Phát triển tín dụng tiêu dùng tại KCN: Cẩn trọng hiệu ứng ngược

Kỳ Văn
Việc chủ doanh nghiệp bị “khủng bố” do công nhân không trả được nợ không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và công nhân, mà còn có thể đẩy công nhân tìm đến “tín dụng đen” để nhanh chóng hoàn tất nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, công ty tài chính.
tin-dung-1664335404.jpg
Cho vay tín dụng tiêu dùng tại khu công nghiệp lại là câu chuyện ám ảnh đối với một số doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp.

Nhiều bất cập

Tín dụng tiêu dùng tại khu công nghiệp hiện đang được các cấp chính quyền đẩy mạnh để giúp công nhân, người lao động tiếp cận được với nguồn vốn tiêu dùng chính thống, ngăn chặn “tín dụng đen” hoành hành.

Trong một động thái gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hai công ty tài chính kích hoạt gói vay 20.000 tỷ đồng nhằm xoá sổ tín dụng đen bủa vay công nhân. Gói tín dụng này có lãi suất chỉ bằng một nửa lãi suất cho vay hiện tại, với mức vay tiêu dùng, sinh hoạt tối đa là 70 triệu đồng mỗi người, thời hạn từ 3 tháng đến dưới 3 năm. Bản thân các công ty tài chính cũng đã đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ tài chính để khách hàng là công nhân, người lao động tại khu công nghiệp dễ dàng tiếp cận với vốn tiêu dùng hơn.

Tuy nhiên, cho vay tín dụng tiêu dùng tại khu công nghiệp lại là câu chuyện ám ảnh đối với một số doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp. Một lãnh đạo của một tập đoàn lớn sử dụng nhiều lao động cho biết khi công nhân vay tiêu dùng, ngân hàng và công ty tài chính đều yêu cầu chủ doanh nghiệp bảo lãnh, xác nhận. Đến hạn thanh toán, khi người lao động không trả được nợ hoặc nghỉ làm trước kỳ sao kê, ngân hàng, công ty tài chính sẽ cho người gọi “cháy máy” tổng giám đốc. “Vay mượn là quan hệ cá nhân, dân sự, tại sao lại yêu cầu người sử dụng lao động phải ký cam kết”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.

Trên thực tế, việc bị công ty tài chính đòi nợ bằng hình thức “khủng bố” điện thoại của người thân, người liên quan đến người vay tiền đã được phản ánh nhiều trong thời gian qua. Theo đó, một số công ty tài chính yêu cầu người vay tiền cung cấp số điện thoại của người thân, người liên quan khi làm hợp đồng tín dụng. Trong trường hợp khách hàng vay tiền qua app trực tuyến của công ty tài chính, việc cho phép truy cập vào danh bạ cũng vô tình là hình thức khách hàng để lộ thông tin cá nhân về những số điện thoại liên quan.

Khi vay tín dụng tiêu dùng tại các tổ chức tài chính chính thống, việc cung cấp xác nhận của doanh nghiệp là một trong các bước bắt buộc đối với một số tổ chức. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp hiện đang không “mặn mà” với việc phải xác nhận cho công nhân để hoàn tất thủ tục vay tiêu dùng tại ngân hàng, công ty tài chính với lo ngại sẽ trở thành “con nợ bất đắc dĩ” nếu người lao động không hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ.

Trao đổi với Đầu tư Tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết chủ doanh nghiệp là một pháp nhân độc lập với nhân viên của doanh nghiệp. Nếu việc đòi nợ của công ty tài chính gây ảnh hưởng tới việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì phía doanh nghiệp hoàn toàn có thể đưa vụ việc này ra toà.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc công nhân vay tiêu dùng là chuyện rất bình thường để phục vụ các nhu cầu cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Nếu công ty tài chính gây áp lực trả nợ bằng các hình thức “khủng bố” thì sẽ trở thành “thảm hoạ” đối với khách hàng, người thân và những người liên quan. Hành động “khủng bố” này có thể vô tình đẩy công nhân, người lao động tìm đến “tín dụng đen” để nhanh chóng hoàn tất nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, công ty tài chính. Kết quả này hoàn toàn đi ngược với chủ trương phát triển tín dụng tiêu dùng để đẩy lùi “tín dụng đen” của Chính phủ.

Ngân hàng, công ty tài chính nói gì?

Bình luận tại cuộc đối thoại “Phát triển thẻ tín dụng nội địa: Con đường tiếp cận tài chính toàn diện”, bà Phan Thị Thanh Hà, Phó giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), cho biết khi tiến hành cho khách hàng vay vốn, ngân hàng phải tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo an toàn vốn và cũng phải trích lập dự phòng rủi ro cùng nhiều khoản chi phí. Đối với các khoản vay cho nông dân, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể lên tới 300 triệu đồng, dù không cần tài sản đảm bảo nhưng ngân hàng vẫn phải giữ sổ đỏ, giấy tờ chứng nhận sở hữu đất, nhà ở của khách hàng; đồng thời phải có chứng nhận của chính quyền địa phương và một số thủ tục khác.

Còn đối với các khoản vay cho công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, Agribank yêu cầu phải có xác nhận trả lương, thoả thuận hợp tác với ngân hàng, lãnh đạo doanh nghiệp phải xác nhận về đối tượng vay và phối hợp với ngân hàng khi người lao động không làm việc tại doanh nghiệp đó, đồng thời phối hợp với ngân hàng để thu hồi những khoản nợ phát sinh. Bà Phan Thị Thanh Hà thừa nhận ngân hàng gặp khó khăn khi yêu cầu xác nhận từ phía doanh nghiệp để hoàn tất hồ sơ, thủ tục vay nợ của khách hàng với câu hỏi: “Tại sao phải xác nhận khi đây là trách nhiệm dân sự?”.

Đại diện Agribank cho biết những khoản vay giải ngân cho công nhân, người lao động đều không có tài sản đảm bảo, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng cao hơn những khoản nợ khác. “Không tài sản đảm bảo, ngân hàng cần phải có gì đó để bám vào, tránh thả gà ra đuổi”, bà Phan Thị Thanh Hà cho biết.

Về phía công ty tài chính, ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) khẳng định công ty tài chính không yêu cầu doanh nghiệp phải bảo lãnh hoặc thanh toán thay, hay có trách nhiệm thu nợ hộ khi phát sinh các khoản nợ với cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp đó. “Công ty tài chính nói chung và VietCredit đang áp dụng một cơ chế là không có bất kỳ ràng buộc nào đối với chủ doanh nghiệp khi khách hàng không thanh toán dư nợ”, ông Hồ Minh Tâm cho biết.

Tuy nhiên, việc một số công ty tài chính yêu cầu sự hỗ trợ trong việc cung cấp thông tin định kỳ của khách hàng để quản lý sau khi cho vay cũng là một khâu quan trọng để đảm bảo chất lượng tín dụng. “Công ty tài chính cần phải biết khách hàng có thu nhập bao nhiêu, tăng hay giảm, còn làm việc hay đã nghỉ tại doanh nghiệp để có sự điều chỉnh phù hợp trong việc cấp tín dụng”, ông Tâm nói.

Cơ chế nào cho người lao động?

Nguyên nhân sâu xa của việc doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp bị làm phiền, “khủng bố” điện thoại là do công nhân, người lao động trốn nợ. Các khoản vay tiêu dùng tín chấp thường có hạn mức tối đa khoảng 300 - 600 triệu đồng. Lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp tại ngân hàng dao động trong khoảng 11 – 15%/năm, còn tại công ty tài chính là khoảng 10 – 80%/năm. Sự chênh lệch lãi suất cho vay lớn như vậy ở công ty tài chính được lý giải vì phụ thuộc vào số tiền vay, mức độ rủi ro, lịch sử vay nợ cũng như tính chất của sản phẩm.

Dù hạn mức vay tối đa của hình thức vay tiêu dùng tín chấp không quá cao, nhưng lãi suất cho vay lại có thể neo ở mức vài chục phần trăm đối với một bộ phận công nhân, người lao động, nếu không đáp ứng được các tiêu chí như mức độ tín nhiệm. Như vậy, nếu không may gặp khó khăn, rủi ro trong quá trình vay nợ, khả năng công nhân, người lao động khó hoàn thành nghĩa vụ trả nợ gốc lẫn nợ lãi là khá cao, dẫn đến các trường hợp trốn nợ, quỵt tiền công ty tài chính.

Trước tình trạng này, ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit, cho biết theo hành lang pháp lý của Nhà nước, khi khách hàng gặp khó khăn, mất việc làm hay gặp tai nạn đáng tiếc, dẫn tới khả năng trả nợ bị gián đoạn trong một thời gian ngắn, tổ chức tín dụng hoàn toàn có thể thực hiện giãn nợ hoặc cơ cấu nợ cho khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, tâm lí của người tiêu dùng hiện nay khi gặp khó khăn về trả nợ lại không dám thổ lộ, liên lạc với tổ chức tín dụng dẫn đến chậm trễ thanh toán. VietCredit cho biết công ty tài chính không thể tự phép giãn nợ hay cơ cấu nợ nếu thông tin chưa được xác thực từ phía khách hàng. Do đó, cần tăng cường công tác truyền thông đến công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp để nắm được các giải pháp khi gặp phải tình trạng khó khăn.