Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sắp bị tước giấy phép

Kỳ Văn
Những đơn vị bị kiểm tra đều là những doanh nghiệp có "dấu hiệu", "hiện tượng" vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu như không đảm bảo điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, buôn lậu, mua bán hóa đơn.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sắp bị tước giấy phép - Ảnh 1.

Cảnh sát phong tỏa một điểm kinh doanh của Công ty Vân Trúc tại Bình Dương

Bộ Công Thương vừa hoàn tất kiểm tra hoạt động đối với 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong đó có khoảng 4-5 doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép vì vi phạm Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Những đơn vị bị kiểm tra đều là những doanh nghiệp có "dấu hiệu", "hiện tượng" vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu như không đảm bảo điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, buôn lậu, mua bán hóa đơn.

Thậm chí, còn có trường hợp doanh nghiệp đầu mối xăng dầu buôn tài chính, sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu để huy động vốn ngân hàng, không thực hiện đúng chức năng kinh doanh xăng dầu.

Việc kiểm tra được thực hiện trong bối cảnh một số đường dây kinh doanh, sản xuất xăng giả bị triệt phá ở nhiều tỉnh, thành.

Mới đây nhất, Công an tỉnh Đồng Nai đã công bố kết quả triệt phá vụ án buôn lậu, pha chế gần 2,7 triệu lít xăng giả, mua bán trái phép hóa đơn... với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Bộ Công Thương cho biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu chịu sự điều chỉnh của nhiều cơ quan có thẩm quyền như: Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Hải quan, Cảnh sát biển và các quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Giá, Luật Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định 83….

Trong đó, Bộ Công Thương quản lý chất lượng, số lượng và pha chế xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất tiêu dùng, điều hành giá; còn các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh và chất lượng xăng dầu trên địa bàn.