Quyết liệt tháo gỡ 4 vướng mắc chính cho doanh nghiệp

Admin
TS Cấn Văn Lực khuyến nghị cần quyết liệt tháo gỡ 4 vướng mắc chính cho doanh nghiệp liên quan đến pháp lý và thực thi công vụ; tài chính; giảm chi phí và giữ chân người lao động.

Chia sẻ tại sự kiện “Đối thoại tháng 7” với chủ đề “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” ngày 26/7, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới suy thoái kỹ thuật, cục bộ.

Dự báo của Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng năm 2023 xuống còn 2,1-2,4% (thấp hơn mức tăng 3-3,4% của năm 2022); lạm phát (CPI) giảm từ mức 7,6% năm 2022 xuống còn khoảng 5,5% năm 2023.

Kinh tế thế giới suy thoái, cục bộ tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.

Hoạt động giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đầu tư công chưa có đột phá. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn (pháp lý, nguồn vốn, nhân sự, chi phí đầu vào và đầu ra/đơn hàng thu hẹp…).

Đồng thời, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà Nước và tổ chức tín dụng vẫn gặp nhiều thách thức. Nợ xấu gia tăng; rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa.

TS Cấn Văn Lực khuyến nghị cần quyết liệt tháo gỡ 4 vướng mắc chính cho doanh nghiệp liên quan đến pháp lý và thực thi công vụ; tài chính; giảm chi phí và giữ chân người lao động.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Lực cho rằng cần đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, giải ngân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng các đầu tầu kinh tế, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Cần tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác) nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động…

“Các cơ quan liên quan cần quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là 4 vướng mắc chính: pháp lý và thực thi công vụ; tài chính (cả tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn, nghĩa vụ tài chính); giảm chi phí đầu vào và tìm đầu ra (đơn hàng); giữ chân người lao động”, ông Lực khuyến nghị.

Bàn sâu về lãi suất và tỷ giá, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV bày tỏ sự lạc quan vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới khi lãi suất được dự báo vẫn còn dư địa giảm.

Tuy nhiên, ông Lực lưu ý lãi suất sẽ không thể giảm sâu bởi khi đó dòng tiền từ kênh tiết kiệm ngân hàng sẽ dịch chuyển sang chứng khoán. Xu hướng này đã diễn ra khá rõ nét trong 2 tháng vừa qua.

Theo ông Lực, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khả năng cao sẽ tăng thêm 25 điểm % lãi suất vào phiên họp ngày mai (27/7), sau đó đi ngang, dự báo sẽ giảm dần về 5% vào đầu năm 2024 và về mức 3% vào năm 2025. Trong đó, các ngân hàng trung ương châu Âu cũng được dự báo hạ lãi suất về 3,75% vào cuối năm 2024 và 3% vào năm 2025.

Tại châu Á, đa số các ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất, trong đó Trung Quốc là quốc gia có mức giảm lãi suất mạnh nhất. Việt Nam cũng đang chủ động trong lộ trình giảm lãi suất. Lãi suất điều hành sẽ tiếp tục giảm từ 4,5% xuống 4% vào quý IV/2023 và kỳ vọng giảm về 3,5% trong năm 2024 đầu 2025.

“Đa số các đồng tiền sẽ tăng giá trở lại vì gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất vào phiên họp tới và nền kinh tế Mỹ không được như các năm trước. Dự báo, VND sẽ chỉ mất giá từ 0 – 0,5% so với USD trong năm 2023. Năm 2024, mức biến động tỷ giá lớn hơn nhưng chỉ dao động từ 0,5 - 1%”, ông Lực cho biết.