Vụ án có dấu hiệu oan sai tại Nghệ An: Phiên tòa “mổ xẻ” nhiều vấn đề vi phạm tố tụng

Admin
Tại phần xét hỏi và tranh tụng trong phiên tòa vào ngày 15/1 vừa qua đã làm rõ nhiều vấn đề, đặc biệt, về những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng tố tụng, việc bắt giữ Nguyễn Hoài Giang, thu giữ và xử lý vật chứng trong vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” xảy ra tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Có hay không việc bắt giữ người trái pháp luật?

Như báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin ở bài viết trước, phản ánh vụ việc một bị cáo đã tử vong trong quá trình tạm giam, bị cáo còn lại liên tục kêu oan, đồng thời các luật sư đã chỉ ra rất nhiều dấu hiệu “bất thường”, vi phạm nghiêm trọng tố tụng trong vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” xảy ra tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Vụ án đã trải qua các phiên tòa vào ngày 30/8/2020, ngày 22/9/2020, 30/12/2020 và ngày 15/1/2021. Tại phiên tòa ngày 15/1 vừa qua, nhiều vấn đề đã được đưa ra đối chất, qua đó làm rõ nhiều nội dung.

IMG_6378

Quang cảnh phiên tòa ngày 15/1 vừa qua.

Cụ thể, tại phiên tòa, Nguyễn Hoài Giang (SN 1991, ngụ huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) khai nhận, do gần nhà nên có biết Trần Quang Anh (SN 1971, cùng ngụ huyện Hương Sơn, làm nghề chạy xe thuê). Tuy nhiên, Giang khẳng định không liên lạc gì với Quang Anh từ trước đó, kể cả vào ngày xảy ra vụ án. (Các luật sư cũng đã chứng minh hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào để khẳng định bị cáo Nguyễn Hoài Giang có liên hệ để thuê bị cáo Trần Quang Anh vận chuyển).

Giang cũng liên tục khẳng định, việc bốc dỡ các thùng hàng từ xe bán tải xuống và bốc xếp các thùng hàng lên xe bị cáo Quang Anh đều do Tuấn và Quốc trực tiếp thực hiện; Giang không tham gia vào quá trình này. Giang cũng khẳng định bản thân không biết số hàng trên là động vật nguy cấp, quý hiếm mà chỉ nghe Tuấn, Quốc nói là mấy con sóc cảnh mang về nhà nuôi.

Để làm rõ việc bắt giữ bị cáo Nguyễn Hoài Giang vào ngày 6/3/2020, Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi Điều tra viên (ĐTV) Nguyễn Đình Việt có lệnh giữ người khẩn cấp hay lệnh bắt người khẩn cấp đối với bị cáo Giang hay không? ĐTV Nguyễn Đình Việt trả lời “Không bắt”, mà khi đi công tác và phát hiện Giang tại cửa hàng quần áo ở Thị trấn Phố Châu thì có yêu cầu bị cáo Giang về trụ sở Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Trước HĐXX, Giang cho rằng khi đang có mặt tại cửa hàng quần áo tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh thì có 3 hay 4 đồng chí công an trình thẻ rồi bắt giữ, nên bị cáo hỏi “Có tội chi mà bắt?”. Một người nói có lệnh và đưa Giang về trụ sở công an huyện Hương Sơn bằng xe con. Khoảng 2 giờ sau đó, từ Công an huyện Hương Sơn, Giang được xe thùng (xe chuyên dùng chở phạm nhân) đưa về trụ sở Công an huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Về nội dung đơn đầu thú, Giang khẳng định trước Tòa là do ĐTV Nguyễn Đình Việt hướng dẫn và đọc cho Giang viết, không phải Giang tự nguyện ra đầu thú.

Khi luật sư Nguyễn Văn Sáng (thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, người bào chữa cho Nguyễn Hoài Giang) hỏi ĐTV Nguyễn Đình Việt có lệnh bắt giữ Giang vào ngày 6/3/2020 hay không, ĐTV Nguyễn Đ.V lại liên tục khẳng định là “có lệnh”.

Tiếp đến, luật sư Nguyễn Thị Trâm (thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An, cũng là người bào chữa cho Giang) hỏi ĐTV Nguyễn Đình Việt cụ thể lệnh bắt giữ nào thì ĐTV không trả lời cụ thể là lệnh nào.

Nhiều khuất tất chưa làm rõ

Tại phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Diễn Châu là Kiểm sát viên Trần Thị Thu Hà nêu quan điểm, không cần phải xác định người gọi thuê Quang Anh là ai vì không làm thay đổi hành vi phạm tội của Nguyễn Hoài Giang.

Tuy nhiên, luật sư Thái Văn Chung (thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, người bào chữa cho Nguyễn Hoài Giang) cho rằng, chính Cáo trạng của VKSND huyện Diễn Châu cũng thể hiện Giang là người gọi thuê Quang Anh nên Kiểm sát viên phải nêu rõ căn cứ nào để chứng minh Nguyễn Hoài Giang đã gọi cho Trần Quang Anh như Cáo trạng đã nêu. Viện phải khẳng định, chứ không thể đặt câu hỏi nghi vấn “nếu Giang không gọi thì Trần Quang Anh không đến” một cách suy diễn theo ý chí chủ quan của mình để buộc tội được. (Trong khi đó, tại BL số 91 cũng ghi nhận: Theo sao kê của Trung tâm kinh doanh VNPT Nghệ An ghi nhận số điện thoại của Trần Quang Anh không liên lạc với số điện thoại của Nguyễn Hoài Giang).

z2274937771299_a4af0145aadc1bd0c15a17e196d45414-0945

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra, trong phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát còn cho rằng hành vi của Nguyễn Hoài Giang đã phạm tội tàng trữ nên cũng không quan trọng là tàng trữ trong bao nhiêu thời gian, dài hay ngắn, nên VKSND huyện Diễn Châu nhận thấy việc truy tố Nguyễn Hoài Giang với tội tàng trữ động vật nguy cấp, quý, hiếm là hoàn toàn có căn cứ.

Tuy nhiên, các luật sư cho rằng, cáo buộc của Viện Kiểm sát đối với bị cáo Giang về tội tàng trữ là không có căn cứ, vì Giang hoàn toàn không thực hiện hành vi tàng trữ. Cụ thể, Giang cho Tuấn, Quốc gửi ngoài sân nhà Giang 06 thùng cát tông và 01 thùng xốp một cách công khai, ngay cả bà giúp việc nhà cũng biết nên không thể coi là tàng trữ. Bởi lẽ theo từ điển tiếng Việt thì tàng trữ là động từ “Tàng trữ là cất giữ vào nơi chắc chắn; cất giấu cẩn thận”.

Mặt khác, về hành vi khách quan: Giang không có hành vi (hành động) chuyển 06 thùng cát tông, 01 thùng xốp từ xe bán tải vào sân nhà Giang và cũng không có việc Giang chuyển 06 thùng cát tông và 01 thùng xốp để ở sân nhà Giang lên xe của Trần Quang Anh. Việc chuyển lên, xuống xe là do Tuấn, Quốc thực hiện.

Về ý thức chủ quan: Giang hoàn toàn không biết trong 06 thùng cát tông và 01 thùng xốp mà Tuấn và Quốc gửi tạm trong sân nhà Giang chứa vật gì.

Vì vậy, xét hành vi khách quan, ý thức chủ quan thì Giang không có hành vi tàng trữ 06 thùng cát tông và 01 thùng xốp, càng không có hành vi tàng trữ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Cáo trạng của VKSND huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An truy tố Nguyễn Hoài Giang về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” là oan cho Nguyễn Hoài Giang.

Thêm vào đó, đại diện VKSND huyện Diễn Châu còn cho rằng, do Tuấn và Quốc gửi nhờ hàng tại nhà của Giang, nơi ở của Giang, thuộc phạm vi quản lí của Giang nên Giang phải biết được họ có cất giữ bất hợp pháp cái gì hay không? Tuy nhiên, với lập luận này, luật sư Trâm đặt vấn đề, nếu vậy thì cả bố, mẹ Giang và cả người giúp việc của nhà Giang cũng có thể bị truy tố với tội tương tự như của Nguyễn Hoài Giang. (?!)

z2290041038643_b58530630e17385d8232b684ee523015

Mẹ của bị cáo Nguyễn Hoài Giang ngã quỵ kêu oan cho con mình sau khi phiên tòa kết thúc.

Đáp lại ý kiến của các luật sư cho rằng vụ án này có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và oan cho Nguyễn Hoài Giang, đại diện VKSND huyện Diễn Châu cho rằng, do bị cáo Giang không cung cấp được địa chỉ cụ thể của hai người bạn Tuấn, Quốc nên Cơ quan điều tra không có cơ sở để xác minh địa chỉ hai người này chứ không phải không xác minh, bỏ lọt tội phạm.

Ngược lại, các luật sư cho rằng việc phối hợp giữa Công an huyện Diễn Châu với Cảnh sát giao thông (CSGT) để kiểm tra xe, hàng và lập biên bản bắt người phạm tội quả tang là không bình thường, không làm rõ được chủ hàng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và oan cho Giang. Ngoài ra, Biên bản bắt người phạm tội quả tang không có lời khai của ông Nguyễn T.L và lời khai của ông Hoàng T.V là người trực tiếp phát hiện, bắt giữ Trần Quang Anh và hàng hóa.

Trong khi đó, ĐTV Nguyễn Đình Việt cho biết, khi đưa xe của Trần Quang Anh về trụ sở Công an huyện Diễn Châu, mới bắt đầu tham gia vào quá trình điều tra vụ án. Thế nhưng, các luật sư đã phản bác lại rằng, trong hồ sơ vụ án ghi nhận ĐTV Nguyễn Đình Việt trực tiếp tham gia vào vụ án từ lúc bắt xe của Quang Anh. Cụ thể, Biên bản bắt người phạm tội quả tang lập lúc 22 giờ 30 phút ngày 20/11/2019 tại địa phận km 429 Quốc lộ 1A, thuộc xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu ghi thành phần có ĐTV Nguyễn Đình Việt.

Đặc biệt, lời khai của Trần Quang Anh thể hiện Quang Anh biết rõ chủ hàng đi cùng trên xe nhưng không hiểu vì sao tại thời điểm phát hiện vi phạm, Tổ công tác lại không làm rõ chủ hàng là ai, không đưa chủ hàng về Công an huyện Diễn Châu mà chỉ đến khi lập xong biên bản lại yêu cầu Quang Anh trở lại hiện trường để tìm chủ hàng?

Về vật chứng, luật sư Nguyễn Văn Sáng đặt câu hỏi, tại sao không ghi số sim, số máy để sau này HĐXX còn tuyên hủy hoặc tuyên trả? ĐTV Nguyễn Đình Việt trả lời, đối với điện thoại không cần điều tra, giám định bên trong, điều này cũng không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án. (?!)

Sau đó, luật sư tiếp tục đặt vấn đề, khi Công An huyện Diễn Châu tịch thu điện thoại Trần Quang Anh, lại không thực hiện việc niêm phong, không kê biên, không khai thác thông tin trong điện thoại; mặt khác, theo sao kê của Trung tâm kinh doanh VNPT Nghệ An ghi nhận số điện thoại của Quang Anh có 17 cuộc liên lạc với số máy khác từ lúc bị tịch thu (đặc biệt có cuộc gọi dài 168 giây), ĐTV Nguyễn Đình Việt giải thích do Giang bỏ đi lúc Quang Anh bị bắt xe nên có liên hệ cho Giang. (?!)

Cũng liên quan đến vật chứng, luật sư hỏi ĐTV Nguyễn Đình Việt, tại sao không chụp ảnh 6 thùng cát tông, 1 thùng xốp cùng với xe của Quang Anh xem có để vừa cốp xe không, có đúng là các thùng đồ được Quang Anh chở hay không? ĐTV Nguyễn Đình Việt cho biết có video. Tuy nhiên, theo các luật sư thì hồ sơ không ghi nhận có video nào, và video ĐTV Nguyễn Đình Việt đề cập cũng không rõ là video nào…

Về việc xử lý chứng cứ, đại diện VKSND huyện Diễn Châu cho rằng trong hồ sơ đã đầy đủ bản ảnh của các cá thể động vật và điều đó có giá trị chứng minh tội phạm của vụ án. Cụ thể là các con vật, không phải hộp xốp, thùng cát tông và không nhất thiết phải có bản ảnh các thùng cát tông chứa đựng vật chứng đấy. Trước quan điểm này, luật sư Thái Văn Chung phản biện, hồ sơ thiếu bản ảnh chụp 6 thùng cát tông và 1 thùng xốp cùng với xe của Trần Quang Anh ngay tại thời điểm bị bắt. Vì thế khó xác định được chính xác số động vật trong 6 thùng cát tông và 1 thùng xốp có phải từ trong cốp xe của Quang Anh hay không, nên không có căn cứ vững chắc để xác định số động vật mà Cơ quan công an thu giữ có từ đâu.

Ngoài ra, các luật sư cho rằng, từ 21 giờ 30 ngày 20/11/2019 đến 02 giờ sáng ngày 21/11/2019 thì toàn bộ số vật chứng tức là các động vật có trong các thùng xốp và thùng cát tông để ở đâu, ai quản lý, có quyết định nhập kho, có phiếu nhập kho không? Những điều này hoàn toàn không được làm rõ trong hồ sơ vụ án.

Nói lời sau cùng tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Hoài Giang cho rằng mình bị oan.

Kết thúc thủ tục tranh luận, HĐXX tuyên bố nghị án tới ngày 22/1/2021 sẽ tiếp tục.

Mâu thuẫn!

Tại trang 1 Cáo trạng số 107/CT-VKS-DC ngày 7/7/2020 của VKSND huyện Diễn Châu có nêu nội dung vụ án như sau, khoảng 15 giờ 30 ngày 20/11/2019, Nguyễn Hoài Giang gọi điện cho Trần Quang Anh để nhờ thuê chở mấy người bạn và mấy con chồn cát. Tuy nhiên, cũng tại trang 1 Cáo trạng trên (đoạn sau) lại nêu khoảng 17 giờ cùng ngày, khi Tuấn và Quốc tới nhà Giang chơi mới ngỏ lời Giang “cho mình gửi ít đồ”. Vậy theo như Cáo trạng thì từ khoảng 17 giờ, Tuấn và Quốc mới gặp Giang và nói Giang cho để nhờ đồ và sau sẽ chuyển chúng đi, nhưng tại sao từ 15 giờ 30 Giang đã gọi thuê Quang Anh chở đồ?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Bạt Phong - Tùng Anh (phapluatplus.vn)

Link bài gốc:

https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/vu-an-co-dau-hieu-oan-sai-tai-nghe-an-phien-toa-mo-xe-nhieu-van-de-vi-pham-to-tung-d146600.html