Mất trắng bởi app kiếm tiền (*): Cạm bẫy khắp nơi

Kỳ Văn
Các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, đầu tư tiền vẫn công khai chào mời dù không được pháp luật thừa nhận.

Sau khi đăng tải thông tin Coolcat, ứng dụng (app)/website kiếm tiền online cam kết bảo hiểm 100% vốn, bất ngờ bị sập khiến người chơi mất rất nhiều tiền, Báo Người Lao Động nhận được phản ánh của chị Mai (quận 12, TP HCM) về việc chị bị mất hơn 235 triệu đồng vì bị dụ đầu tư tiền, chứng khoán quốc tế trên sàn swissmes.com.

Chơi thử thì lời, chơi thật lại thua

Theo chị Mai, đầu tháng 4, chị được một người tên Hùng - nhân viên sàn chứng khoán swissmes.com - chào mời và hướng dẫn chị tải app MT5 để chơi thử chứng khoán quốc tế. Tiếp đến, Hùng đưa chị Mai vào nhóm Zalo gồm 90 thành viên, trong đó có một chuyên gia chứng khoán chuyên hướng dẫn họ mua bán chứng khoán quốc tế.

Sau 2 tuần chơi thử và thắng lớn, chị Mai được Hùng mời chơi thật theo gói đầu tư 10.000 USD được tặng thêm 5.000 USD và miễn phí lưu giữ tài khoản qua đêm. Tính ra, tổng số tiền trong tài khoản của người chơi là 15.000 USD nên chị Mai quyết định tham gia. Hùng cho biết tỉ lệ quy đổi 1 USD = 23.500 đồng rồi cung cấp số tài khoản ngân hàng để chị Mai chuyển vào 235 triệu đồng tiền "đầu tư".

photo-1-1619049896116170980227-1619054180.jpg
Hình ảnh Coolcat dùng để quảng bá về việc mở văn phòng giao dịch tại TP HCM. Ảnh dưới: Các gói đầu tư của Coolcat. (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Ngay sau đó, một người tên Quyết tự xưng là chuyên gia của sàn swissmes.com liên hệ hướng dẫn chị Mai mua - bán một số cổ phiếu quốc tế và giao dịch ngoại hối (Forex) gồm nhiều cặp tiền tệ, hàng hóa quốc tế như USD/euro, USD/yen (Nhật), USD/oil (dầu thô)... Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày, tài khoản của chị đã tiêu tan hơn 13.000 USD. Chị liên hệ với Quyết để hỏi lý do thì người này cho biết các lệnh mua - bán cặp tiền USD với đồng tiền của Hy Lạp bị lỗ. Quyết đề nghị chị Mai nộp thêm 500 triệu đồng để tiếp tục giao dịch nhằm gỡ lại số tiền đã mất.

Ngày 17-4, Quyết lại đưa ra 3 phương án khác. Theo đó, chị Mai nộp thêm vào tài khoản 39.000 USD, chủ sàn sẽ bảo đảm 100% giao dịch có lợi nhuận; nộp 26.000 USD sẽ được bảo đảm 70% giao dịch có lợi nhuận; còn nếu nộp 13.000 USD thì 50-50, nghĩa là chị Mai có thể bị mất hết tiền trong tài khoản hoặc chỉ có 50% giao dịch có lợi nhuận.

Biết mình "dính chưởng", chị Mai lên nhóm Zalo tố cáo sàn chứng khoán swissmes.com lừa đảo. Lập tức, chị bị quản trị viên nhóm Zalo này loại ra khỏi nhóm.

Ngày 19-4, một phụ nữ tự xưng là nhân viên quản lý cấp cao của swissmes.com liên hệ chị Mai với mục đích hỗ trợ phục hồi tài khoản theo 3 phương án nói trên. Tuy nhiên, khi chị hỏi trụ sở của swissmes.com ở đâu thì người này cho biết swissmes.com có văn phòng giao dịch tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM nhưng không cho biết địa chỉ cụ thể.

Để tìm hiểu dòng tiền của nhà đầu tư chơi cổ phiếu qua sàn swissmes.com, thông qua Internet Banking, phóng viên Báo Người Lao Động nhập số tài khoản ngân hàng mà nhân viên swissmes.com cung cấp cho chị Mai khi chị nộp tiền để giao dịch. Theo đó, chủ tài khoản là Công ty TNHH Thương mại điện tử Paymentx, thành lập vào ngày 9-3-2021, ngành nghề kinh doanh chính là quảng cáo, có địa chỉ tại số 3 đường 9A, phường Long Bình, TP Thủ Đức, TP HCM.

Tuy nhiên, trên website swissmes.com lại giới thiệu sàn này đặt dưới sử quản lý và chịu sự điều chỉnh pháp luật Saint-Vincent and the Grenadines, một đảo quốc nằm ở vùng biển Caribê (châu Mỹ), dân số khoảng 100.000 người. Chức năng chính của sàn là cung cấp dịch vụ giao dịch cổ phiếu quốc tế lẫn Forex.

Ngày 21-4, chúng tôi ngỏ ý chơi cổ phiếu quốc tế với một nhân viên của sàn chứng khoán swissmes.com. Người này hứa hẹn hôm nay (22-4) sẽ gọi điện tư vấn cho chúng tôi cách thức giao dịch cổ phiếu nước ngoài, đồng thời cho biết sàn hiện vẫn giao dịch bình thường.

Thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng

Trở lại sự việc sàn Coolcat vừa sập gần đây, theo tìm hiểu của phóng viên, số lượng nhà đầu tư bị lừa ước tính lên tới khoảng 65.000 người (dựa vào số ID của người chơi), thiệt hại lên tới vài ngàn tỉ đồng.

Vụ việc bắt đầu vào khoảng 21 giờ ngày 16-4, các nhà đầu tư không thể truy cập vào trang https://app.coolcatapp.vip/ của Coolcat, các giáo viên tuyến trên cũng không liên lạc được, lúc này mọi người chắc chắn Coolcat đã sập.

Chị Nga (ngụ TP HCM), một người kiếm tiền online qua sàn Coolcat, cho biết đang "ngồi trên lửa" khi mất hơn 300 triệu đồng vào sàn này sau hơn 2 tháng "đầu tư". "Tôi đã lấy lại vốn nhưng quyết định tái đầu tư rồi giờ sàn sập, mất trắng. Một số người thân, bạn bè thấy tôi kiếm được tiền nên tham gia theo, giờ cũng mất hết. Chỉ tính riêng nhóm nhà đầu tư tôi tham gia trên Zalo hơn chục thành viên đã mất tổng cộng trên 50 tỉ đồng, cho thấy số lượng nhà đầu tư bị mất tiền là rất lớn" - chị Nga kể.

Sau khi sàn Coolcat không thể truy cập, hàng loạt nhà đầu tư ở khắp nơi mới tá hỏa, rất nhiều người đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan điều tra ở TP HCM với hy vọng lấy lại được tiền.

Theo đơn tố cáo, thông qua website quảng cáo hình thức kiếm tiền online https://www.coolcat.com.vn và https://coolcatvietnam.com (các trang này hiện không thể truy cập), khi người chơi nộp tiền và tham gia chơi trên thị trường giao dịch Bitcoin (vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần) và thị trường XAU (giá vàng quốc tế) từ thứ hai tới thứ sáu, mỗi ngày sẽ hưởng lãi trung bình 2%, tương ứng với số tiền đầu tư theo các gói bảo hiểm định sẵn.

Người tham gia chơi bằng cách dự đoán giá lên hoặc xuống của Bitcoin hoặc XAU. Nếu dự đoán đúng, người chơi sẽ được lãi 73% trên số tiền đã đặt lệnh, nếu dự đoán sai sẽ bị mất số tiền đầu tư.

Mỗi ngày, người chơi sẽ được giao dịch từ 11-16 lệnh (nếu không bị khai báo bảo hiểm). Nếu người tham gia bị thua liên tiếp 6 lệnh phải khai báo bảo hiểm, lệnh thứ 7 sẽ được chuyên gia của Coolcat giao dịch, nếu lệnh số 7 cũng thua, sàn sẽ hoàn lại số vốn đã bị thua bằng hình thức bảo hiểm vốn.

Theo quảng cáo quy định của Coolcat về lợi nhuận khi đầu tư hợp đồng bảo hiểm, nhà đầu tư nhận được 73%, công ty bảo hiểm được 14%, nhà phân tích được 10% và công ty Coolcat được 3%. Coolcat sẽ lấy số tiền tích lũy ở mỗi lệnh giao dịch trước đó để trả bảo hiểm cho nhà đầu tư thua từ lệnh 1 đến lệnh 7. Việc hoàn trả bảo hiểm được tự động trong ngày.

Nhưng để được tham gia giao dịch có bảo hiểm 100% vốn, nhà đầu tư phải bỏ ra một số tiền đầu tư để đạt được một cấp độ trong các gói bảo hiểm mà Coolcat đưa ra. "Do cả tin, nghĩ rằng có bảo hiểm nên tôi đã thử bằng tài khoản demo và thấy việc thực hiện giao dịch rất đơn giản, không cần phải phân tích thị trường. Tôi đã mở tài khoản, có mã ID và nạp tiền cho gói bảo hiểm. Sau khi đăng ký và tham gia chơi mỗi ngày, tôi có lãi đều đặn khoảng 2%/ngày và số tiền lãi rút được về tài khoản ngân hàng nên tôi đặt niềm tin hoàn toàn vào Coolcat. Sau đó, tôi có nâng cấp tài khoản và mở thêm một số tài khoản mới để mong kiếm thêm thu nhập. Nhưng không ngờ sàn bị sập khiến tôi mất trắng" - một nhà đầu tư viết trong đơn tố cáo.

Đáng lưu ý, để tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, sàn giao dịch này còn tổ chức sự kiện quảng bá ra mắt Coolcat ở Việt Nam vào cuối năm 2020 tại một khách sạn 5 sao tại TP HCM, rồi hình ảnh về việc sẽ mở văn phòng đại diện tại TP HCM...

99% là lừa đảo

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho biết các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế được quảng cáo, hoạt động mời gọi nhà đầu tư ở Việt Nam đều không được phép. Do đó, rủi ro cho nhà đầu tư tham gia là rất lớn. Những nhà đầu tư tham gia, chuyển tiền thực chất là tới tài khoản của công ty mở sàn trái phép, không có sự quản lý của nhà nước nên trong trường hợp bị sập hoặc lừa đảo, sẽ không được ai bảo vệ. "Với những sàn này, việc chuyển tiền, rút tiền của nhà đầu tư trong quá trình giao dịch phụ thuộc rất lớn vào chủ sàn, rủi ro mất tiền là rất cao. Thời gian đầu để mời gọi, dụ dỗ, các sàn sẽ cho người chơi thắng, chuyển tiền lời đều đặn nhưng khi đã sập thì khả năng đòi lại là rất khó" - TS Đinh Thế Hiển nói.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh phân tích nếu vài năm trước, để mở một sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán quốc tế tốn khoảng 50.000 USD thì nay chỉ cần vài ngàn USD. Thậm chí có người chào mời mở sàn với 1.000 USD hoặc "mở sỉ", tức có thể mở một lúc nhiều sàn, trong trường hợp sập sàn này sẽ có ngay sàn khác cùng cách thức hoạt động. "Rất khó để phân biệt sàn giao dịch nào của nước ngoài và sàn nào chỉ mở tại Việt Nam nhưng vẫn có một số dấu hiệu để nhận biết một sàn giao dịch có dấu hiệu lừa đảo. Nhà đầu tư có thể xem xét để không bị lừa như hỏi về giấy phép hoạt động, giấy phép hoạt động về tài chính do cơ quan quản lý về tài chính ở nước ngoài cấp... thì các nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể phân biệt được. Tất cả hứa hẹn lợi nhuận cao hơn 3 lần lãi suất ngân hàng thì 99% là lừa đảo. Và những sàn có lịch sử hoạt động dưới 1 năm, thể hiện trên trang web thời điểm thành lập hoặc app mới đăng ký chưa được 1 năm, khả năng lừa đảo rất cao" - ông Phan Dũng Khánh cảnh báo.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cũng khẳng định các sàn Forex lẫn sàn chứng khoán quốc tế đang chào mời và hoạt động tại Việt Nam đều là bất hợp pháp. Đây là hoạt động rất rủi ro vì tổ chức và cá nhân phải đối mặt việc chủ sàn có thể can thiệp vào quá trình giao dịch theo hướng có lợi cho họ. Mặt khác, đây là hoạt động vi phạm pháp luật nên người dân không nên tham gia.

4 yếu tố để tránh rơi vào bẫy

Doanh nhân Lâm Minh Chánh - Giám đốc Trường Quản trị Kinh doanh BizUni, tác giả sách "Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam", người đã liên tục đưa ra những cảnh báo giúp nhà đầu tư nhận diện những lừa đảo, đầu tư đa cấp như đầu tư One Coin, Skyway, Alibaba, MyAladdinz... - khuyên người dân, nhà đầu tư nên xem xét kỹ 4 yếu tố để tránh rơi vào cạm bẫy của đa cấp tài chính, đầu tư lừa đảo.

Thứ nhất, cần kiểm tra tính pháp lý. Nhà đầu tư phải hỏi, phải kiểm tra xem ứng dụng hay chương trình thuộc doanh nghiệp nào? Đăng ký kinh doanh ở nước nào? Có đăng ký tại Việt Nam không? Doanh nghiệp có tài khoản ngân hàng? Có ký hợp đồng với khách hàng không? Nếu không có những yếu tố này thì nhà đầu tư không được pháp luật bảo vệ.

Thứ hai, kiểm tra uy tín của doanh nghiệp. Công ty được thành lập bởi ai? Uy tín của họ thế nào? Nhà đầu tư không thể đưa tiền bạc của mình cho những doanh nghiệp, những cá nhân không có uy tín.

Thứ ba, mặc kệ cho những người mời chào nói ngon ngọt về lợi nhuận, nhà đầu tư phải tìm hiểu cho rõ cách hệ thống vận hành, cách nó tạo ra tiền. Ví dụ, ngân hàng lấy tiền người gửi để đem đi cho vay hay cổ phiếu thì doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả sẽ đem lại lợi nhuận cho cổ đông và giá cổ phiếu tăng.

Thứ tư, tránh xa những đầu tư cam kết lợi nhuận cao. Các chương trình lừa đảo thường đưa ra các cam kết mức lãi suất cao, thậm chí có những ứng dụng cam kết 30%-50% lãi suất. Đây hoàn toàn là những lời hứa bịa đặt nhằm đánh vào lòng tham của người dùng.

Trong đầu tư tài chính có câu nói "Không bao giờ có một bữa trưa miễn phí". Vì thế những mô hình đầu tư tài chính cam kết lãi suất cao một cách phi lý chính là lừa đảo.