Thanh long sang EU: "Khi nào nắm chắc 100% về lô hàng, doanh nghiệp hãy xuất khẩu"

Kỳ Văn
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, việc thanh long bị Ủy ban châu Âu (EC) giữ nguyên tần suất kiểm tra 20% sẽ đội chi phí vận chuyển gấp 4-5 lần mức cũ. Để tránh rủi ro, ông Nguyên khuyên "khi nào nắm chắc 100% về lô hàng, doanh nghiệp hãy xuất khẩu".

Ngày 13/6, EC quyết định giữ nguyên tần suất kiểm tra thanh long ở mức 20%, cũng như các sản phẩm gồm: Mì ăn liền, và một số loại rau gia vị, đậu bắp, ớt.

Đánh giá về sự việc này, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng.

Lấy ví dụ về trái thanh long tươi xuất đi Liên minh châu Âu (EU), ông Nguyên cho biết, thời gian để lấy mẫu, kiểm nghiệm theo tần suất 20% vào khoảng 4 ngày. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới quá trình tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long tại châu Âu.

EC giữ nguyên tần suất kiểm tra thanh long khiến chi phí của doanh nghiệp xuất khẩu bị tăng gấp 4-5 lần.

Nếu xuất khẩu bằng đường biển, doanh nghiệp rất khó đảm bảo chất lượng thanh long. Trước đây, vận chuyển tới châu Âu mất khoảng 20-25 ngày. Nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát, tình trạng thiếu containter rỗng xảy ra, thời gian vận chuyển giờ lên tới 35-40 ngày. Trong khi thời gian bảo quản tối đa của thanh long, tính từ lúc thu hoạch, là khoảng 6 tuần - tương đương 40 ngày.

Bởi vậy, doanh nghiệp xuất thanh long sang EU từ đầu năm 2022 hầu hết vận chuyển bằng đường hàng không.

"1 containter chở khoảng 6-7 tấn thanh long, khi đi đường biển sang châu Âu sẽ tốn chi phí khoảng 20.000 USD. Tính trung bình, cước vận chuyển của 1 kg thanh long tươi khoảng 2-3 USD. Tuy nhiên, nếu đi đường bay, giá cước hiện tăng lên tận 10 USD/kg - cao gấp 4-5 lần mức cũ", ông Nguyên nói.

Từ ngày 1/8/2021, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Nhiều dòng thuế, đặc biệt với các sản phẩm nông sản, trở về 0%. Dù vậy, mức ưu đãi về thuế không đủ để doanh nghiệp bù đắp chi phí bị đội lên thời gian qua.

Bàn sâu hơn về tần suất kiểm tra thanh long 20% mà EU dành cho Việt Nam, ông Nguyên cho biết EU sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên trong từng lô hàng xuất khẩu (thường chia tỷ lệ để lấy đầu, giữa và cuối mỗi lô hàng).

Sau khi lấy mẫu 20%, toàn bộ số mẫu này được đưa vào kiểm nghiệm bằng cách xay, nghiền, sau đó phân tích các thành phần dư lượng trong ruột thanh long. Tất cả lượng lấy mẫu này doanh nghiệp phải chịu, và tính "bù" vào giá thành khi xuất bán tại thị trường EU.

Nếu không may, lô hàng vượt ngưỡng dư lượng cho phép của EU, doanh nghiệp còn phải chịu thêm chi phí "quay đầu" - nghĩa là chuyên chở toàn bộ số hàng trở lại Việt Nam. Cộng thêm cả khoảng thời gian chở về, sản phẩm gần như không thể tiêu thụ vì quá thời hạn bảo quản.

"Khi bị kiểm tra 20%, doanh nghiệp chở 10 kg thanh long sang EU coi như bị 'mất' 2 kg. Rõ ràng, chất lượng thanh long Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới, nhưng giờ phải chịu nguy cơ bị đổ bỏ, hoặc nghiền nát giống như xay sinh tố thì rất phí”, ông Nguyên cho biết.

Thậm chí, nếu doanh nghiệp tái phạm các vấn đề về dư lượng, họ có thể chịu tần suất kiểm tra cao hơn, thậm chí bị cấm xuất khẩu sang EU.

Hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn đảm bảo được hoạt động do có những vùng nguyên liệu riêng và chuẩn hóa mọi khâu từ tổ chức sản xuất, canh tác, sơ chế, bảo quản, tới dây chuyền đóng gói và xuất khẩu. Các thủ tục liên quan đến chứng nhận, hay tiêu chuẩn GlobalGAP được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, số lượng những doanh nghiệp này không nhiều.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyên doanh nghiệp xuất khẩu chủ động kiểm soát chất lượng ngay từ trong nước: "Khi nào nắm chắc 100% về lô hàng, doanh nghiệp hãy xuất khẩu. Chúng ta có thể chấp nhận cước khống từ đơn vị vận chuyển, thay vì lấy hàng không rõ nguồn gốc, rồi trông chờ vào may mắn thoát kiểm dịch của nước khập khẩu nông sản”.