Giá vàng hôm nay 10/11: Giá vàng khẳng định giá trị dù bị nhà đầu tư 'xa lánh'; thị trường sẽ được hưởng lợi, vì đâu?

Admin
Baoquocte.vn. Giá vàng hôm nay 10/11 rời khỏi mức cao nhất một tháng, giảm nhẹ nhưng vẫn giữ được ngưỡng quan trọng 1.700 USD/ounce. Theo chuyên gia, khi các quỹ đầu cơ và các nhà đầu tư lớn khác "tránh xa" kim loại quý thì thực tế, các ngân hàng trung ương đã tích cực mua vàng. Điều này sẽ chứng tỏ giá trị của kim loại quý này trên thị trường.
null
Giá vàng hôm nay 10/11: Giá vàng khẳng định giá trị dù bị nhà đầu tư 'xa lánh'; thị trường sẽ được hưởng lợi, vì đâu? (Nguồn: Zee Business)

Tổng hợp bảng giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 9/11:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,50 – 67,52 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,40 – 67,40 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,45 – 67,40 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,50 – 67,40 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,45 – 67,38 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 51,85 – 52,95 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 52,29 – 53,09 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đang rẻ, thị trường sẽ liên tiếp hưởng lợi?
Thị trường vàng đã tăng gần 100 USD, từ mức thấp nhất trong hai năm đạt được vào tuần trước và theo một nhà phân tích thị trường, các nhà đầu tư có thể bắt đầu nhận ra giá trị của kim loại quý này.

Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Dennis Gartman, Chủ tịch Ủy ban tài trợ của Đại học Akron (Mỹ) nói rằng, việc kim loại quý giảm xuống 1.618 USD/ounce là động thái hệ quả tạo ra giá trị vững chắc cho các nhà đầu tư.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng, vàng ở thời điểm này rất rẻ so với giá cổ phiếu và hầu hết các khoản đầu tư khác".

Trong khi các quỹ đầu cơ và các nhà đầu tư lớn khác "tránh xa" kim loại quý khi giá giảm trong suốt mùa Hè, thì ông Gartman cho rằng, thực tế là các ngân hàng trung ương đã tích cực mua vàng. Điều này sẽ chứng tỏ giá trị của kim loại quý này trên thị trường.

Tuần trước, Hội đồng Vàng thế giới cho biết, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã mua gần 400 tấn vàng trong quý III, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2021. Đợt mua vào quý III là mức lớn nhất được ghi nhận từ năm 2000.

Ông Gartman khá lạc quan về vàng trong hầu hết năm 2022 và đã nắm giữ 10% danh mục đầu tư của mình trong quỹ SPDR Gold Shares ETF.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Dù đợt phục hồi mới nhất của vàng chứng tỏ là sự khởi đầu của một xu hướng tăng mới hay một đợt phục hồi ngắn hạn thì đó không phải là mối quan tâm nhiều đối với tôi. Tôi đang chú ý đến tiềm năng lâu dài của kim loại này".

Ông nói thêm rằng, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, điều này sẽ tiếp tục tạo ra một môi trường đầy thách thức cho vàng. Tuy nhiên, đến cuối cùng, ngân hàng này khó đưa lạm phát trở về mức 2%.

"Fed sẽ đưa lãi suất lên 5% hoặc 5,25%. Khi nào ngân hàng này nới lỏng chính sách tiền tệ? Tôi nghĩ sẽ còn lâu, thậm chí có thể đến năm 2024 hoặc 2025", vị chuyên gia này dự đoán.

Trong khi lãi suất có thể tiếp tục tăng trong một thời gian dài, ông Gartman nhận thấy, lạm phát sẽ vẫn ở mức cao.

Chủ tịch Ủy ban tài trợ của Đại học Akron (Mỹ) khẳng định: "Áp lực lạm phát sẽ kéo dài trong một thời gian dài, điều này sẽ có lợi cho thị trường vàng. Ngoài ra, thị trường cũng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các dòng tiền trú ẩn an toàn".