Ngày mai 24/3, sẽ có 1,2 tỷ cổ phiếu SeABank đổ bộ sàn HoSE

Kỳ Văn
Theo kế hoạch, 1,2 tỷ cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) sẽ chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) từ ngày 24/3.

Cụ thể, hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB của ngân hàng SeABank đã có hiệu lực niêm yết trên HoSE ngày 3/12/2020 và sẽ chính thức giao dịch từ ngày 24/3. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 16.800 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% giá tham chiếu.

Ngày mai 24/3, sẽ có 1,2 tỷ cổ phiếu SeABank đổ bộ sàn HoSE - Ảnh 1.

Hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB của Ngân hàng SeABank sẽ chính thức giao dịch trên sàn HoSE từ ngày 24/3/2021, với giá tham chiếu 16.800 đồng/ cổ phiếu.

Việc cổ phiếu SSB niêm yết ở thời điểm hiện tại được đánh giá là khá thuận lợi, khi VN-Index vừa thiết lập kỷ lục trên 1.200 điểm hôm 18/3 vừa qua, đồng thời cổ phiếu ngân hàng liên tục đi lên và phá đỉnh những ngày gần đây.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 17/3, cổ phiếu CTG, VIB, STB đều tăng trên 3,7% cùng khối lượng giao dịch đột biến. Trong khi đó, 7 trong số 10 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho thị trường thuộc rổ ngân hàng, dẫn đầu là CTG khi tăng 4,9% lên 39.550 đồng/ cổ phiếu và thanh khoản xấp xỉ 920 tỷ đồng. Các cổ phiếu còn lại trong danh sách này là BID, VIB, CTB, STB, HDB, MBB, cũng là những mã có biên độ dao động giá trên 2%, trong khi những mã khác chỉ tăng khoảng 0,1-1,4%.

Đại diện SSB nhận định, cổ phiếu ngân hàng thu hút nhà đầu tư một phần vì tỷ lệ chia cổ tức và triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng. Với riêng SSB, hoạt động kinh doanh có nhiều triển vọng trong tương lai. SSB đã giảm dần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động tín dụng truyền thống sang thu nhập từ các hoạt động, dịch vụ như: ngân hàng số, kênh bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng), thu phí dịch vụ ngân hàng, thu thuần ngoại hối... để giảm đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực rủi ro cao.

Một lợi thế khác đến từ việc SSB đã hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng vào tháng 12/2020. Việc tăng vốn điều lệ nằm trong kế hoạch phát triển trở thành ngân hàng bán lẻ được yêu thích nhất của SSB. Mặt khác, vốn điều lệ mới giúp SSB tăng năng lực tài chính và mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ. Với vốn điều lệ mới này, SSB nằm trong nhóm 13 ngân hàng TMCP có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Và mới đây nhất, trong báo cáo đánh giá định kỳ năm 2021, Moody’s đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng Nhà phát hành và Tiền gửi nội tệ & ngoại tệ dài hạn của SSB lên mức "ổn định". Bên cạnh đó, các xếp hạng đánh giá Tín dụng cơ sở (BCA), BCA điều chỉnh, Đánh giá rủi ro đối tác (CRA) và Xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) tiếp tục được giữ nguyên trong đợt điều chỉnh này. Như vậy, SSB tiếp tục được Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm mức B1 năm thứ 3 liên tiếp.

Về hoạt động kinh doanh, kết thúc năm tài chính 2020, SSB đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh được đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông hồi đầu năm và có mức tăng trưởng ấn tượng so với năm 2019. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.729 tỷ đồng, tăng 24%, hoàn thành 115% kế hoạch năm 2020.

Tổng tài sản đạt 180.207 tỷ đồng, tăng 14,5%; Tổng dư nợ thị trường 1 đạt 108.869 tỷ đồng, tăng 10,5%; Tổng huy động thị trường 1 đạt 113.276 tỷ đồng tăng 18%; Doanh thu thuần ngoài lãi đạt 1.522 tỷ đồng; Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 47,5%; Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) lần lượt là 0,81% và 11,06%; Tỷ lệ nợ xấu là 1,86%.

"Năm 2021, chúng tôi dự kiến tăng trưởng tài sản 10% và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 39,6% so với năm 2020, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát theo quy định nhỏ hơn 3%. Tốc độ tăng trưởng ổn định cũng như sự hoàn thiện về mô hình tổ chức, chiến lược hoạt động theo hướng hội tụ số là điều kiện tạo nên sức hấp dẫn của cổ phiếu SSB". Đại diện SSB cho biết.

Như vậy, với sự đổ bộ 1,2 tỷ cổ phiếu SBB vào ngày mai, HoSE đã đón nhận một lượng khủng cổ phiếu ngành ngân hàng trong những tháng cuối năm 2020 và đầu 2021. Đặc biệt, từ đầu 2021 đến nay, dù nghẽn lệnh, cổ phiếu ngân hàng từ OCB, MSB, BAB đến SSB vẫn tấp nập lên sàn chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng. Và với một thị trường vẫn đang còn được đánh giá tuy có sự do dự song tràn đầy háo hức khi đã vừa test ngưỡng cao nhất 3 năm, nhiều nhà đầu tư vẫn đang kì vọng kịch bản "tăng giá bằng lần" đã diễn ra với những cổ phiếu "nóng", trong đó có cả cổ phiếu ngân hàng, sẽ lặp lại.

Tuy nhiên, cũng do chính cổ phiếu ngân hàng nói chung đã có mức tăng khá cao trong năm qua, chuyên gia Phan Dũng Khánh nhận định điều này có thể khiến ngành này khó tăng trưởng giá mạnh hơn nữa trong 2021. SBB liệu có làm nên chuyện ở HoSE?