Tạo 'địa lợi', 'thiên thời' để phát triển công nghiệp chế biến chế tạo

Kỳ Văn
Công nghiệp chế biến chế tạo đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Để tận dụng được thời cơ này, giúp Việt Nam có thể nâng cao được vai trò, vị thế trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững thì cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
phat-trien-cong-nghiep-1660737601.png
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Thy

Tại tọa đàm "Phát triển vị thế ngành công nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu" do Báo Công Thương tổ chức mới đây, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, trong ngành điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo nên có khẩu hiệu là đừng bao giờ chờ đợi thời điểm tốt nhất. Do, để nắm bắt thời cơ và tạo cơ hội thuận lợi đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều phía, nhất là sự chủ động từ doanh nghiệp, nhà làm chính sách để tạo sân chơi tốt hay là tạo một "địa lợi" tốt.

Theo bà Hương, về "thiên thời", chúng ta muốn có thuận lợi hạ tầng cho hệ sinh thái, sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì cần chính sách tốt từ Chính phủ; về "nhân hoà" chính là năng lực của doanh nghiệp. Xuất phát từ quan điểm đó, trước hết bản thân doanh nghiệp phải nâng cao năng lực và các chính sách của Chính phủ phải thực sự hỗ trợ được doanh nghiệp.

Ngoài ra, để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, thì văn hoá của doanh nghiệp, tính bền vững trong kinh doanh của doanh nghiệp… phải được thiết lập đầy đủ; tạo dựng được chất lượng xuyên suốt trong suốt quá trình hoạt động mới có thể hội nhập sâu và có những giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở góc độ đại diện cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết: "Chúng tôi rất cần hỗ trợ của Nhà nước, trước hết ở việc đào tạo nguồn nhân lực. Hiện các doanh nghiệp rất khó tuyển dụng lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do đây là ngành khắc nghiệt khi đòi hỏi trình độ, kiến thức cao, trong khi thu nhập chưa chắc đã hấp dẫn so với các lĩnh vực khác".

Ngoài ra, quá trình học, đào tạo lại khó, làm giảm sức hút đối với học sinh, sinh viên; phụ huynh cũng không mặn mà, quan tâm định hướng cho con theo học ngành này. Bên cạnh đó, các trường đào tạo, năng lực đào tạo chưa bắt kịp với chuẩn quốc tế, các thiết bị đào tạo còn hạn chế, nên các doanh nghiệp đều phải đào tạo lại.

Thêm nữa, dù các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn, song khi khảo sát thì thấy nguyện vọng của sinh viên là đều muốn làm ở khu đô thị lớn. Do vậy, cần đẩy mạnh truyền thông để học sinh, sinh viên, phụ huynh hiểu và cảm nhận rõ hơn về tính chất và nhu cầu đào tạo của lĩnh vực này.

"Tôi cũng muốn đề cập đến cơ hội tiếp cận nguồn tài chính của doanh nghiệp. Hiện chúng ta thấy rõ, chính sách tín dụng của Việt Nam đang "bóp nghẹt" về lãi suất trong khi doanh nghiệp đã thực sự rất khó khăn.

Về vấn đề này, trong Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ có sự điều chỉnh hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi rất nóng lòng chính sách này được thực thi, có hiệu quả, có tác động với doanh nghiệp. Tạo cơ hội cho doanh nghiệp cạnh tranh về giá thành", bà Hương nói.

Tuy nhiên, bên cạnh chính sách này, cần có những cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính khác nhau. Hiện, ngoài nguồn vay từ ngân hàng còn có nhiều nguồn đầu tư từ các tổ chức tài chính trong nước và ngoài nước; các thiết chế tài chính khác…

Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là doanh nghiệp điện tử khi "đói vốn" rất khó vay ngân hàng cũng như các định chế tài chính trong nước, nhưng khi có đánh giá, thẩm định về kinh doanh tốt lại có thể tìm được nguồn vay từ tổ chức tài chính quốc tế.

Mặt khác, chính sách nên hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp nhận công nghệ. Dù Chính phủ cũng đã có Quỹ đổi mới sáng tạo, công nghệ cho doanh nghiệp nhưng lại có quá nhiều quy định, cơ chế "bó chân" doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp thực sự có nhu cầu đổi mới công nghệ rất khó tiếp cận chính sách.

Cuối cùng, bà Hương cho rằng, trong chính sách nhằm đảm bảo phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2030, muốn phát triển bền vững và có sức tăng trưởng, tạo giá trị gia tăng ngày càng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, vị thế doanh nghiệp Việt Nam được lên, Chính phủ cần tiếp tục chính sách thu hút FDI có chọn lọc. Đồng thời, có điều kiện cơ bản để các FDI có sự lan toả, tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn, ở những mắt xích then chốt hơn.

Thực tế, chúng ta có một số hình mẫu đã triển khai, ví dụ như các FDI từ doanh nghiệp Hàn Quốc, Chính phủ cũng đã có những khuyến khích phát triển và qua đầu mối là Bộ Công Thương thực hiện chương trình đồng thịnh vượng của họ, như tìm kiếm các doanh nghiệp tiềm năng để hỗ trợ cải tiến năng lực sản xuất. Đặc biệt qua chương trình Phát triển nhà máy thông minh do Bộ Công Thương phối hợp với Samsung tổ chức, đã được Samsung cam kết đào tạo 50 doanh nghiệp phát triển nhà máy thông minh. Và sắp tới, hãng Boeing cũng sẽ thiết lập một hệ sinh thái cung ứng… Vì thế, các chính sách của chúng ta nên quan tâm, chào đón các doanh nghiệp đầu chuỗi, có giá trị và thiện chí phát triển các chuỗi giá trị tại Việt Nam.