Người chăn nuôi lợn đang "khóc dở, mếu dở"

Kỳ Văn
Giá thịt lợn mỗi ngày một giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn "leo thang". Người chăn nuôi đang trong tình cảnh "khóc dở, mếu dở".

Theo thống kê về giá lợn hơi ở một số tỉnh từ Thanh Hóa vào đến Quảng Nam ngày 17/10, mức giá phổ biến từ 37.000 đến 39.000 đồng/kg. Tại một số tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi phổ biến từ 36.000 đồng đến 38.000 đồng/kg. Thậm chí, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc chỉ còn 35.000 đồng/kg. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá quá thấp khiến bà con chăn nuôi cầm chừng chưa dám bán vì sợ lỗ. Thậm chí, nhiều bà con gặp phải khó khăn chồng chất khó khăn khi đại lý thức ăn gia súc đã ngừng bán chịu do lo sợ không thu hồi được nợ.

Người chăn nuôi lợn đang khóc dở, mếu dở - Ảnh 1.

Giá lợn hơi giảm mạnh trong những ngày gần đây. (Ảnh minh họa: )

Người chăn nuôi thua lỗ vì giá lợn xuống thấp

Với giá lợn hơi thấp như vậy, nhiều hộ chăn nuôi phải tận dụng rau củ cho lợn ăn để bớt tiền cám. Tuy nhiên, làm như vậy thì mỗi con tính nhanh đã lỗ gần 1 triệu đồng. Nuôi không được mà bán cũng chẳng đành.

Những ngày này, anh Ngô Văn Dần, xã Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội đứng ngồi không yên. 15 năm chăn nuôi lợn, chưa năm nào anh thấy khó khăn như năm nay. Mới tuần trước anh đã phải chịu lỗ khi xuất bán 20 con lợn với giá 45.000đ/kg, 30 con còn lại cố chờ xem giá có lên không, vậy mà tuần này thương lái chỉ trả giá 35.000đ/kg. Với giá đó, dù đã tận dụng rau củ cho lợn ăn để bớt tiền cám thì mỗi con tính nhanh đã lỗ ngót nghét 1 triệu đồng, nuôi không được mà bán cũng chẳng đành.

Anh Ngô Văn Dần nói: "Tôi có muốn bán, đang muốn bán nhưng giá thành chưa đáp ứng với chi phí bỏ ra nên đành phải chăn thêm xem giá có lên không bởi vì cám quá cao, giá thịt lại thấp nên đang lỗ nhiều quá. Chắc tôi phải gọi thương lái đến bán vì càng chờ càng mất giá".

Bây giờ thì không biết tính đường nào cả, chỉ mong làm sao giá thị trường nó lên, giá thức ăn chăn nuôi giảm để cho đầu ra tốt hơn. Vấn đề cơ bản nhất là đầu ra tốt thì người chăn nuôi mới đỡ vất vả chứ còn như thế này vất vả quá, quá khổ.

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, xã Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội, cho biết: "Thịt ế thừa, giá lại giảm, mà vẫn cho nhập khẩu thịt lợn. Người chăn nuôi khó khăn chồng chất khó khăn".

Theo Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc - miền Trung, giá lợn hơi sẽ còn nhiều biến động và dự báo có thể tiếp tục giảm sâu. Nếu giá tiếp tục giảm, người chăn nuôi sẽ thua lỗ nặng bởi ở thời điểm hiện tại, phải bán được mức giá khoảng 60.000đ/kg thì người nuôi mới hòa vốn.

Giá thịt lợn ở chợ dân sinh vẫn ở mức cao

Người chăn nuôi lợn đang khóc dở, mếu dở - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Ảnh: NLĐ

Có một nghịch lý là dù giá lợn hơi đã giảm gần 50% trong 3 - 4 tháng qua, nhưng giá thịt đến tay người tiêu dùng vẫn gần như đứng nguyên. Tại các chợ dân sinh, giá lợn dao động từ 80.000-90.000đ/kg tùy loại, tuy nhiên người bán vẫn cho đây là một mức giá hợp lý bởi bản thân họ cũng phải trả nhiều chi phí để bán được thịt đến tay người dân.

Theo Cục Chăn nuôi, sở dĩ có sự chênh lệch cao giữa giá lợn hơi khi xuất bán và thịt được bán ở chợ, trong siêu thị là bởi chi phí trung gian quá nhiều và do dịch bệnh đã phát sinh thêm nhiều loại chi phí khác. Trong khi người chăn nuôi đang thua lỗ nặng, cứ mỗi con lợn bán ra, người nuôi lỗ khoảng 1-1,5 triệu đồng, thì người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá đắt. Càng nghịch lý hơn khi nguồn cung trong nước đang dư thừa thì vẫn có hàng nghìn con lợn được nhập khẩu mỗi ngày.

Với ảnh hưởng của dịch COVID 19 trong thời gian dài, ngành chăn nuôi thua lỗ chủ yếu là do lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy... Đến thời điểm này, kịch bản chống dịch đã sang giai đoạn thích ứng linh hoạt đến từng địa phương, cấp cơ sở, ngay lúc này các địa phương khi đã xác định được các vùng an toàn thì cần sớm có giải pháp tạo thuận lợi lưu thông tiêu thụ cho bà con chăn nuôi.