh của SCB đã xấu đi trông thấy từ quý 2 sau khi đạt kết quả khả quan trong quý đầu năm. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 718 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ.

Nguồn thu chính của ngân hàng từ thu nhập lãi thuần đạt 2.479 tỷ đồng, tuy nhiên các mảng dịch vụ, chứng khoán đầu tư và hoạt động khác đều sụt giảm mạnh, lần lượt 22%, 84% và 92% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi đang có xu hướng tăng lên trong khi lãi suất cho vay đầu ra khó tăng tương ứng, lợi nhuận của các ngân hàng phụ thuộc lớn vào thu nhập từ lãi như SCB sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng khó có thể trông chờ mãi vào các khoản hoàn nhập dự phòng, mang tính thất thường.

Về chất lượng tài sản, tính đến 30/6, tổng tài sản của SCB đã tăng 8,3% so với cuối năm trước, lên mức 761.178 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng tăng 8,1% đạt 389.792 tỷ đồng.

Số dư tiền gửi khách hàng tăng 16,1% đạt 594.630 tỷ đồng. Nợ xấu sau 6 tháng của ngân hàng giảm 4% còn hơn 3.800 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,1% cuối năm trước về 0,98%.

Tuy nhiên, SCB vẫn còn hơn 58.678 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC trong đó đã trích lập dự phòng được 14.798 tỷ đồng.