Vì sao các ngân hàng đồng loạt bán công ty tài chính cho đối tác ngoại?

Kỳ Văn
Vốn được ví là “con gà đẻ trứng vàng”, thế nhưng gần đây, các ngân hàng liên tiếp công bố các thương vụ bán vốn, thậm chí thoái vốn tại các công ty tài chính tiêu dùng cho các đối tác nước ngoài. Phải chăng, các ngân hàng đang dần buông bỏ “mảnh đất” cho vay tiêu dùng được dự báo có nhiều tiềm năng?
Tỷ phú Thái lỗ hơn một nửa sau 4 năm 'thâu tóm' Sabeco
Giao dịch tại Ngân hàng VP Bank. (Nguồn: VP Bank)

Ngày 25/8 mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản.

Theo đó, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. Kế hoạch bán SHB Finance được ban lãnh đạo SHB công bố trước đó tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, tổ chức ngày 22/4.

Đáng chú ý, SHB Finance chỉ mới được thành lập vào tháng 3/2017, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, do Ngân hàng SHB sở hữu 100%. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, SHB Finance đã phủ rộng tại 46 tỉnh, thành phố; có gần 300.000 khách hàng vay và được Tổ chức xếp hạng Moody’s xếp hạng tín nhiệm B3 – triển vọng ổn định.

Theo Reuters, thương vụ bán SHB Finance được định giá ở mức 5,1 tỷ baht Thái, tương đương với 156 triệu USD. Đây được xem là thương vụ bán vốn công ty tài chính lớn thứ 2 ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) để bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit để thu về 1,4 tỷ USD. FE Credit cũng là công ty tài chính được định giá cao nhất ở thị trường Việt Nam hiện nay.

Ngoài 2 thương vụ trên, thị trường chuyển nhượng vốn tại các công ty tài chính đang thực sự sôi động khi một số ngân hàng khác cũng tiết lộ kế hoạch này.

Trong tháng 8/2021, tại buổi gặp gỡ giới đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết, ngân hàng này sẽ thoái toàn bộ 100% vốn tại Công ty tài chính FCCOM, thay vì bán 50% vốn như kế hoạch trước đó. Hiện có 2-3 đối tác đang làm việc với ngân hàng. Dự kiến, thời gian hoàn tất bán vốn sẽ được thực hiện trong năm 2022, phụ thuộc vào việc cấp phép của Ngân hàng Nhà nước.

Trong một báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Guotai Junan Việt Nam nhận định, với P/B (giá trị sổ sách) trung bình của các thương vụ mua bán, sáp nhập công ty tài chính tiêu dùng gần đây, việc bán 100% vốn FCCOM sẽ mang về cho MSB ít nhất 500 tỷ đồng lợi nhuận. Qua đó, bổ sung nguồn lực phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Đầu năm 2020, MSB đã đàm phán thành công chuyển nhượng 50% vốn của FCCOM cho Hyundai Card – Công ty phát hành thẻ tín dụng, thuộc Tập đoàn ô tô Hyundai, Hàn Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thay đổi chiến lược đối tác khiến thương vụ này bất thành.

Trước đó, một loạt ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) và Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đã bán vốn công ty tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, MB và HDBank bán 49% vốn điều lệ, còn Techcombank bán 100%. Đối tác chủ yếu là định chế tài chính đến từ nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản với nhiều kinh nghiệm phát triển lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Với nhiều dự báo tiềm năng, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư ngoại. Việc mua lại SHB Finance với lịch sử hoạt động mới 3 năm hay mức định giá FE Credit cao hơn thị trường bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho thấy rõ điều này.

Theo ông Seiichiro Akita, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri), thương vụ mua lại SHB Finance là sự kiện quan trọng nhấn mạnh cam kết của Krungsi đối với chiến lược mở rộng thị trường ASEAN theo kế hoạch kinh doanh trung hạn trong giai đoạn 2021-2023.

Về phía các ngân hàng nội, việc bán vốn tại các công ty tài chính cũng mang lại lợi ích không nhỏ cho các ngân hàng. Bên cạnh kinh nghiệm quản lý, các thương vụ này còn giúp ngân hàng tăng sức mạnh về tài chính và mở rộng quy mô, khai thác tốt hơn mảnh đất “màu mỡ” cho vay tiêu dùng trong tương lai.