Giá vàng hôm nay 11/6: Giá vàng tiếp tục giảm, lạm phát chạm mức cao mới 40 năm, còn lâu mới đạt đỉnh; Thương hiệu vàng quốc gia SJC có độc quyền?

Kỳ Văn
Giá vàng hôm nay 11/6 khép lại một tuần giảm nhẹ, khi CPI của nền kinh tế lớn nhất thế giới chạm mức cao mới trong 40 năm, tăng 8,6% trong tháng 5. Áp lực bán ra mạnh trước dự báo về chính sách tiền tệ mà Fed sẽ thực hiện trong thời gian tới. Thương hiệu vàng quốc gia SJC có đang độc quyền?
gia-vang-1654902577.jpg
Giá vàng hôm nay 11/6: Giá vàng tiếp tục giảm, lạm phát chạm mức cao mới, còn lâu mới đạt đỉnh; Thương hiệu vàng quốc gia SJC có độc quyền? (Nguồn: Kitco)

Cập nhật giá vàng hôm nay 11/6


Giá vàng thế giới hôm nay tiếp tục giảm 9,6 USD, giao dịch tại 1.838,8 USD/ounce trên sàn Kitco, ghi nhận của TG&VN vào 8h 15 ngày 10/6 (giờ Việt Nam). Trong khi giá vàng kỳ hạn tháng 8 giao dịch lần cuối ở mức 1.837 USD/ounce, giảm 0,82% trong ngày.

Áp lực lạm phát ở nền kinh tế Mỹ dường như còn lâu mới đạt đến đỉnh điểm do giá tiêu dùng đã tăng hơn dự kiến vào tháng 5, chạm mức cao mới trong 40 năm. Thị trường vàng đang ở mức thấp nhưng vẫn chịu áp lực bán đáng kể sau sự gia tăng nóng hơn dự kiến của Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (CPI).

Thứ Sáu (10/6), Bộ Lao động Mỹ công bố, Chỉ số CPI của nền kinh tế đã tăng 1,0% trong tháng Năm sau khi tăng 0,3% trong tháng Tư. Dữ liệu thực tế này "đánh bại" các dự báo của các nhà kinh tế với chỉ 0,7%.

Trong năm, lạm phát đã tăng lên 8,6%, lớn hơn đáng kể so với kỳ vọng. Trước đó, các nhà kinh tế đã hy vọng lạm phát chỉ tăng 8,3%. Trừ giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát cơ bản cũng tăng nóng hơn dự kiến, tăng 0,6%, sau mức tăng 0,6% của tháng 4. Trong khi đó, các nhà kinh tế hy vọng ở mức tăng chỉ 0,5%. Trong năm, lạm phát cơ bản đã tăng 6,0%.

Thị trường vàng đã chứng kiến một số áp lực bán kỹ thuật sau khi giá liên tục giảm xuống dưới 1.850 USD/ounce. Vàng cũng góp phần vào động lực tăng giá của thị trường trong dữ liệu lạm phát.

Đối tác quản lý tại SPI Asset Management, Stephen Innes, cho rằng lạm phát cao có thể khiến Fed hành động quyết liệt hơn và kéo giá vàng giảm xuống 1.825 USD/ounce, thậm chí là 1.800 USD/ounce.

Vàng được xem là tài sản dự phòng trước lạm phát, nhưng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng gia tăng khi Fed tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. ANZ Research cho rằng, việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất thực tế tăng và đồng USD mạnh lên đang khiến vàng giảm sức hấp dẫn. Việc rút lại các biện pháp kích thích kinh tế cũng đang gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư.

Nhà phân tích Warren Venketas của DailyFX cho biết, đồng USD đang giao dịch cao hơn, do đó ảnh hưởng đến giá vàng, nhưng biến động của thị trường có thể sẽ tạm lặng sóng đến trước khi số liệu về lạm phát được công bố.

Trong nước giá vàng hôm nay bao nhiêu?


Giá vàng SJC vào cuối phiên chiều 10/6, tiếp tục giảm khoảng 50.000 - 260.000 đồng/lượng, nối tiếp đà giảm giá của phiên sáng, tại hầu hết các hệ thống kinh doanh trên toàn quốc. Mức điều chỉnh mạnh nhất được ghi nhận tại Tập đoàn Phú Quý và Bảo tín Minh Châu. Giá vàng hôm nay SJC tại Tập đoàn Phú Quý và Bảo Tín Minh Châu đều giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Trong khi chiều mua vào giảm 250.000 đồng/lượng đối với Tập đoàn Phú Quý, tại Bảo Tín Minh Châu giảm 260.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn và Tập đoàn Doji, giá vàng miếng SJC ghi nhận có cùng mức giảm là 150.000 đồng/lượng theo cả chiều mua vào và bán ra. Tại hệ thống PNJ giá vàng SJC được điều chỉnh giảm ít nhất là 50.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua và bán so với giá đầu phiên sáng.

Chốt phiên cuối ngày hôm qua (10/6), bảng giá vàng SJC niêm yết tại một số đơn vị kinh doanh lớn trên toàn quốc như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,55 – 69,47 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 68,55 – 69,40 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,55 – 69,40 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,55 – 69,45 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,56 – 69,35 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,96 – 54,66 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 53,15 – 54,55 triệu đồng/lượng.

Trước tình trạng chênh lệch cao vút giữa giá vàng trong nước và thế giới, câu chuyện của vàng đã làm nóng nghị trường Quốc hội trong những ngày này. Câu hỏi được đặt ra với Thống đốc Nguyễn Thị Hồng là giá vàng trong nước có bất hợp lý? Thương hiệu vàng quốc gia SJC có đang độc quyền dẫn tới tình trạng giá vàng trong nước như hiện nay? Đặt vấn đề đằng sau vấn đề giá vàng có sự làm lợi cho tổ chức, doanh nghiệp nào hay không, do đó cần có sự quan tâm và giải pháp cụ thể.

Về giá vàng SJC, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời, qua đánh giá nguyên nhân thì thấy giá vàng của các thương hiệu khác ngoài SJC, về cơ bản trong nước và thế giới chênh lệch khoảng 2 triệu đồng. Riêng SJC có mức chênh lớn từ 16-17 triệu/lượng. Nguyên nhân là chống vàng hoá trong nền kinh tế và thực hiện Nghị định 24, nên Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về sản xuất vàng miếng, nên nguồn cung trong nước giảm đi.

"Thứ 2, biến động giá vàng thế giới như vậy, bản thân doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng ngại rủi ro nên thường niêm yết gia cao. SJC được người dân ưa chuộng nên họ niêm yết giá cao. Giá vàng mua và bán của các tổ chức về cơ bản chênh 1-1,5 triệu/lượng, còn SJC thì mua cao bán cao, các thương hiệu khác mua thấp bán thấp", bà Hồng nhận định.

Lạm phát còn lâu mới đạt đỉnh?


Theo một số nhà phân tích thị trường, dữ liệu lạm phát mới nhất với nhiều yếu tố tác động khác nhau sẽ làm khó các nhà đầu tư vàng. Mặc dù giá tiêu dùng tăng sẽ tiếp tục giữ cho lãi suất thực ở mức thấp, dữ liệu kinh tế mới nhất sẽ tiếp tục hỗ trợ lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Fed đã báo hiệu rằng, họ sẽ tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản trong các cuộc họp tháng 6 và tháng 7. Tuy nhiên, các thị trường đang định giá ít nhất thêm 50 điểm cơ bản thứ ba sau mùa Hè. "Nhìn chung, điều này làm tăng thêm rủi ro đến mục tiêu lãi suất hiện tại của chúng tôi. Lạm phát đã trở thành mối quan tâm chính đối với Fed, do sự liên quan chặt chẽ với giá xăng dầu, trong xu hướng tăng mạnh hơn vào tháng 6, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm vào tuần tới", Katherine Judge, nhà kinh tế cấp cao tại CIBC cho biết.

Sự gia tăng của lạm phát cơ bản cho thấy sự gia tăng trên diện rộng của giá tiêu dùng. Tuy nhiên, một điều lưu ý rằng, hầu hết lạm phát tiếp tục được thúc đẩy bởi chi phí thực phẩm và năng lượng tăng mạnh. Báo cáo cho biết, chỉ số năng lượng đã tăng 3,9% trong tháng 4, với chỉ số xăng dầu tăng 4,1%.

Trong năm, chỉ số năng lượng đã tăng 34,6% so với năm ngoái, "mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ giai đoạn kết thúc vào tháng 9/2005". Trong khi đó, chỉ số lương thực tăng 10,1% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 5, mức tăng đầu tiên từ 10% trở lên kể từ giai đoạn này.