Hoa Kỳ rà soát thuế chống bán phá giá một số sản phẩm của Việt Nam

Kinh tế và Đời sống
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo về thời gian tiếp nhận hồ sơ đề nghị rà soát hành chính thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, DOC rà soát thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm đông lạnh (mã vụ việc: A–552–802); mắc áo bằng thép (A–552–812); tháp gió (A–552–814). Thời kỳ rà soát thuế chống bán phá giá từ ngày 1/2/2023 đến ngày 31/1/2024.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng rà soát thuế chống trợ cấp với mắc áo bằng thép (mã vụ việc: C-552–813). Thời kỳ rà soát thuế chống trợ cấp từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/122023.

Theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, thời hạn để các các bên liên quan nộp hồ sơ đề nghị rà soát là trước ngày 29/2/2024. Do đó, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý các Hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu liên quan cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự, thủ tục rà soát thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ. Thông báo với Cục Phòng vệ thương mại trong trường hợp có nhu cầu rà soát thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Hợp tác đầy đủ với Cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong suốt quá trình rà soát. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Hoa Kỳ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao hơn cho doanh nghiệp.

Hoa Kỳ rà soát thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra các nước trên thế giới và chiếm hơn 30% kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN. Điều này cho thấy Việt Nam luôn là đối tác quan trọng, bền vững của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đi kèm theo đó thì cũng có những rủi ro về phòng vệ thương mại.

Theo báo cáo của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 8/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 234 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 23% vụ.

Hiện, Bộ Công thương đã cập nhật theo dõi trên 170 mặt hàng, trong đó đưa ra danh sách cảnh báo sớm đối với 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Từ đó giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực; xây dựng kế hoạch ứng phó, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra.

Liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, hiện nay xu hướng phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ có một số điểm chính như sau:

Thứ nhất, các cơ quan của Hoa Kỳ đang tăng cường sử dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế để áp dụng với hàng hóa nhập khẩu, với lý do: Thời gian điều tra nhanh và yêu cầu điều tra đơn giản hơn; Mức thuế áp dụng thường rất cao; Có thể không bị khởi kiện do WTO chưa quy định cụ thể về nội dung này. Do đó, nhóm hàng có nguy cơ bị kiện cao thường là các nhóm hàng đã bị Hoa Kỳ điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trước đó với các nước khác.

Thứ hai, Bộ Thương mại Hoa Kỳ gần đây thường tự khởi xướng điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại. Trước đây, chủ yếu các vụ việc bắt đầu từ đơn kiện của nguyên đơn là nhà sản xuất nội địa. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã chủ động khởi xướng một số vụ việc mà không cần đến đơn kiện của doanh nghiệp tại đây. Tuy nhiên, nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ tự khởi xướng thì có xu hướng thường là những mặt hàng có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Ví dụ như mặt hàng nhồm và thép, năm 2018 Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã nêu rằng, căn cứ vào Mục 232 của Đạo luật về mở rộng thương mại 1962, mặt hàng nhôm thép thuộc nhóm liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng. Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ tự khởi xướng điều tra thì thường sẽ không tập trung vào các nhóm mặt hàng tiêu dùng.

Xu hướng trên một mặt thuận lợi là giúp ta có thể cảnh báo trước và chuẩn bị một cách bài bản hơn, có sự đầu tư theo dõi về nguồn lực, thời gian cho các mặt hàng cảnh báo bị kiện; nhưng cũng sẽ gây khó khăn trong quá trình xử lý vụ việc do những vụ việc này thường rất phức tạp.

Phương Anh (t/h)