Tạo bước đột phá trong đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Kỳ Văn
Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025" đã đề ra các giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua. Từ đó, tạo bước đột phá thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN trong thời gian tới.
dot-pha-1648701676.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phát huy những kết quả, khắc phục những hạn chế

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020 đã được ban hành đầy đủ, tiếp tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và DN có vốn nhà nước.

Danh sách các DN cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ công bố là một bước tiến lớn để công khai, minh bạch trong công tác sắp xếp, đổi mới DNNN, đồng thời làm căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai đề án cơ cấu lại DNNN. Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2016-2020 đã cổ phần hóa được 180 DN, theo đó đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra là 137 DN. Tuy nhiên, chỉ có 39 DN thuộc kế hoạch cổ phần hóa, theo kế hoạch (đã được rà soát và điều chỉnh), còn 89 DN chưa hoàn thành công tác cổ phần hóa.

Về cơ bản, các DNNN đã từng bước được cơ cấu lại hiệu quả hơn, cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các Tập đoàn, tổng công ty, DNNN luôn đi đầu trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều mục tiêu cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 đã đề ra chưa đạt được kết quả như mong muốn. Theo Bộ Tài chính, còn 89 DN chưa hoàn thành cổ phần hóa và còn 250 DN chưa hoàn thành thoái vốn. Tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các DN sau khi cổ phần hóa vẫn còn cao, chưa đạt mục tiêu đề ra là thay đổi phương thức quản trị DN.

Bên cạnh đó, DNNN nói chung vẫn chưa đạt được hiệu quả tương xứng với nguồn lực được giao, vẫn còn nhiều DNNN chưa thực sự đổi mới căn bản về quản trị DN, thay đổi tư duy quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất kinh doanh để giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Việc công khai minh bạch tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh còn hạn chế; vẫn còn có DNNN và lãnh đạo DNNN thiếu bản lĩnh, có hành động tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động. Việc xử lý các tồn tại, yếu kém của DNNN và DN có vốn nhà nước vẫn chưa dứt điểm, triệt để...

Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, việc nghiên cứu xây dựng đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần đổi mới, sáng tạo, kỷ cương, phát triển là yêu cầu cần thiết. Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 đã cụ thể hóa các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của Đảng và Nhà nước về nội dung này.

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước có trọng tâm, trọng điểm

Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025" đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN; Đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại DN nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN; Đồng thời, phê duyệt Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 của toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (bao gồm cả các tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần), DNNN; Tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả để có kết quả thực chất, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ.

Để triển khai các mục tiêu trên, 5 nhóm nhiệm vụ sẽ được triển khai quyết liệt gồm: Tiếp tục cơ cấu lại DNNN; hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với DNNN; nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức Đảng tại DNNN.

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý DN (Bộ Tài chính), Đề án tái cơ cấu DNNN lần này khẳng định, cơ cấu lại DNNN là nhiệm vụ tổng thể, các giải pháp như nâng cao hiệu quả sắp xếp lại DNNN, giải thể DN yếu kém, cổ phần hóa thoái vốn… là các phương thức tiến hành. Đề án đã khẳng định DNNN vẫn là lực lượng vật chất kinh tế quan trọng của kinh tế nhà nước, việc cơ cấu lại DNNN vẫn phải có trọng tâm, trọng điểm, phải duy trì được những DN mang tính nòng cốt để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam ở những lĩnh vực mà các DN đang làm tốt như chuyển đổi số, viễn thông, khai khoáng, thương mại…

Ông Tiến cho biết, một trong những điểm nhấn của Đề án tái cơ cấu giai đoạn này là tập trung đổi mới quản trị DN, chuyển đổi số... Đây là những phương thức, nhiệm vụ mang tính đột phá đã được nêu ra từ giai đoạn trước nhưng chưa được triển khai cụ thể. Trong đó, chuyển đổi số không còn là lựa chọn của DN mà là bắt buộc, DNNN phải áp dụng và phải đi trước về công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025" được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các DN thuộc thành phần kinh tế khác. Đồng thời, đáp ứng một cách chủ động đối với các điều kiện hội nhập sâu, rộng của nền kinh tế, cũng như sự thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng 4.0.