Triển lãm cá nhân "Ngày hôm qua" của họa sĩ Trần Quốc Giang

Admin
Triển lãm sẽ khai mạc vào lúc 18h ngày 26/11, tại Eight Gallery, 8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP.HCM. Dự kiến triển lãm sẽ  kéo dài đến 9/12/2012

Trần Quốc Giang tốt nghiệp khoa hội họa, Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2015. Một số tác phẩm của Giang đã được chọn trưng bày tại các triển lãm toàn quốc, tại Giải thưởng Dogma 2019, tại triển lãm Biennale Mỹ thuật trẻ 2019... Tác phẩm Lên đồng (sơn mài), từng được trao giải Bạc tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 và hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Triển lãm cá nhân đầu tiên có tên Xúc cảnh diễn ra tại TP.HCM năm 2021.

tran-quoc-giang-2-1669359266.jpg
Họa sĩ Trần Quốc Giang

Sống động và trực diện, các tác phẩm phong cảnh của Giang mô tả thiên nhiên như những tấm gương khác nhau của tình cảm và nhận thức. Trần Quốc Giang chia sẻ: “Trong toàn bộ quá trình vận động của tự nhiên, trạng thái sống của động thực vật chỉ chiếm một phần. Con người thường nhìn nhận những trạng thái khác với cái nhìn tiêu cực do ý thức đánh đồng sự tồn tại của bản thân với trạng thái sống. Nhưng tự nhiên, cho dù là đang phá hủy hoặc làm tiêu biến đi một vài thứ, vẫn là đang sống trong cuộc sống sôi động và vĩ đại của chính nó. Tôi muốn mở rộng đôi mắt mình, nhìn nhận mọi thứ bằng một trái tim không ẩn tình, không chủ quan, trong một lúc ngắn ngủi nào đó, cũng chấp nhận được rằng, kể cả là sự mất mát, cũng có vẻ đẹp của riêng nó”.

Trần Quốc Giang có cách tiếp cận hơi khác với nhiều họa sĩ cùng trang lứa tại VN. Đầu tiên, anh chọn bảng màu có hơi hướng dã thú (fauvism), hòa trộn giữa phong cách tượng trưng và phong cách bán tượng trưng, với màu sắc mạnh, nóng, tự do, có chút nổi loạn, phá cách.

bai-bun-1669359299.jpg
Tác phẩm Bãi bùn

Phong cảnh của anh căn bản là hiện thực, nhưng không dừng lại ở mô tả, tỉa tót, mà bộc lộ một mong muốn với hiện thực. Trong mong muốn ấy, hiện thực được đẩy ra xa dần, thay vào đó là những hoài niệm, những tưởng tượng. Nói chung anh muốn áp đặt một hiện thực theo tâm trạng.

Tuy nhiên, áp đặt được hay không lại là chuyện khác, vì phong cảnh của anh hoàn toàn vắng bóng con người. Dường như con người “không có cửa” cai quản, khai thác thiên nhiên trong tranh phong cảnh của Trần Quốc Giang.

Thiên niên, phong cảnh như tự sống đời của nó, buồn vui riêng nó. Vì vậy mà, nó có tính gợi tưởng, làm cho người xem nhớ về một nơi chốn tĩnh tại ở miền nhớ nào đó. Nó làm ta liên tưởng đến bài thơ “Trại đầu xuân độ” (Bến đò mùa xuân) của Nguyễn Trãi: “Ðộ đầu xuân thảo lục như yên/ Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên/ Dã kính hoang lương hành khách thiểu/ Cô chu trấn nhật các sa miên”. Nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch rất hay: “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi/ Lại có mưa xuân nước vỗ trời/ Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách/ Con đò gối bãi suốt ngày ngơi”.

gia-cam-tren-bai-bien-1669359327.jpg
Tác phẩm Gia cầm trên bãi biển

Từ khi còn là sinh viên Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Giang đã được nhiều người biết đến với tư cách là một cây cọ của những tìm tòi, những truy vấn về các vấn đề mang tính bản thể của con người xã hội. Nên sẽ có chút ngạc nhiên, khi đến với loạt tranh phong cảnh lần này - được thực hiện từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2021 - nơi con người hoàn toàn vắng bóng. Chỉ có những những nét cọ phiêu nên sắc trời, dáng mây, hình đất, thế nước...

Khước từ nhân ảnh, một dấu hiệu của đồng loại, không có nghĩa là người nghệ sĩ chán ngán nhân thế, chỉ muốn tìm vui với cây cỏ. Bởi vì ở loạt tranh về đề tài xã hội, kẻ sáng tạo đã đứng trước sự cô độc để trải nghiệm chính mình. Còn khi đứng trước thiên nhiên hoang sơ, cũng chính kẻ ấy phải xô đẩy nỗi cô đơn để nhìn lại, để soi thấu bản thân. Giữa cộng đồng, hoặc ngoài thiên nhiên, chỉ là hai trạng huống tạm mượn để kẻ sáng tạo chủ động dấn thân vào thế giới nội tâm. Giữa cộng đồng là một sự quằn quại phản kháng, giữa thiên nhiên là một sự trầm tư, thanh lọc. Và khi vượt qua, thì còn lại những thăng hoa, phiêu nhấn ở những bức sơn dầu khổ lớn cuối cùng, hoàn thành trong mùa xuân 2021, giống như khép lại một khóa “nhập thất tu” trong nghệ thuật của Trần Quốc Giang.

sang-trang-1669359357.jpg
Tác phẩm Sáng trăng

Khi được hỏi: Sau hai series kể trên, anh đã chuyên tâm vào việc vẽ tranh phong cảnh, một chủ đề thật khác với tư tưởng phản kháng hay đấu tranh. Anh có thể chia sẻ về nhân duyên sáng tác?

Trần Quốc Giang trả lời: “Trong giai đoạn đầu Covid-19, tôi cảm thấy năng lượng bên trong mình không còn đủ để tiếp tục những chủ đề cũ nữa. Có một tiếng nói bên trong thôi thúc tôi dừng lại. Dù Covid-19 không ảnh hưởng gì đến kinh tế tài chính cá nhân, nhưng tôi thấy rõ sự tác động về mặt năng lượng. Đó là sự bí bách, như vậy, nếu cứ theo đuổi chủ đề phản kháng và đấu tranh thì không ổn lắm. Tôi đã ngưng nhằm lấy lại cân bằng.

Tôi quyết định về quê thư giãn vài hôm, và nhận ra bao ký ức cũ ùa về. Tôi nhận ra khi mình đối diện và trò chuyện với thiên nhiên thì tương tác mạnh hơn nhiều so với những đợt trở về “cưỡi ngựa xem hoa”. Khi trở về với động thái quan tâm và đối thoại với phong cảnh, thì mình thấy nó cũng đang đối thoại với chính mình. Và dù dịch bệnh, nhưng phong cảnh vẫn thế, vẫn tràn đầy sức sống và nên thơ”.

song-xo-bo-1669359386.jpg
Tác phẩm Sóng xô bờ

Trong suốt hơn một năm sáng tác, anh nhận định ra sao về sự chuyển đổi của loạt tranh phong cảnh, tương ứng với sự chuyển đổi nội tâm anh?

Trần Quốc Giang: Hơn 20% của tổng 40 bức tranh là trực họa, nằm ở giai đoạn đầu, khi tôi sáng tác ở Lái Thiêu (nơi đặt studio) và Gò Công, Tiền Giang, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Từ bé, tôi đã sống trong vòng tay Mẹ Thiên Nhiên, kế bên nhà là con sông, tất cả thuộc về mình, thật êm đềm và sống động. Cho đến khi tôi lên Sài Gòn học và làm việc, mình tách ra khỏi nó từ lúc nào không hay. Nhưng thiên nhiên vẫn còn nằm trong tiềm thức, và khi biến cố căng thẳng xảy đến, trở về đối diện với nó, tôi như quay lại thời bé, và phong cảnh vẫn như thuở bé vậy. Tôi quan sát và lấy bút cọ ra vẽ, đơn thuần giải quyết cảm xúc bên trong chứ không có ý định triển lãm.

Những bức đầu vẫn cảm xúc, nhưng thiên về mô tả đối tượng hơn. Về sau, nhờ nghe tiếng lòng mà tôi không ghi chép “thông tin đối tượng” nữa mà ghi chép tâm hồn xúc cảm của mình. Nếu sắp loạt tranh theo trình tự thời gian sáng tác thì khán giả sẽ thấy rõ đặc điểm ấy, qua sự biến thiên màu. Về sau, màu là màu của xúc cảm chứ không phải là màu của đối tượng mà đôi mắt trông thấy”.

gia-suc-tren-canh-dong-1669359427.jpg
Tác phẩm Gia súc trên cánh đồng

Xem những tranh mới trong Ngày hôm qua, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình nhận định: “... Nhiều năm gần đây, trừu tượng như một lựa chọn của phần đông các họa sĩ trẻ. Họ vẽ bằng sự thúc đẩy của nội tâm, bộc phát tự nhiên. Giang cũng thế! Đây là triển lãm cá nhân thứ hai của Giang, bày khoảng 15 bức tranh, bằng chất liệu sơn dầu và và thử nghiệm sơn mài trên vải. Nói chung, chưa thay đổi gì nhiều từ lần triển lãm đầu tiên, nhưng cho thấy nỗ lực nhẫn nại và mạnh mẽ trên con đường tìm lấy bản sắc của riêng mình. Một cố gắng đáng tán thán! Một hy vọng đáng trông đợi!”.

Phương Nam (t/h)