Lãi vay vẫn đè nặng thị trường bất động sản, có doanh nghiệp trả lãi ngân hàng lên đến 16%/năm

Admin
Vấn đề về lãi suất cho vay trong thời gian qua hạ nhiệt là một động thái tích cực, giảm một phần gánh nặng cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, việc lãi suất thực tế giảm luôn có độ trễ từ 9 tháng đến một năm.
lai-vay-van-de-nang-thi-truong-bat-dong-san-co-doanh-nghiep-tra-lai-ngan-hang-len-den-1686621405.jpg

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra quyết định giảm loạt lãi suất điều hành áp dụng để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đây là lần thứ 3 liên tiếp kể từ giữa tháng 3/2023 đến nay, NHNN điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành.

Động thái nói trên của ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp sức cho thị trường bất động sản, giúp người mua nhà có thể tiếp cận vốn vay với lãi suất phù hợp.

Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, thông tin giảm lãi suất chỉ có tác dụng về tâm lý, chứ để đi vào cuộc sống phải mất thêm thời gian.

Gần đây, song song với giảm lãi suất huy động, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, đồng loạt triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Chia sẻ mới đây, một chuyên gia trong ngành cho rằng, việc hạ lãi suất là một động thái tích cực và mang tính cấp thiết, giúp thổi một làn gió mới vào thị trường nguồn vốn, giảm một phần gánh nặng lãi suất hiện nay trên thị trường.

Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay bất động sản hiện nay còn khá cao, tùy theo nhóm ngân hàng mức cho vay bất động sản, dao động từ 10% - 14%/năm, chưa kể đến các chi phí tài chính khác. Với mức lãi suất này rất khó để có thể kích cầu, giúp thị trường hồi phục. Đối với chủ đầu tư có thể họ chấp nhận vay mức lãi suất này để “gồng” qua giai đoạn khó khăn. Đối với nhà đầu tư cá nhân nếu vay mua bất động sản, mức lãi suất này là quá cao, điều này kéo theo thanh khoản thị trường khó hồi phục.

Mới đây, đại diện một doanh nghiệp địa ốc phía Nam cho hay, dù lãi suất có động thái giảm nhưng khi tiếp xúc với các lãnh đạo ngân hàng thương mại thì họ đều nói rằng, luôn có độ trễ từ 9 tháng đến 1 năm để lãi suất thực tế giảm. Lãi suất cho vay bất động sản vẫn neo rất cao. Chưa kể, không phải dự án hay chủ đầu tư nào cũng được vay.

Bên cạnh vấn đề thủ tục, pháp lý thì hiện nay doanh nghiệp vẫn phải gánh lãi suất vay khá cao. “Trong 2-3 năm qua, doanh nghiệp trả lãi vay trung hạn từ 14-15%/năm, thậm chí có những tháng là 16%/năm. Mức lãi suất này không thấp. Doanh nghiệp đang gánh lãi vay do dự án vướng pháp lý”, đại diện một doanh nghiệp địa ốc chia sẻ.

Cũng chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chỉ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, lãi suất duy trì ở mức cao từ cuối năm 2022, giảm nhẹ vào đầu năm 2023 nhưng vẫn ở ngưỡng cao đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Áp lực lãi suất khiến sức khỏe các doanh nghiệp vốn đã yếu lại ngày càng suy giảm.

Theo ông Đính, bản thân doanh nghiệp hiện tại thiếu vốn để sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Trong khi, doanh thu thì sụt giảm nhưng vẫn phải gồng mình lên gánh nhiều khoản chi phí.

Việc huy động nguồn vốn từ ngân hàng không phải là đơn giản. Hầu hết các ngân hàng vẫn tiếp tục siết chặt các nguồn cho vay (đặc biệt là những doanh nghiệp nợ cũ rơi vào nhóm đối tượng cho giãn, hoãn) và mở rộng nhỏ giọt dư nợ cho vay đối với các giao dịch bất động sản. Kênh huy động vốn qua trái phiếu bị kiểm soát, lãi suất tăng cao gây áp lực lớn cho người mua nhà và chủ đầu tư.

Lãi vay vẫn đè nặng thị trường bất động sản, có doanh nghiệp trả lãi ngân hàng lên đến 16%/năm - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản đứng hình trong khoảng thời gian dài. Ảnh: Minh hoạ

“Trong suốt thời gian kể từ đầu năm 2022, chính phủ đã tạo ra những chiếc phao để cứu thị trường và doanh nghiệp. Nhưng chúng vẫn chưa đến được với doanh nghiệp giúp doanh nghiệp có thể bám vào, tạo đà ngoi lên mặt nước. Sức chống đỡ của các doanh nghiệp có giới hạn, nếu không “ngoi lên” kịp thời, chắc chắn sẽ bước sang giai đoạn “sặc nước, ngừng thở” đồng loạt”, ông Đính nhấn mạnh.

“Theo tôi, chỉ khi nào mặt bằng lãi suất trung bình giảm xuống dưới 10% thì khi đó thị trường bất động sản mới phản ứng mạnh. Lãi suất 10% là con số mà các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng được khi đi vay. Lực cầu đang rất nhiều, chỉ cần những nút thắt như tín dụng, lãi suất, pháp lý… được giải quyết thị trường bất động sản hồi phục rất nhanh”, ông Đính chia sẻ thêm.

Nhìn lại hành trình khó khăn của thị trường địa ốc trong những năm qua, nhận thấy, lãi suất cao và hạn chế tín dụng thực sự gây nên những cản trở chưa từng có.

Cụ thể, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến tình hình kinh tế chung lâm vào trạng thái khó khăn. Giãn cách xã hội trong suốt một khoảng thời gian dài, khiến tất cả các hoạt động trong nền kinh tế buộc phải ngưng trệ. Bất động sản cũng không phải ngoại lệ.

Cuối năm 2020, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất xuống thấp, nhà nước triển khai nhiều gói kích cầu nhằm hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, dòng tiền “rẻ" không được kiểm soát tốt nên không điều tiết đúng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành nghề thiết yếu. Mà hướng vào hoạt động đầu cơ, thổi giá bất động sản.

Đầu năm 2021, thị trường đón nhận hàng loạt cơn sốt đất trên diện rộng.

Những tháng cuối năm 2022, khi chính sách tín dụng bị thắt chặt, các kênh dẫn vốn đồng loạt bị tắc nghẽn khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án.

Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi, tạo ra các cuộc đua lãi suất huy động. Khiến cho một lượng lớn tiền trong dân đổ dồn vào kênh ngân hàng thay vì chuyển vào đầu tư sản xuất kinh doanh (bao gồm thị trường bất động sản). Khiến cho thị trường vốn dĩ đã khó khăn lại càng thêm ảm đạm.

Thị trường thời gian từ cuối năm 2022 đến nay xuất hiện tâm lý e dè của khách hàng khiến thanh khoản bất động sản lao dốc. Đặc biệt, các khó khăn, vướng mắc về pháp lý khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao. Mặc dù Chính phủ đã có những động thái hỗ trợ. Tuy nhiên, các biện pháp này được cho là chưa đủ thấm để có thể giải quyết triệt để các tồn tại.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc DKRA Group cho hay, một số bất cập còn tồn đọng khiến thị trường bất động sản khó đoán. Trong đó, việc chỉ đạo tháo gỡ pháp lý hiện tại vẫn chỉ dừng lại ở mức độ chủ trương, định hướng, chưa có nhiều văn bản, Thông tư, Nghị định,… hướng dẫn chi tiết các sở ban hành về việc phối hợp triển khai một cách cụ thể nhằm đạt được hiệu quả tối ưu nhất.

“Cùng với đó, lạm phát và lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao. Để tạo đà cho thị trường hồi phục cần thiết phải tiếp tục “mạnh tay” có những giải pháp hạ lãi suất hơn nữa, tuy nhiên trong điều kiện vĩ mô nền kinh tế hiện tại thì việc đó gần như là không thể”, ông Thắng chia sẻ.