Nhóm "giang hồ nông trường" Phú Quốc bị bắt, đối mặt khung hình phạt nào?

Admin
Nguyễn Phi Vũ, biệt danh Vũ "Công" cầm đầu nhóm "giang hồ nông trường" ở Phú Quốc và nhiều đàn em vừa bị bắt tạm giam về tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. Các đối tượng này có thể bị xử lý thế nào?

Bắt nhóm "giang hồ nông trường" ở Phú Quốc

Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, Phòng Trọng án - Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức bắt, khám xét nơi ở các đối tượng trong băng nhóm "giang hồ nông trường" Phú Quốc do Nguyễn Phi Vũ (tức Vũ "Công", ở ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương, Phú Quốc) về tội gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích.

Nhóm "giang hồ nông trường" Phú Quốc bị bắt, đối mặt khung hình phạt nào? - Ảnh 1.

Vũ "Công" cầm đầu nhóm giang hồ nông trường Phú Quốc bị công an bắt giữ - Ảnh: Công an cung cấp

Công an cũng bắt Nguyễn Trọng Vũ (tức Vũ "Bò", quê Hà Tĩnh, tạm trú Phú Quốc); Nguyễn Trọng Hải (tức Hải "Vũng Tàu" quê Bà Rịa-Vũng Tàu).

Theo cảnh sát, thời gian qua, Vũ và đồng phạm tự xem mình là nhóm "giang hồ nông trường" Phú Quốc gồm hàng chục người có tiền án, tiền sự, hoạt động liều lĩnh, gây ra nhiều vụ mất trật tự công cộng và các hành vi phạm pháp khác tại địa phương. Riêng Vũ "Công" có 2 tiền án về tội cố ý gây thương tích và trộm cắp tài sản.

Gần nhất vào khuya 18/4, đàn em của Vũ "Công" mâu thuẫn, đánh nhau với nhóm người ở xã Cửa Dương. Nghe tin, Vũ kéo hàng chục người đến tấn công nhóm đối thủ bằng ghế nhựa, vỏ chai bia gây náo loạn, dân không dám ra đường.

Vũ sau đó bị tạm giữ để điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng, hàng chục thiếu niên bị lập hồ sơ xử lý hành chính. Còn Vũ "Bò", Hải "Vũng Tàu" liên quan nhiều vụ, trong đó có vụ hỗn chiến xảy ra 4 năm trước.

Đối mặt mức án nghiêm khắc

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của các đối tượng trong vụ án này là cực kỳ hung hãn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây hoang mang và bức xúc trong dư luận.

Đây là nhóm giang hồ tự xưng gây mất an ninh trật tự trong một giai đoạn dài nên việc cơ quan điều tra Bộ Công an và Công an tỉnh Kiên Giang lên kế hoạch triệt phá là cần thiết, nhằm ổn định trật tự, xã hội ở địa phương.

Dó các đối tượng hoạt động có tổ chức, hoạt động theo băng nhóm, có nhiều tiền án, tiền sự, được phân công nhiệm vụ rõ ràng, gây ra rất nhiều vụ đâm chém, đánh nhau. Bởi vậy, cần phải bóc tách từng đối tượng để xử lý triệt để, không bỏ lọt tội phạm.

Theo luật sư Khuyên, trong vụ việc này, tội danh mà các đối tượng phải đối mặt là tội "Cố ý gây thương tích" quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.

Khung hình phạt cao nhất từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu hành vi cố ý gây thương tích dẫn tới chết 2 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

Còn đối với tội "Gây rối trật tự công cộng" quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù nếu hành vi của các đối tượng được xem là có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; tái phạm nguy hiểm.

Từ phân tích trên, vị luật sư cho rằng, trong vụ án này, có đối tượng sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích, có đối tượng sẽ bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng. Thậm chí có đối tượng sẽ bị xử lý về cả hai tội danh.

Tuy nhiên, chắc chắn các đối tượng khó thoát khỏi các tình tiết định khung tăng nặng như phạm tội có tổ chức, hành vi có tính chất côn đồ, sử dụng hung khí nguy hiểm, gây thương tích cho nhiều người.

Vì vậy, nếu bị chứng minh có tội, những người này sẽ đối mặt với khung hình phạt nghiêm khắc.