Vụ cướp tiệm vàng ở Bình Dương: Người dân nhặt vàng không trả có thể bị xử lý thế nào?

Kỳ Văn
Liên quan vụ cướp tiệm vàng ở Bình Dương, công an thông báo nếu người dân nào đã nhặt được vàng, đề nghị nhanh chóng giao nộp để phục vụ công tác điều tra. Trong khi đó, luật sư phân tích ở góc độ pháp lý, nếu người nhặt được tài sản bị cướp không trả lại có thể bị xử lý hình sự.

Kêu gọi người dân trả lại vàng mà tên cướp ném ra đường

Ngày 30/9, Công an TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, thông tin kết quả điều tra ban đầu vụ Trần Ngọc Sơn (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) đập tủ kính tiệm vàng để lấy vàng rồi ném ra đường.

Vụ cướp tiệm vàng ở Bình Dương: Người dân nhặt vàng không trả có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Trần Ngọc Sơn, khai động cơ xông vào tiệm kim hoàn Kim Huyền đập tủ kính cướp vàng ném ra ngoài đường vì "đang buồn, muốn đi tù". Ảnh: CACC

Tại cơ quan công an, Sơn khai do buồn chuyện gia đình và không có công ăn việc làm, không có chỗ ở nên chiều 20/9, anh ta đi từ cầu vượt Linh Xuân, TP Thủ Đức, TP.HCM đến TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Dọc đường, Sơn nhiều lần có ý định tự tử nhưng sợ chết nên lại thôi. Khi đi đến gần tiệm vàng Kim Huyền ở đường Nguyễn Trãi, phường Dĩ An, TP Dĩ An, Sơn nảy sinh ý định vào cướp tiệm vàng để được đi tù.

Để thực hiện hành vi, Sơn nhặt cục bê tông ở chân trụ điện rồi chạy vào đập bể tủ kính trưng bày, lấy nhiều nhẫn vàng ném ra đường. Thấy chủ tiệm vàng tri hô, Sơn hốt hoảng bỏ chạy ra ngoài rồi bị người quanh vây bắt.

Chủ tiệm vàng Kim Huyền cho biết tổng số tài sản bị cướp gồm 18 nhẫn vàng 18K có tổng trọng lượng gần 18 chỉ, trị giá hơn 57 triệu đồng. Hiện nay, còn 10 chiếc nhẫn chưa tìm thấy.

Cơ quan CSĐT Công an TP Dĩ An thông báo nếu người dân nào đã nhặt được số vàng này, đề nghị nhanh chóng giao nộp cho công an phục vụ công tác điều tra.

Trường hợp nhặt được vàng nhưng không chịu giao nộp, Công an TP Dĩ An sẽ điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu không trả lại vàng có thể bị xử lý hình sự

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Diệp Năng Binh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trong vụ việc này, trong vụ việc này, số vàng mà Sơn ném ra đường chính là tang vật của vụ án, là cơ sở để định khung hình phạt cho nghi phạm. Do đó, người dân phải có nghĩa vụ nộp lại cho cơ quan chức năng.

Nếu người dân nào có hành vi nhặt vàng nhưng không giao nộp lại cho cơ quan Công an sẽ bị xử lý về tội "Chiếm giữ tài sản trái phép".

Vị luật sư phân tích, căn cứ điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác đối với hành vi mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có thì có thể bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.

Ngoài ra còn có hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số tài sản bất hợp pháp có được.

Đặc biệt, những người cố ý không giao nộp vàng cho cơ quan công an có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Chiếm giữ trái phép tài sản" quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, đối tượng chiếm giữ trái phép tài sản có giá trị từ 10 đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu giá trị tài sản bị chiếm giữ trị giá từ 200 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Như vậy, nếu những người dân người nhặt được vàng trong vụ việc nếu không trả lại, tùy tính chất mức độ mà có thể bị áp dụng các chế tài như đã phân tích ở trên.