Những sự kiện tài chính đáng chú ý nhất trong tuần từ 24-28/4

Admin
Các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho một tuần bận rộn sắp tới, khi phần lớn các công ty thành phần của S&P 500 báo cáo kết quả thu nhập, đồng USD liệu có thể hồi phục chút ít nào hay không, và Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chủ trì cuộc họp chính sách đầu tiên của mình.

Dưới đây là những sự kiện tài chính đáng chú ý trên toàn thế giới trong tuần cuối cùng của tháng 4/2023.

1/ Kết quả kinh doanh của các ông lớn ngành công nghệ

Tâm điểm của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I của Mỹ sẽ đến vào tuần tới, khi một số công ty lớn nhất báo cáo kết quả.

Ba trong số bốn công ty lớn nhất của Mỹ tính theo giá trị thị trường - Microsoft, công ty mẹ của Google là Alphabet và Amazon - dự kiến công bố thu nhập, với Microsoft và Alphabet sẽ công bố vào thứ Ba (25/4) và Amazon vào thứ Năm (27/4). Công ty mẹ Facebook, Meta Platforms , sẽ công bố kết quả vào thứ Tư (26/4).

Cổ phiếu của các ông lớn ngành công nghệ đã hồi sinh trên diện rộng vào năm 2023 sau khi lao dốc vào năm ngoái, do sự điều chỉnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và các nhà đầu tư hướng về các công ty lớn - được coi là có bảng cân đối kế toán an toàn sau vụ một số ngân hàng liêu xiêu vào tháng trước.

Kết quả kinh doanh của những công ty này sẽ là phép thử cho sự tăng trưởng bền vững của các cổ phiếu đó, cũng như đà tăng trưởng chung của thị trường.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý nhất trong tuần từ 24-28/4 - Ảnh 1.

Cổ phiếu của các ông lớn ngành công nghệ đã hồi phục nhẹ.

2/ Cuộc họp đầu tiên của vị tân Thống đốc

Thống đốc mới của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ), Kazuo Ueda, sẽ chủ trì cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên vào cuối tuần. Thị trường ngày càng tin rằng chính sách cực kỳ ôn hòa sẽ tiếp tục được giữ nguyên sau ngày thứ Sáu (28/4), nhưng các nhà kinh tế cho rằng không loại trừ khả năng sẽ có một số bất ngờ nào đó trong cuộc họp này.

Ví dụ, Morgan Stanley cho rằng có 20% khả năng BoJ sẽ thay đổi chính sách của mình, ngay cả khi BoJ nói rằng kịch bản chính của họ là không có hành động nào trong cuộc họp sắp tới sau khi ông Ueda trong những tuần gần đây nhiều lần nhận xét rằng các biện pháp kích thích vẫn phù hợp cho đến thời điểm hiện tại.

Các nguồn tin Reuters nhận được cho biết ngân hàng trung ương Nhật Bản đang nóng lòng với ý tưởng điều chỉnh thêm chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, chính sách đã gây nhiều tranh cãi vì làm giảm tính thanh khoản của thị trường với các đợt mua trái phiếu khổng lồ. Nhưng sự điều chỉnh đó nếu có thì cũng sẽ không phải lúc này.

Về phía mình, các doanh nghiệp Nhật Bản nhìn chung muốn ông Ueda tập trung vào ổn định thị trường hơn là thay đổi chính sách, kết quả một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý nhất trong tuần từ 24-28/4 - Ảnh 2.

Diễn biến lãi suất của Nhật Bản và lợi suất trái phiếu Nhật kỳ hạn 10 năm.

3/ Kết quả kinh doanh của lĩnh vực ngân hàng

Quý I năm nay trở nên rất thú vị đối với các ngân hàng. Sau tháng 1 tràn đầy lạc quan về triển vọng kinh tế là tháng 2 như một ‘bài kiểm tra thực tế’, khi các nhà đầu tư tin rằng lãi suất có thể sẽ tăng thêm nhưng thế giới sẽ tránh được suy thoái - một kịch bản hấp dẫn đối với ngành tài chính.

Tháng 3 đến cùng lúc có hàng loạt bằng chứng cho thấy các điều kiện tín dụng chặt chẽ đã gây ra nhiều tác động lớn. Hai công ty cho vay hạng trung của Mỹ đã phải đóng cửa khi khách hàng rút tiền gửi ồ ạt.

Mọi thứ lên đến đỉnh điểm khi Credit Suisse rơi vào tay đối thủ UBS một cách đột ngột. Giai đoạn gây nhiều hoang mang đó đã khiến giá trị của các ngân hàng châu Âu mất gần 180 tỷ USD trong một khoảng thời gian. Kể từ đó, lĩnh vực ngân hàng đã phục hồi, nhưng giá trị của ngành vẫn thấp hơn 70 tỷ USD so với trước khi Silicon Valley bị đóng cửa vào đầu tháng 3/2023.

Các ngân hàng UBS, Deutsche Bank, Santander và Barclays nằm trong số những ngân hàng lớn sẽ báo cáo kết quả kinh doanh trong 6 ngày tới, cùng với kết quả doanh thu của Credit Suisse.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý nhất trong tuần từ 24-28/4 - Ảnh 3.

Giá trị vốn hóa của các ngân hàng châu Âu.

4/ Thị trường tiền tệ sẽ ra sao?

Đồng tiền chung châu Âu đang tăng giá. Thị trường đang hy vọng vào một số bình luận từ các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu và nhiều dữ liệu cho thấy khu vực này có thể giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Chênh lệch lãi suất của Mỹ so với lãi suất của châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng vào đầu tháng 4, với quan điểm rằng việc cắt giảm lãi suất của Mỹ sẽ diễn ra vào cuối năm nay trong khi chi phí vay ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng.

Những kỳ vọng đó đã đẩy đồng euro, bảng Anh và đồng franc Thụy Sĩ lên mức cao nhất trong nhiều tháng, mặc dù đợt tăng giá này có thể sẽ kết thúc khi thị trường xem xét lại việc liệu Fed có thực sự cắt giảm lãi suất hay không?

Bất cứ điều gì làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD đều sẽ giúp giữ cho các đồng tiền châu Âu ở trong trạng thái tích cực, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý nhất trong tuần từ 24-28/4 - Ảnh 4.

Tỷ giá USD/EUR

5/ Cổ phiếu châu Âu sẽ ra sao?

Triển vọng đối với chứng khoán châu Âu là rất khó khăn, khi nền kinh tế này phải đối mặt với triển vọng lạm phát dai dẳng và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa.

Dữ liệu GDP của khu vực đồng euro trong quý I/2023 sẽ được công bố vào ngày 28 tháng 4. Các chỉ số đầu ra được phân tích bởi công ty tư vấn Capital Economics cho thấy nền kinh tế của khối đã có sự twang trưởng. Các báo cáo lạm phát của Đức và Tây Ban Nha cũng có thể cho thấy xu hướng tăng lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì.

Nhưng tình trạng hỗn loạn trên thị trường vào tháng 3 sau khi 1 số ngân hàng Mỹ bị đóng cửa đã không được xem là có khả năng ngăn cản ECB tăng lãi suất. Goldman Sachs dự đoán lãi suất tiền gửi của khu vực đồng euro sẽ tăng lên 3,75% vào tháng Bảy.

Các nhà đầu tư cổ phiếu vẫn lạc quan một cách thận trọng. Chỉ số STOXX 600 của châu Âu đã tăng 2% trong tháng này.

Nhưng các công ty xây dựng của Đức đang báo cáo nhiều đơn đặt hàng bị hủy và niềm tin của người tiêu dùng khu vực đồng euro đang yếu đi. Tăng trưởng mạnh mẽ trong quý đầu tiên có thể không có nghĩa là châu Âu đã thoát khỏi những khó khăn của mình.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý nhất trong tuần từ 24-28/4 - Ảnh 5.

Diễn biến chứng khoán châu Âu

Tham khảo: Refinitiv