Giá vàng hôm nay 9/6: Giá vàng neo sát mốc quan trọng, thị trường có cơ hội 'tăng nhiệt', ngân hàng trung ương cần vàng

Kỳ Văn
Giá vàng hôm nay nối đà tăng và đang giao dịch sát mốc kháng cự quan trọng 1.850 USD/ounce. Các ngân hàng trung ương đã mua ròng trở lại kim loại quý, với dự trữ toàn cầu tăng 19,4 tấn trong tháng 4/2022.
Giá vàng hôm nay 9/6: Giá vàng nối đà giảm,
Giá vàng hôm nay 9/6 ghi nhận tăng nhẹ so với phiên giao dịch liền trước. (Nguồn: TASS)

Cập nhật giá vàng hôm nay 9/6

Giá vàng thế giới trên sàn Kitco phiên mở cửa ngày 9/6 tăng nhẹ 0,4 USD so với chốt phiên liền trước, giao dịch ở mức 1.852,5 - 1.853,5 USD/ounce, ghi nhận của TG&VN lúc 20h ngày 8/6.

Trong khi đó, tại thị trường châu Á, giá vàng giảm trong phiên giao dịch chiều 8/6, giao dịch ở mức 1.847 USD/ounce.

Giá vàng giảm khi đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ phục hồi và giới đầu tư đang đón đợi số liệu lạm phát của Mỹ để dự báo chiều hướng lãi suất.

Ông Edward Meir, chuyên gia phân tích của công ty ED&F Man Capital Markets cho rằng, lý do giá vàng giảm là vì nhiều người có thể đang lạc quan hơn rằng số liệu sắp được công bố có thể cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh và sẽ đi xuống.

Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được dự đoán đã tăng 5,9% trong tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đạt mức 6,2% trong tháng 4/2022.

Ngày 7/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận, tình trạng lạm phát ở Mỹ hiện tại sẽ không phải “tạm thời” mà còn kéo dài và ở mức cao.

Bà Yellen nhấn mạnh: “Tôi dự đoán lạm phát sẽ vẫn ở mức cao, dù tôi rất hy vọng tình trạng này sẽ giảm ngay bây giờ”.

Trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 8/6, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,70 - 69,60 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá bán vàng đang cao hơn giá mua 900.000 đồng/lượng.

Chốt phiên cuối ngày hôm qua (9/6), bảng giá vàng SJC niêm yết tại một số đơn vị kinh doanh lớn trên toàn quốc như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,70 – 69,60 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 68,65 – 69,55 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,75 – 69,55 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,60 – 69,50 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,72 – 69,50 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,96 – 54,66 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 53,10 – 54,50 triệu đồng/lượng.

Thi trường vàng đang hoạt động tốt hơn thị trường chứng khoán

Dự báo giá vàng năm 2022, các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu kim loại quý Metal Focus có trụ sở tại Anh cho biết, họ kỳ vọng giá kim loại quý trung bình cả năm vào khoảng 1.830 USD/ounce.

Mặc dù thị trường vàng phải đối mặt với một số thách thức trong nửa cuối năm, nhưng theo các nhà phân tích, kim loại quý vẫn là một tài sản trú ẩn an toàn quan trọng cho các nhà đầu tư.

Neil Meader tại Metals Focus cho hay: "Mặc dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày càng 'diều hâu', đồng USD tăng và việc bán tháo tài sản diễn ra nhiều hơn đang đè nặng lên vàng, nhưng giá kim loại quý trong tháng 6/2022 vẫn giao dịch gần bằng mức giá được ghi nhận vào đầu năm, vượt trội hơn hẳn so với cổ phiếu và trái phiếu".

Nhìn vào nửa cuối năm, theo công ty Metals Focus, rủi ro và sự không chắc chắn của thị trường đã tăng lên nhưng Fed sẽ đưa kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm", lạm phát bắt đầu hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế vẫn lành mạnh.

Công ty này cũng nhận thấy, thị trường kim loại quý đang hoạt động tốt hơn thị trường chứng khoán.

Ông Meader nhận định: "Hiện tại, các nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, lạm phát ở mức cao và nguy cơ lạm phát đình trệ đang gia tăng. Chúng tôi dự đoán, thị trường ​​sẽ chứng kiến ​​mức giảm hai con số đối với cổ phiếu, trái phiếu lợi suất cao và rất có thể cả trái phiếu cấp đầu tư".

Nhưng về triển vọng với vàng, ông Meader kỳ vọng, thặng dư cơ cấu của kim loại quý sẽ tăng 37% trong năm nay.

Giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce nhờ các ngân hàng trung ương?

Báo cáo mới nhất từ ​​Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, các ngân hàng trung ương đã mua ròng trở lại kim loại quý với dự trữ toàn cầu tăng 19,4 tấn trong tháng 4/2022.

Nhà phân tích cấp cao tại WGC Mukesh Kumar nhận định, năm 2022, hoạt động báo cáo vàng hàng tháng của các ngân hàng trung ương diễn ra "lộn xộn" giữa mua và bán ròng. Do đó, bất kỳ giao dịch mua hoặc bán từ những ngân hàng trung ương đều có thể làm tăng số dư trong một tháng nhất định.

Theo báo cáo, về phía mua, bốn ngân hàng trung ương là những khách hàng mua chính trong tháng 4/2022.

Uzbekistan mua 8,7 tấn vàng; Kazakhstan tăng dự trữ vàng thêm 5,3 tấn. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua thêm 5,6 tấn vàng; nâng lượng vàng dự trữ của nước này lên 436,7 tấn; chiếm 27,8%. Ngoài ra, Ấn Độ đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm 0,9 tấn, lên 761,3 tấn.

Các ngân hàng trung ương đã chú ý tới vàng trong năm nay do Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo các nhà phân tích thị trường, việc vũ khí hóa đồng USD có thể thúc đẩy một số ngân hàng trung ương tăng lượng vàng nắm giữ và đa dạng hóa khỏi USD.

Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích tại công ty tài chính Société Générale cho rằng, các ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển có thể dẫn đầu về nhu cầu vàng.

Moe Zulfiqar, nhà phân tích nghiên cứu tại Lombardi Financial cho hay, nhu cầu ngày càng tăng của ngân hàng trung ương có thể là động lực quan trọng trong việc đẩy giá vàng lên 3.000 USD/ounce.

Nhà phân tích Moe Zulfiqar nhấn mạnh: "Các ngân hàng trung ương cần vàng khi thế giới trở nên phân cực hơn và tiền tệ bị đặt dấu hỏi. Kim loại quý là kênh trú ẩn an toàn trong thời kỳ mất giá và khủng hoảng tiền tệ".