Tăng mạnh chi phí dự phòng, lợi nhuận quý 4/2020 của BIDV sụt giảm 42%

Kỳ Văn
Lũy kế cả năm 2020, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 9.214 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2019.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã: BID) vừa công bố BCTC Hợp nhất quý 4/2020.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý 4/2020 sụt giảm mạnh 42% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.696 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do ngân hàng tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro.

Thu nhập lãi thuần quý 4/2020 của BIDV đạt 10.565 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ trong khi 3 quý trước đó ghi nhận tăng trưởng âm. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng trưởng khả quan, đạt 1.592 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 486 tỷ, tăng 16,4%. Lãi từ hoạt động khác (chủ yếu đến từ hoạt động xử lý thu hồi nợ) tăng 28,6% đạt 2.275 tỷ đồng.

Hoạt động mua bán chứng khoán trong quý 4/2020 kém quả quan hơn, có lãi 507 tỷ đồng, giảm 37,4% so với cùng kỳ.

Theo đó, tổng thu nhập hoạt động quý 4/2020 của BIDV đạt gần 15.500 tỷ, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm nhẹ 3,2% xuống 6.322 tỷ. Chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 93% lên 7.005 tỷ đồng, "ăn mòn" 76% lợi nhuận thuần của nhà băng này khiến lợi nhuận trước thuế quý 4/2020 sụt giảm 42% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2020, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 9.214 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2019; lãi sau thuế đạt 7.362 tỷ đồng. Hoạt động phi tín dụng của BIDV có tăng trưởng khá cao trong năm vừa qua, chẳng hạn lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 23,3% đạt 5.259 tỷ đồng, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 215% đạt 1.514 tỷ,…

Dù vậy, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng năm 2020 chỉ tăng 4%, đạt 49.880 tỷ đồng do thu nhập lãi thuần sụt giảm nhẹ 0,5% so với năm trước.

Chi phí hoạt động năm 2020 của BIDV ở mức 32.339 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2019. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 14,9% lên 23.125 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 1,51 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,7% đạt hơn 1,21 triệu tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 10,1% đạt hơn 1,22 triệu tỷ.

Nợ cấu cuối năm 2020 của BIDV là 21.342 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2019. Trong đó, nợ nhóm 3 giảm 38% xuống 2.383 tỷ; nợ nhóm 4 giảm 43% xuống 2.435 tỷ; nhưng nợ nhóm 5 lại tăng mạnh 45,5% lên 16.525 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng nhẹ từ 1,75% lên 1,76%.