Thần thái mới của những dòng tiền lớn

Admin
Trên thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán đang chớm những biểu hiện mới gần đây.

Cuối tuần qua đến đầu tuần này, thị trường chứng khoán Việt Nam phản ánh tức thời và rõ nét biến cố dịch Covid-19 trở lại trong cộng đồng.

VN-Index lao dốc, nhưng điểm trừ của dòng vốn ngoại suốt thời gian trước đó đã lập tức đảo chiều. Ngay từ phiên đầu tiên thị trường rơi, phản ánh biến cố, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng.

Thần thái mới của những dòng tiền lớn - Ảnh 1.

Tính đến phiên ngày 30/7, khối đầu tư nước ngoài đã có 5 phiên liên tiếp mua ròng trên sàn chứng khoán Việt Nam, quy mô trên 1.000 tỷ đồng. Dù chỉ ngắn hạn, nhưng đây là chuỗi mua ròng mới, thay đổi rõ so với xu hướng bán ròng chủ yếu trước đó.

Cùng thời điểm, ở một kênh thu hút nguồn tiền lớn thường trực trong nửa đầu năm nay, đặc biệt trong tháng 5 và 6 vừa qua, thần thái mới cũng đang chớm định hình. Đó là kênh đấu thầu trái phiếu Chính phủ.

Hiện tượng đã có. Ngày 29/7, Kho bạc Nhà nước tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ, quy mô gọi thầu khá lớn với 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng gọi được chỉ 116 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt hơn 1%.

Hiện tượng, vì không lâu trước đó, thị trường chứng kiến dòng tiền lớn đổ xô vào kênh trái phiếu Chính phủ, với lượng đặt thầu lớn gấp nhiều lần chào thầu, như một biểu hiện của ứ tiền trong các dòng chảy và các kênh đầu tư…

Kết quả phiên 29/7 có thể chỉ là nhất thời. Sự nối tiếp hay không cần chờ đến phiên 5/8 tới đây, khi cuộc đấu tiếp theo có quy mô đáng kể được tổ chức. Nhưng, đặt trong dấu hiệu gần đây thì không nhiều bất ngờ. Trong tuần thứ ba của tháng 7, tỷ lệ trúng thầu đã ghi nhận chỉ đạt 66%, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 6, trong khi vừa mới tháng trước đó còn ghi nhận rất cao với 80-90%.

Có những yếu tố khác nhau định hình nên kết quả đấu thầu. Nhưng có một điểm mới, dòng tiền đã không còn đổ xô vào kênh trái phiếu Chính phủ như vừa thể hiện trong tháng 5 gối sang tháng 6 vừa qua.

Thần thái mới của những dòng tiền lớn - Ảnh 2.

Khá tương ứng về thời điểm, nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng không còn úng rẻ như vài tháng trước. Thần thái cung - cầu vốn ở kênh này thể hiện qua lãi suất tăng lên khá mạnh.

Cụ thể, ở lãi suất VND qua đêm - loại tập trung quy mô giao dịch lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng - xu hướng tăng lên thể hiện rõ. Nếu như suốt hơn một tháng trước, thị trường ghi nhận những mức về sát 0, chỉ 0,12 - 0,13%/năm, thì từ đầu tuần này đã tăng gấp đôi, lên quanh 0,25%/năm.

Cùng thời điểm, các ngân hàng thương mại nhà nước bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý II. Như một số tổ chức đầu tư đề cập trước đó, một nguồn tiền lớn đã rút khỏi hệ thống. Và như BizLIVE đề cập vừa qua ở bảng cân đối của Vietcombank, nguồn tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước đã vắng mặt, lượng tiền gửi thanh toán cũng còn lại rất mỏng…

Cũng trong tuần này, Tổng cục Thống kê cập nhật thường lệ. Báo cáo cho thấy, tốc độ giải ngân đầu tư công trong tháng 7 này đã mạnh lên cao nhất trong giai đoạn 5 năm.

Trước nữa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cập nhật, tốc độ tăng trưởng tín dụng từ tháng 5 và đặc biệt trong tháng 6 đã có dấu hiệu cải thiện so với trước…

Như vậy, tổng hòa thần thái của những dòng chảy lớn trên đều đang chung một hướng: nguồn tiền đang sinh động và linh hoạt hơn, thay vì ứ đọng và đè lãi suất trên liên ngân hàng, hay dồn trú ẩn với lãi suất rất thấp ở kênh trái phiếu Chính phủ, hay vốn ngoại cũng có hơi hướng rót trở lại trên sàn chứng khoán.

Ở một kênh khác, giá USD trên thị trường liên ngân hàng những phiên gần đây đã chính thức áp sát mốc 23.175 VND - mức giá Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước yết mua vào. Điều này mở ra khả năng Ngân hàng Nhà nước mua ròng ngoại tệ, đồng nghĩa với cung ứng một nguồn tiền mới ra thị trường.

Dĩ nhiên những thần thái trên còn ngắn hạn, mới chớm thể hiện, cũng như cần thêm thời gian để khẳng định thay đổi lớn nào đó, với điểm chung phản ánh là nền kinh tế sôi động hơn.

Thế nhưng, một lần nữa yếu tố Covid-19 lại xuất hiện trong cộng đồng. Yếu tố này có thể làm thay đổi những thần thái trên, hoặc có thể cản trở sự sôi động trở lại của nền kinh tế. Điều này tùy thuộc rất lớn vào khả năng khống chế và kiểm soát dịch thời gian tới.