Một tuần vừa tiêm vaccine vừa rút kinh nghiệm của TP.HCM

Kỳ Văn
Chiến dịch tiêm thần tốc 800.000 liều vaccine Covid-19 của TP.HCM xuất hiện các vấn đề ngoài dự tính. TP rút ra được nhiều kinh nghiệm từ công tác tổ chức tiêm chủng.

26/6 dự kiến là ngày hoàn tất đợt tiêm vaccine Covid-19 lần thứ 4 của TP.HCM với hơn 800.000 liều. Đa số người được tiêm là lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân sự làm ngành nghề thiết yếu, tiếp xúc nhiều người như nhân viên xăng dầu, tiểu thương, công nhân, nhân viên điện lực...

"Trong quá trình triển khai thực hiện thế nào cũng có chỗ này chỗ kia, không tránh được. Rút kinh nghiệm từ đợt tiêm chủng thứ 4 này, chúng ta sẽ có những đợt sau tốt hơn", ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM nói.

Khối lượng công việc khổng lồ

Khi mở màn chiến dịch tiêm 800.000 liều vaccine Covid-19, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thành phố với tốc độ triển khai thần tốc trong 7 ngày, dự kiến hoàn tất trước 27/6.

Ông Hưng cho biết thành phố sẽ tổ chức 650 điểm tiêm trong cộng đồng tại các trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm lưu động.

Để đảm bảo giãn cách, mỗi điểm tiêm chỉ thực hiện cho 200 người/ngày. Nếu thực hiện đúng tiến độ, trong một ngày, khoảng 200.000 người sẽ được tiêm chủng.

TP.HCM chong Covid-19 anh 1

Lực lượng nhân viên y tế của VNVC tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine của TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Trao đổi với Zing, thiếu tướng, GS.TS Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện Quân y, nhận định TP.HCM hay bất cứ tỉnh thành nào cũng đều có hệ thống y tế dự phòng với các nhân lực từ tuyến quận huyện xuống đến xã phường được phân công phụ trách lĩnh vực tiêm chủng.

"Nhưng hệ thống tiêm chủng này rất nhỏ, hàng ngày chỉ tiêm được ít thôi, cần tiêm số lượng lớn như TP.HCM vừa qua thì không đảm bảo đủ được", GS.TS Hoàng Văn Lương nhận định.

Do đó, các công ty tiêm chủng đã vào cuộc để hỗ trợ nhân lực cho thành phố. Sáng 19/6, Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) đã tổ chức lễ xuất quân cho 350 nhân viên y tế tham gia chiến dịch tiêm chủng tại Sân vận động Quân khu 7 (quận Tân Bình).

Cùng với nhân lực của VNVC, khoảng 5.000 nhân viên y tế đã được huy động từ 547 bệnh viện tuyến trung ương và của TP. Họ được tập huấn nhanh và bố trí thành 1.032 đội tiêm phục vụ chiến dịch.

Khởi động chậm, phát sinh nguy cơ từ đám đông

Trong một chiến dịch tiêm vaccine được đánh giá là lớn chưa từng có, nhiều mục tiêu dự kiến của ngành y tế TP.HCM chưa đạt được.

Chia sẻ với báo chí ngày 25/6, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận trong ngày đầu tiên mở màn chiến dịch (19/6), toàn thành phố chỉ tiêm được 877 người. Ngày 20/6, TP thiết lập thêm các điểm và tiêm 5.740 người.

TP.HCM chong Covid-19 anh 2

Hàng nghìn người tập trung tại nhà thi đấu Phú Thọ khiến việc giãn cách không đảm bảo. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đến 23/6, tốc độ tiêm vaccine nâng lên 122.280 liều. Ngày 24/6, với sự hỗ trợ tổng lực của Trung ương và thành phố, tổng số liều tiêm là 172.930.

Như vậy, công suất tiêm mỗi ngày qua đều chưa đạt 200.000 liều như dự kiến ban đầu của Sở Y tế.

Sau 6 ngày, TP đã giải quyết được 438.000 liều vaccine trong tổng số hơn 800.000 liều dự kiến.

TP.HCM ban đầu dự kiến mỗi điểm tiêm chỉ phục vụ 200 người/ngày để đảm bảo giãn cách. Tuy nhiên, một điểm tiêm công suất 8.000 người/ngày đã được bố trí ở nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11). Cách vận hành điểm tiêm đồng thời dấy lên lo ngại khi không thể đảm bảo được việc giãn cách phòng dịch. Đại diện chính quyền TP.HCM cho biết sáng 25/6, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đã đến nhà thi đấu này để đánh giá tình hình.

Ở góc nhìn của chuyên gia y tế, GS Hoàng Văn Lương nhận định việc bố trí điểm tiêm chủng quy mô lớn như nhà thi đấu Phú Thọ là có tính toán trong bối cảnh nhân sự có hạn và thời gian gấp rút.

Ông giải thích khi tập trung tại một điểm, lực lượng y tế có thể triển khai nhiều đội tiêm mà chỉ cần số lượng đội cấp cứu hạn chế.

"Chia ra nhiều điểm tiêm chủng nhỏ có cái dở là chỗ nào cũng phải có đội cấp cứu. Thậm chí nếu chỉ có một tổ tiêm cũng phải duy trì một đội cấp cứu với xe cứu thương và 2, 3 bác sĩ, quá lãng phí người", GS Lương phân tích.

Ngày 24/6, Bộ Y tế hỗ trợ thành phố 200 bác sĩ tham gia khám sàng lọc, cấp cứu. Công suất tiêm vaccine cũng tăng vượt trội kể từ ngày này.

Thừa nhận những ngày đầu "chuệch choạc", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định việc tiêm vaccine đang được đẩy nhanh và sẽ hoàn thành tiêm 800.000 liều trong ngày 26/6.

Ông Bỉnh cho rằng thành phố sẽ thực hiện được kỳ vọng đúng như dự kiến, sau khi có sự điều phối chặt chẽ, quản lý người đến tiêm theo khung giờ.