Nơi 'ép' nhân viên tan làm đúng giờ

Admin
Một công ty công nghệ Ấn Độ đã xây dựng phần mềm nhắc nhở nhân viên của mình về nhà sau khi hết giờ làm, để duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống.

Công ty Ấn Độ yêu cầu nhân viên tan làm đúng giờ. Ảnh: bridgeindia.

Các máy tính tại SoftGrid Computers Pvt Ltd, công ty phần mềm ở thành phố Indore (Ấn Độ), được trang bị hệ thống thông báo hết giờ làm việc và yêu cầu nhân viên ra về, theo Independent.

"Hệ thống văn phòng sẽ ngừng hoạt động sau 10 phút nữa. Thời gian làm việc của bạn đã hết. Làm ơn hãy về nhà" là nội dung của thông báo.

Đúng 19h, hệ thống máy tính công ty sẽ tự động tắt.

Ajay Golani, giám đốc điều hành công ty, cho biết phần mềm nhắc nhở đã được cài vào máy tính của tất cả nhân viên từ 6 tháng trước.

"Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho nhân viên sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống, để họ có thể dành thời gian cho gia đình và những người thân yêu", đại diện công ty nói.

Nhiều người ca ngợi sáng kiến ​​này, nhưng một số cũng đặt câu hỏi về tính thực tế của nó.

"Điều này sẽ tạo ra áp lực, có thể buộc mọi người phải làm việc ở nhà hoặc vào cuối tuần. Điều gì sẽ xảy ra nếu có công việc đang chờ xử lý gấp và nhân viên không thể hoàn toàn nghỉ ngơi bằng một cách đơn giản như vậy", một người đưa ra ý kiến.

Chuyên gia ngăn ngừa căng thẳng trong công việc Nina Nesdoly tiết lộ cách tốt nhất để tách bản thân khỏi công việc là tắt các ứng dụng nhắn tin trên điện thoại, thay quần áo và sử dụng các mùi hương khác nhau.

Nesdoly cho biết uống nhiều loại đồ uống khác nhau khi thư giãn ở nhà và lúc làm việc cũng có thể giúp mọi người phân biệt thời gian làm và nghỉ.

"Hãy nghĩ về các giác quan của bạn, những gì bạn thấy, ngửi, nếm, nghe và cảm nhận. Ngay cả khi không làm việc nhưng vẫn nghĩ về công việc, thì bạn cũng đang dành năng lượng tinh thần của mình cho nó và không thể thực sự nghỉ ngơi".

tan lam dung gio anh 1

Nhiều công ty đang thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày. Ảnh minh họa: AP.

Một cuộc thử nghiệm kéo dài 6 tháng, bắt đầu vào tháng 2/2022, trong đó 33 công ty có nhân viên ở 6 quốc gia đã giảm thời gian làm việc xuống còn 4 ngày hoặc 32 giờ/tuần, theo Business Insider.

Được tổ chức bởi 4 Day Week Global, thử nghiệm trong thế giới thực nhằm tìm kiếm câu trả lời liệu các nhân viên có thể làm việc hiệu quả trong 80% thời gian hay không, với mức lương không đổi.

Kết quả vô cùng tích cực: Các công ty tham gia thử nghiệm báo cáo doanh thu tăng lên, sức khỏe và hạnh phúc của nhân viên được cải thiện, đồng thời có tác động tích cực đến môi trường làm việc.

Một báo cáo năm 2022 cũng tuyên bố rằng phần lớn người lao động tin rằng họ có thể đạt được nhiều thành quả trong một tuần làm việc 4 ngày so với tiêu chuẩn thông thường là 5 ngày/tuần.

Theo nghiên cứu, phụ nữ cảm thấy tự tin hơn vào năng lực của mình và có nhiều khả năng chống lại việc cắt giảm lương khi tuần làm việc trở nên ngắn hơn.

Trang web so sánh tài chính NerdWallet đã khảo sát 2.000 nhân viên và phát hiện ra rằng gần 3/4 công nhân ủng hộ tuần làm việc 4 ngày.

Hơn 3.000 nhân viên và hơn 70 công ty của Anh đang tham gia vào chương trình thí điểm làm việc 4 ngày/tuần. Các thử nghiệm tương tự cũng đã hoặc đang được tiến hành ở Australia, Canada, Ireland, New Zealand, Tây Ban Nha và Mỹ.

Sự bùng nổ của webtoon

Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.