Khu vực sắp được mở rộng tuyến cao tốc thành 10 làn xe, nối đến Tp.HCM

Kinh tế và Đời sống
2 tuyến cao tốc kết nối Tp.HCM sắp được mở rộng lên 10 làn xe. Các tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa Tp.HCM với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Theo đó, cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương dự kiến được chi khoảng 25.000 tỉ đồng mở rộng lên 10 làn xe để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao.

8 năm trước, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km được đưa vào sử dụng, vốn đầu tư hơn 20.600 tỉ đồng. Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa Tp.HCM với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Lưu lượng phương tiện lưu thông liên tục tăng cao, trung bình khoảng 10% mỗi năm. Hiện tuyến cao tốc quy mô 4 làn xe đã quá tải và sẽ không thể đáp ứng được khả năng thông hành khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác (dự kiến vào năm 2026).

Hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang phối hợp với Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao Vành đai 2 TP.HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tổng chiều dài đoạn cao tốc gần 22km, dự kiến được mở rộng lên 10 làn xe theo quy hoạch.

Để đồng bộ và phát huy hiệu quả với dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Tp.HCM đang nghiên cứu mở rộng đường dẫn cao tốc dài gần 4 km, từ nút giao An Phú đến Vành đai 2 Tp.HCM. Tp.HCM dự kiến chi ngân sách khoảng 1.037 tỉ đồng để mở rộng đoạn đường dẫn này từ 6 lên 8 làn xe. UBND Tp.HCM dự kiến trình HĐND Tp.HCM thông qua chủ trương đầu tư dự án trong năm nay, triển khai trong giai đoạn 2024 - 2026.

Cùng với đó, tuyến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương sẽ mở rộng lên 10 làn xe. Các tốc này dài gần 62 km (gồm 39,75 km cao tốc và 22,1 km đường nối) với 4 làn xe, 2 làn khẩn cấp - là cao tốc đầu tiên ở miền Nam nối Tp.HCM với tỉnh Long An, Tiền Giang.

Sau 14 năm khai thác, nhất là sau khi dừng thu phí năm 2019, tuyến cao tốc có lưu lượng phương tiện lưu thông tăng cao (khoảng 52.000 lượt xe/ngày đêm), thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn. Với quy mô hiện tại, tuyến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương không đáp ứng nhu cầu vận tải hiện tại, cũng như trong tương lai.

Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án 7 tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương. Dự kiến tuyến chính dài gần 40km sẽ được mở rộng thêm 4 làn xe để đạt quy mô 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp. Khi mở rộng, xe có thể chạy với vận tốc 120km/h thay vì 100km/h như hiện nay. Sơ bộ tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.

Để đồng bộ với tuyến cao tốc này, UBND Tp.HCM sẽ mở rộng 2 tuyến đường dẫn Bình Thuận - Chợ Đệm dài 9,5km và Tân Tạo - Chợ Đệm dài 3,7km. Hai tuyến đường này sẽ được mở rộng thêm 2 làn xe, để đáp ứng 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Đồng thời, trên tuyến xây dựng 3 cầu vượt tại các vị trí đường Trần Đại Nghĩa, Trần Văn Giàu và Bùi Thanh Khiết.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.350 tỉ đồng, trong đó ngân sách Tp.HCM chiếm 50% khoảng 1.175 tỉ đồng, còn lại kiến nghị Trung ương hỗ trợ. Tp.HCM dự kiến triển khai dự án giai đoạn 2024 - 2028.