Người dân trong khu phong tỏa ở TP.HCM: 'Nếu cần hãy lấy một phần'

Kỳ Văn
Trong thời gian phong tỏa chống dịch Covid-19, nhiều người ở Gò Vấp gửi tặng phần ăn miễn phí, hỗ trợ người nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Mấy cô ơi cho tui xin ổ bánh mì với chai sữa đậu nành nhé”, một phụ nữ lớn tuổi nói khi dừng lại trước tủ bánh miễn phí được đặt ở vỉa hè trước số 218 đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp).

“Vâng, chị cứ lấy ạ. Chị có túi chưa, đợi chút tôi kiếm cái túi để chị treo bánh vào xe cho tiện nha”, chị Phạm Thị Chinh (dược sĩ), một trong những người quyên góp lập ra tủ bánh, vui vẻ đáp lời.

dich o Go Vap anh 1

"Tủ bánh yêu thương" của các mạnh thường quân được đặt trên đường Lê Văn Thọ từ ngày 1/6.

Chia sẻ với Zing, chị Chinh cho hay chị và những bạn bè, người quen lập ra tủ bánh xuất phát từ sự đồng cảm với người dân lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Thời gian phong tỏa, nhiều người mất công ăn việc làm. Nhìn thấy những cô chú nhặt ve chai, bán vé số vất vả nhưng không bán được gì, không có tiền ăn khiến chúng tôi rất thương. Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình từ mọi người, tủ bánh đã giúp được rất nhiều người khó khăn. Nhiều người bạn ở quận khác nên không thể sang đây, tôi ở trong tâm dịch nên có thể góp một phần nhỏ công sức, đứng đây hỗ trợ cho người dân”.

Tủ bánh yêu thương

Hơn một tuần nay, chị Chinh bỏ cửa hàng của mình cho nhân viên để cùng những người bạn tham gia hỗ trợ người khó khăn trong mùa dịch. Ngày cao điểm, nhóm phát tặng 500 phần bánh mì, bánh bao, sữa đậu nành, trà tắc ướp lạnh…

Vừa trò chuyện với phóng viên, chị Chinh cùng hai người trong nhóm tranh thủ sắp nước vào thùng đá, đưa ra thêm bánh và cháo gói. Mỗi người dân được tặng một chiếc bánh mì và một chai sữa đậu nành miễn phí, nếu thấy người có hoàn cảnh khó khăn hơn, nhóm sẽ hỗ trợ thêm mì gói, cháo gói, sữa.

Tùy thuộc vào số tiền quyên góp được, nhóm sẽ tính toán và cân đối để tăng lượng bánh, nước phát mỗi ngày. Bên cạnh đồ ăn, nhóm tặng thêm sữa cho các em nhỏ.

Ngoài tủ bánh được đặt cố định trên đường Lê Văn Thọ, nhóm còn mang bánh gửi cho cán bộ công an và tình nguyện viên đang làm việc tại các chốt trực phong tỏa trên địa bàn.

Tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng với nhiều ca nhiễm được ghi nhận tại Gò Vấp nói riêng và toàn thành phố nói chung khiến chị Chinh có phần lo lắng.

Nhóm không phát đồ vào khung giờ cố định để tránh tụ tập đông người. Tủ được đặt cả ngày để bất kỳ ai đi qua cũng có thể ghé vào lấy.

Khi phát bánh, chị Chinh và các thành viên trong nhóm luôn đeo khẩu trang, tấm chống giọt bắn, găng tay cao su, chuẩn bị sẵn chai nước rửa tay để mọi người sử dụng.

“Từ khi những bức hình phát bánh mì và sữa miễn phí được đăng tải trên Facebook, nhiều nhà hảo tâm khác cũng ngỏ ý đóng góp cho tủ bánh mì yêu thương. Những ngày tiếp theo, chúng tôi dự định sẽ mua thêm khoai lang, từ chiến dịch giải cứu nông sản Đồng Tháp, để phục vụ cho bà con”.

Phát 8 tấn khoai lang miễn phí

Từ ngày 5/6 , vợ chồng anh Đạt - chị Nga (chủ hiệu thuốc trên đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp) cùng một số anh em trong gia đình và chủ các nhà thuốc khác đã quyên góp tiền để mua khoai lang phát miễn phí cho người dân trong khu vực.

“Chúng tôi phát trong 4 ngày, tổng cộng 8 tấn khoai lang. Chúng tôi gọi đây là những 'phần khoai tình nghĩa', bởi không chỉ để chia sẻ với người dân trong mùa dịch mà còn để ủng hộ giải cứu nông sản cho bà con nông dân miền Tây”, anh Đạt nói với Zing.

Vì yêu cầu hạn chế đi lại để phòng dịch nên nhóm của anh Đạt chỉ phát tặng cho những người dân ở gần nhà.

“Sợ tập trung đông người nên chúng tôi chia sẵn khoai vào từng túi riêng, khuyến khích mọi người tới nhận và rời đi nhanh chóng, luôn đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc với nhau để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh. Không cần phải khó khăn, bất cứ ai có nhu cầu đều được nhận”.

Khi quận Gò Vấp phải thực hiện lệnh phong tỏa, hoạt động kinh doanh của gia đình anh Đạt cũng gặp khó khăn.

“Xung quanh nhà tôi có một vài ca F1, F2 nhưng tình hình không căng thẳng như một số nơi khác trong quận. Tuy nhiên, vì phải thực hiện chỉ thị 16 nên nhiều người dân người gặp hạn chế trong công việc, những gia đình lao động chân tay không đủ điều kiện, khó khăn hơn trong thời điểm này”.

Nằm trong khu vực dịch bùng phát mạnh, anh Tâm cùng gia đình cố gắng giữ tinh thần thoải mái, thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến dịch bệnh và các quy định từ cơ quan chức năng, không chủ quan, lơ là.