Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng quý 2/2021: Ba "ông lớn" gây bất ngờ, nhiều ngân hàng tăng trưởng bằng lần

Kỳ Văn
Lộ diện Top 10 ngân hàng lãi cao nhất 6 tháng với nhiều bất ngờ

BIDV vượt qua MB trong khi MSB lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng top 10.

Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng quý 2/2021: VietinBank gây hụt hẫng, BIDV bất ngờ tăng cao, nhiều ngân hàng tăng trưởng bằng lần - Ảnh 1.

Nam A Bank lãi quý 2 trên 612 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần cùng kỳ

Theo báo cáo tài chính vừa được công bố của NamABank (UPCoM: NAB), lợi nhuận trước thuế quý II của ngân hàng đạt 612 tỷ đồng cao gấp 10,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng đạt 1.073 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ năm ngoái

Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của NamABank đạt 145.654 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,5% đạt 95.891 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 9,9% đạt 107.956 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nợ xấu ngân hàng tăng 83% trong 6 tháng đầu năm lên 1.362 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp hơn 2 lần lên hơn 1.000 tỷ.

Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng theo đó tăng từ 0,83% lên 1,42%.

VietinBank: Lãi quý 2 chỉ đạt 2.790 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với dự kiến

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) công bố BCTC Hợp nhất quý 2/2021. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế quý 2 của ngân hàng chỉ ở mức 2.790 tỷ đồng, giảm tới 38% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này thấp hơn so với dự kiến trước đó, tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng, lãnh đạo ngân hàng cho biết ước tính lợi nhuận quý 2 khoảng 5.000 tỷ đồng.

Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng quý 2/2021: VietinBank gây hụt hẫng, BIDV bất ngờ tăng cao, nhiều ngân hàng tăng trưởng bằng lần - Ảnh 1.

Nguyên nhân lợi nhuận quý 2 sụt giảm khá mạnh như vậy chủ yếu do chi phí dự phòng tăng vọt.

Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động quý 2/2021 của VietinBank đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 39,5% đạt 10.878 tỷ, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 23,1% đạt 1.357 tỷ, lãi từ hoạt động khác tăng tới 481% đạt 1.134 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh lại cho kết quả kém khả quan hơn, tuy nhiên nguồn thu từ 2 mảng này vốn chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thu nhập ngân hàng.

Trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh, chi phí hoạt động quý 2/2021 cũng tăng mạnh theo (tăng 27,6% lên 4.187 tỷ đồng). Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro tăng tới gấp 3 lần lên 7.106 tỷ đồng, là lý do chính khiến lợi nhuận quý 2 giảm mạnh.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 10.850 tỷ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, VietinBank là ngân hàng có lãi cao thứ 3 trong các NHTMCP, sau Vietcombank và Techcombank.

Chi phí hoạt động 6 tháng ở mức 7.699 tỷ đồng, tăng 16,7%. Tỷ lệ CIR 6 tháng đầu năm 2021 là 28,5%, cải thiện đáng kể so với mức 31,9% cùng kỳ năm 2020. Theo BCTC của VietinBank, chi phí hoạt động tăng chủ yếu do ngân hàng tăng chi lương và phụ cấp cho cán bộ nhân viên (tăng 20,4%) và tăng chi cho hoạt động quản lý công vụ (tăng 23%).

Chi phí dự phòng rủi ro luỹ kế 6 tháng là 8.456 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản VietinBank đạt hơn 1,47 triệu tỷ, tăng 9,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 6% đạt trên 1,07 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 5% đạt 1,03 triệu tỷ đồng. Nợ xấu ngân hàng tăng hơn 4.900 tỷ đồng lên 14.476 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tương đương tăng tới 51,8%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,94% lên 1,34%.

BIDV báo lãi quý 2 và 6 tháng đầu năm cao hơn 86% so với cùng kỳ

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV - BID) công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.726 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 8.122 tỷ đồng, cũng tăng hơn 86% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, BIDV ghi nhận nhiều mảng kinh doanh tăng trưởng cao trong nửa đầu năm. Trong đó, thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm 2021 tăng 46% so với cùng kỳ, đạt 23.527 tỷ đồng; riêng quý 2, thu nhập lãi thuần đạt 12.697 tỷ, tăng tới 83%. Lãi từ hoạt động dịch vụ 6 tháng đạt 3.199 tỷ đồng, tăng 39,2%. Lãi từ hoạt động khác tăng 119% đạt 3.965 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại không được khả quan như các mảng kinh doanh trên, bị lỗ tới 493 tỷ, trong khi cùng kỳ có lãi 668 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động nửa đầu năm của ngân hàng đạt 31.661 tỷ đồng, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm ngoái.Chi phí hoạt động trong kỳ ở mức 8.115 tỷ đồng, tăng 9%. Chi phí dự phòng rủi ro tăng 49% lên 15.423 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của BIDV tăng 8,3% so với đầu năm lên hơn 1,64 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 6,8% đạt gần 1,3 triệu tỷ. Tiền gửi của khách hàng tăng 5,5% lên gần 1,3 triệu tỷ.

Nợ xấu của BIDV giảm 1,1% trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng giảm từ 1,76% hồi đầu năm xuống 1,63%.

Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng quý 2/2021: VietinBank gây hụt hẫng, BIDV bất ngờ tăng cao, nhiều ngân hàng tăng trưởng bằng lần - Ảnh 2.

Eximbank: Lợi nhuận quý 2 cao gấp hơn 3,5 lần cùng kỳ

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán EIB công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021.

Tính đến cuối tháng 6/2021, Eximbank đạt tổng tài sản đạt hơn 165 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 3,2% so với cuối năm 2020. Trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 105 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 5,82%; chứng khoán đầu tư tăng 14,6% với dư nợ hơn 18.300 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 4,4% đạt gần 140 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2% trên tổng dư nợ, giảm mạnh so với mức 2,51% thời điểm cuối năm ngoái.

Vê kề kinh doanh, Eximbank ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 29,5% so với cùng kỳ đạt hơn 983 tỷ đồng - mảng tăng trưởng mạnh nhất và cũng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất.

Trong khi các ngân hàng khác lãi lớn từ kinh doanh dịch vụ cũng như đầu tư chứng khoán thì ở Eximbank các mảng này đều tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Cụ thể, lãi từ dịch vụ quý 2 năm nay giảm hơn 4% so với cùng kỳ; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm hơn 38,5% và lãi từ ngoại hối cũng giảm hơn 38%.

Tuy nhiên ngân hàng kiểm soát chi phí hoạt động tốt khi chỉ tăng 6,7% so với cùng kỳ, cộng với dự phòng rủi ro giảm mạnh hơn một nửa nên lợi nhuận quý 2 vẫn khả quan. Cụ thể trong quý 2, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 340 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 260% (tức gấp 3,6 lần) so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, thu nhập lãi thuần của Eximbank tăng 11,7% đạt hơn 1.797 tỷ đồng. Mảng dịch vụ quý 1 tăng trưởng mạnh nên dù có giảm ở quý 2 thì 6 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng 33%. Mảng chứng khoán đầu tư của Eximbank 6 tháng giảm lãi tới 46% chỉ đạt 22 tỷ đồng. Nhờ kiểm soát chi phí tốt và giảm mạnh dự phòng ở quý 2 nên Eximbank ghi nhận lãi trước thuế trong 6 tháng đạt hơn 611 tỷ đồng, cao hơn 10,2% so với cùng kỳ.

Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng quý 2/2021: VietinBank gây hụt hẫng, BIDV bất ngờ tăng cao, nhiều ngân hàng tăng trưởng bằng lần - Ảnh 2.

Vietcombank: Ngân hàng hợp nhất giảm 14% lợi nhuận trong quý 2

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021. Theo đó, quý 2/2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 4.938 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng 9,8% trong nửa đầu năm, đạt 921.948 tỷ đồng. Tuy vậy, tổng tài sản của ngân hàng vẫn sụt giảm 1,7% xuống mức hơn 1,3 triệu tỷ do ngân hàng giảm mạnh cho vay các TCTD khác.

Tiền gửi khách hàng tăng 1,9% lên hơn 1,05 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng 3,2% lên 316.926 tỷ. Hiện tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi) đạt khoảng 33,2%.

Nợ xấu tại Vietcombank tăng hơn 1.600 tỷ trong 6 tháng đầu năm lên 6.865 tỷ đồng, tương đương tăng 31,3%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,62% hồi đầu năm lên 0,74% cuối tháng 6.

Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng quý 2/2021: VietinBank gây hụt hẫng, BIDV bất ngờ tăng cao, nhiều ngân hàng tăng trưởng bằng lần - Ảnh 2.

Sacombank báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm hơn 2.400 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ. Riêng quý 2 đạt hơn 1.400 tỷ

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) công bố BCTC Hợp nhất quý 1/2021.

Quý 2 năm nay, ngân hàng có lợi nhuận trước thuế đạt 1.424 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Các mảng kinh doanh của nhà băng trong quý 2 đều tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng thu nhập hoạt động quý 2/2021 của Sacombank đạt 4.744 tỷ, tăng 33% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 18% lên 2.336 tỷ, chi phí dự phòng giảm 14% xuống 986 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 8.889 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí hoạt động nửa đầu năm tăng 12,4% lên 5.005 tỷ. Chi phí dự phòng rủi ro 6 tháng ở mức 1.461 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ.

Theo đó, Sacombank báo lãi trước thuế nửa đầu 2021 năm đạt 2.424 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản Sacombank ở mức 505.534 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 6,1% đạt 361.109 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 1,4% lên 433.944 tỷ đồng.

Nợ xấu nội bảng của Sacombank giảm 171 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm xuống còn 5.608 tỷ đồng, chỉ còn chiếm 1,55% trong tổng dư nợ cho vay.

Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng quý 2/2021: VietinBank gây hụt hẫng, BIDV bất ngờ tăng cao, nhiều ngân hàng tăng trưởng bằng lần - Ảnh 1.

MSB báo lãi 6 tháng cao hơn nhiều so với dự kiến, cao gấp 3 lần cùng kỳ

Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) công bố báo cáo tài chính quý 2/2021.

Đáng chú ý, trong quý 2/2021, ngân hàng ghi nhận lãi từ hoạt động dịch vụ tăng đột biến gấp 10 lần so với cùng kỳ lên 2.074 tỷ đồng. Phần lãi đột biến này đến từ thu từ nghiệp vụ uỷ thác và đại lý, không ngoài khả năng ngân hàng đã ghi nhận một phần phí trả trước từ ký kết bancassurance độc quyền.

Bên cạnh đó, nhiều mảng kinh doanh khác cũng có kết quả tăng trưởng cao. Trong đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi, thu nhập lãi thuần đạt 1.477 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi 97 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị lỗ 1,3 tỷ.

Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư trong quý 2/2021 bị lỗ 337 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 263 tỷ đồng. Hoạt động khác bị lỗ 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 208 tỷ đồng.

Theo đó, tổng thu nhập hoạt động trong quý 2/2021 đạt 3.295 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động cũng tăng mạnh 62,5% lên 1.082 tỷ đồng. Chi phí dự phòng giảm 41% xuống 241 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 1.972 tỷ đồng, tăng 188% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt 3.119 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2020. Theo đó, ngân hàng đã hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của MSB đạt 183.124 tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 15,2% đạt 91.381 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 1,7% xuốn 86.046 tỷ đồng.

Nợ xấu nhà băng này ở mức 1.844 tỷ đồng, tăng 287 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tương đương tăng 18,4%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay ở mức 2,02%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng ở mức 1,6%.

Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng quý 2/2021: VietinBank gây hụt hẫng, BIDV bất ngờ tăng cao, nhiều ngân hàng tăng trưởng bằng lần - Ảnh 1.

Ngân hàng Bản Việt tăng mạnh lợi nhuận quý 2 và 6 tháng

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank, mã chứng khoán BVB) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó, ngân hàng có sự cải thiện đáng kể về quy mô, các nguồn thu nhập tăng nhanh hơn so với mặt bằng cùng kỳ 2020, dẫn đến lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Ngân hàng Bản Việt đạt 66,6 ngàn tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ 2020 và tăng 9% so với đầu năm. Tổng huy động vốn (tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) đạt gần 61 ngàn tỷ, dư nợ đạt 44 ngàn tỷ, tăng lần lượt 25% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái. So với đầu năm 2021, dư nợ cho vay khách hàng của BVB tăng trưởng 11,6% với dư nợ hơn 43.800 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,8% trên tổng dư nợ, tương đương mức cuối năm 2020.

Lợi nhuận trước thuế riêng quý 2 đạt 185 tỷ đồng, tăng gấp hơn 14 lần so với cùng kỳ; luỹ kế 6 tháng đạt 337 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu quý 2 năm nay cao gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái và 6 tháng cao gấp 4,7 lần.

Theo lý giải của ngân hàng, nguyên nhân chính của việc tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao hơn so với cùng kỳ 2020 đến từ:

(i) tăng trưởng quy mô kinh doanh dẫn đến thu nhập thuần quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 cao hơn so với cùng kỳ; (ii) đầu năm 2020, Bản Việt mua lại toàn bộ trái phiếu của VAMC nên mức trích lập dự phòng cao hơn nhiều so với 2021; (iii) thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm 2021 tăng 43% so với cùng kỳ, thu từ hoạt động dịch vụ tăng 58% nhờ vào việc đẩy mạnh hoạt động thẻ và dịch vụ bảo hiểm.

Bên cạnh đó việc tối ưu hóa hiệu quả hoạt động cũng được Ngân hàng chú trọng trong việc quản lý chí phí, chi phí hoạt động chỉ tăng 16% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng doanh thu.

Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng quý 2/2021: VietinBank gây hụt hẫng, BIDV bất ngờ tăng cao, nhiều ngân hàng tăng trưởng bằng lần - Ảnh 1.

ABBank báo lãi quý 2/2021 gấp 4 lần cùng kỳ, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 90%

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – ABB) công bố báo cáo tài chính quý 2/2021.

Quý 2/2021, lợi nhuận trước thuế của ABBank đạt 713 tỷ đồng, tăng 182% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế quý 2 đạt 477 tỷ đồng, gần gấp 4 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của ngân hàng đạt 1.191 tỷ, tăng 88% so với cùng kỳ.

Các hoạt động kinh doanh của ngân hàng ghi nhận kết quả tích cực. Thu nhập lãi thuần 6 tháng của ABBank đạt 1.429 tỷ, tăng 31% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng gấp đôi đạt 138 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 84% đạt 431 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác tăng 181% đạt 134 tỷ đồng.

Trong khi thu nhập tăng trưởng khả quan, ABBank siết chặt chi phí khi ghi nhận chi phí hoạt động giảm 4% so với cùng kỳ xuống 796 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Chi phí dự phòng rủi ro tăng 43% lên 320 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ABBank đạt 1.191 tỷ, hoàn thành 60% kế hoạch năm.

Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của ABBank đạt 113.136 tỷ đồng, giảm 2,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,9% lên 67.007 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 7,4% xuống 67.136 tỷ đồng.

Nợ xấu của ngân hàng tăng 17,6% trong nửa đầu năm lên 1.556 tỷ đồng, chiếm 2,32% trong tổng dư nợ cho vay. Trước đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ABBank hồi đầu năm 2021 ở mức 2,09%.

Trong cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của ABBank tăng mạnh 90% trong nửa đầu năm lên 396 tỷ đồng, đồng thời nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 39% lên 866 tỷ. Trong khi đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm 40% xuống 293 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn đang chiếm hơn một nửa trong tổng nợ xấu của nhà băng này.

Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng quý 2/2021: VietinBank gây hụt hẫng, BIDV bất ngờ tăng cao, nhiều ngân hàng tăng trưởng bằng lần - Ảnh 1.
PGBank lãi trước thuế 175 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

6 tháng đầu năm 2021, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 175 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2020. Động lực tăng trưởng đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần nửa đầu năm của PGBank đạt 534 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 81% đạt 17 tỷ đồng, lãi từ mua bán chứng khoán tăng 52% đạt 55 tỷ. Trong khi đó, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 55% xuống còn 10 tỷ đồng.

Song song với việc thu nhập tăng, ngân hàng thắt chặt chi tiêu, giúp chi phí hoạt động giảm 1,2% xuống 301 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro cũng giảm 17% xuống 98 tỷ.

Cuối tháng 6, tổng tài sản của PGBank đạt 37.227 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,4% đạt 26.299 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 0,2% xuống 28.670 tỷ đồng.

Nợ xấu của ngân hàng ở mức 703 tỷ, tăng 77 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở mức 2,67%.

Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng quý 2/2021: VietinBank gây hụt hẫng, BIDV bất ngờ tăng cao, nhiều ngân hàng tăng trưởng bằng lần - Ảnh 1.