Giá vàng hôm nay 21/10, hướng tới ngưỡng 1.800 USD, những nguy cơ có thể khiến vàng đảo chiều luôn rình rập

Kỳ Văn
Giá vàng hôm nay tăng trong bối cảnh đồng USD suy yếu. Tuy nhiên, đứng trước hàng loạt nguy cơ từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc, sản lượng sản xuất tại Mỹ và động thái của Fed, đà tăng của kim loại quý có thể đảo ngược bất kỳ lúc nào.
Giá vàng hôm nay 21/10
Giá vàng hôm nay 21/10, hướng tới ngưỡng 1.800 USD. (Nguồn: Kitcp News)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay

Mở cửa phiên giao dịch 20/10, giá vàng thế giới và trong nước đồng loạt tăng nhẹ.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h30 ngày 20/10, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.778,8 - 1.779,7 USD/ounce, tăng 9,6 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 20/10:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 57,3 - 58,05 triệu đồng/lượng ở chi nhánh Hà Nội và 57,30 - 58,00 ở chi nhánh TP. Hồ chí Minh.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 57,2 - 57,9 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 57,35 - 57,95 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 57,25 - 57,9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 57,36 - 57,94 triệu đồng/lượng. Các sản phẩm khác của thương hiệu này đồng loạt tăng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 51,084- 51,73 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,5 - 51,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng châu Á đi lên trong phiên 20/10 trong bối cảnh đồng USD suy yếu đã “lấn át” sức ép từ lợi suất trái phiếu tăng và những quan ngại về khả năng lãi suất sẽ được tăng sớm hơn dự kiến.

Trong phiên 20/10, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã đóng cửa ở mức cao kể từ ngày 20/5, làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ các tài sản không sinh lời như vàng. Tuy nhiên, yếu tố “lấn át” lợi suất trái phiếu cao là chỉ số đồng USD suy yếu, giúp vàng trở nên rẻ hơn cho những người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạch kim tăng 0,1% lên 1.040,67 USD/ounce, còn giá palladium giảm nhẹ 0,1% xuống 2.096,75 USD/ounce. Giá bạc giao ngay tăng 1,1% lên 23,90 USD/ounce.

Những nguy cơ sẽ tác động tới giá vàng

Giá vàng tăng được thúc đẩy bởi đồng USD yếu hơn, mặc dù mức tăng bị giới hạn bởi lợi suất trái phiếu và các biện pháp kích thích sắp được Fed tung ra.

Xiao Fu, người đứng đầu chiến lược thị trường hàng hóa tại Bank of China International, cho biết: “Vàng vẫn được hỗ trợ vì áp lực cuộc khủng hoảng năng lượng khiến giá nhiên liệu cao hơn, và sản lượng của các nhà máy tại Trung Quốc và Mỹ giảm”.

Mặt khác, nhà đầu tư có nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn trước những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu, “nhưng xu hướng tăng vẫn bị giới hạn bởi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng”.

Sản lượng tại các nhà máy của Mỹ giảm nhiều nhất trong 7 tháng vào tháng 9 vừa qua cũng một dấu hiệu khác cho thấy tình trạng hạn chế về nguồn cung đang cản trở tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến cho vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 20/5.

Thống đốc Fed Christopher Waller cho hay, nếu lạm phát tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay trong vài tháng tới, các nhà hoạch định chính sách có thể cần áp dụng biện pháp chính sách nghiêm ngặt hơn vào năm tới.

Mặc dù lạm phát dai dẳng sẽ có rủi ro lớn hơn đối với nền kinh tế Mỹ trong năm 2022, song phần lớn các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters (Anh) đều dự đoán Fed sẽ chờ cho đến năm 2023 để nâng lãi suất.

Vàng thường được coi là một biện pháp phòng ngừa lạm phát, mặc dù việc giảm các biện pháp kích thích và tăng lãi suất đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi.

Michael Hewson, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại CMC Markets UK nhận định: “Trong vài tuần qua, lợi suất trái phiếu của Mỹ đã tăng cao hơn khi lo ngại lạm phát gia tăng, nhưng vàng đã vật lộn để thực hiện bất kỳ động thái quan trọng nào theo cách này hay cách khác.... Vàng đang giao dịch trong phạm vi từ 1.720 đến 1.820 USD/ounce”.

Trong khi đó, Trưởng phái đoàn kiêm Trợ lý Giám đốc thị trường Trung Quốc, Vụ châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Helge Berger nhấn mạnh những rủi ro phát sinh từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ông Berger báo hiệu rằng nguy cơ bom nợ bất động sản Evergrande đối với Trung Quốc hiện đã được kiềm chế nhưng quốc gia này đang tích lũy những rủi ro. IMF trước đó kỳ vọng tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2021 ở mức 8,0%.

Theo ông Berger, trong tương lai, các số liệu về lạm phát, quan điểm của Fed và những lo ngại liên quan đến tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới vàng, trước khi các kết quả sơ bộ về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của tháng 10 được công bố vào ngày 22 tới.

Còn ông Stephen Innes, đối tác quản lý của SPI Asset Management, cho biết vàng tiếp tục dao động quanh 1.780 USD, nhưng rõ ràng ngay khi Fed đưa ra quyết định cứng rắn hơn, vàng có thể bỏ qua sự hỗ trợ từ lạm phát cao và đi xuống.