Loay hoay với các kênh đầu tư

Kỳ Văn
Chứng khoán giảm mạnh, bất động sản giá quá cao, vàng có xu hướng giảm khiến những người có tiền nhàn rỗi "đau đầu" khi tìm kênh đầu tư sinh lời

Sau khi lao dốc suốt tháng 4, đến nửa đầu tháng 5, thị trường chứng khoán vẫn chưa kết thúc đà giảm và tạo "đáy" khiến những nhà đầu tư cá nhân như "ngồi trên lửa". Nhiều người muốn bỏ chứng khoán để chuyển sang các kênh đầu tư khác nhưng nhìn đâu cũng thấy rủi ro.

"Gồng lỗ" chứng khoán

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 13-5, VN-Index chỉ còn 1.182 điểm, tức đã giảm hơn 22% so với mức đỉnh 1.530 điểm từng lập được hồi tháng 3. Trên thị trường, rất nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ tới 40%-50%, đặc biệt có những người mua nhầm cổ phiếu đầu cơ hoặc dùng đòn bẩy tài chính (margin) cao có thể lỗ tới 60%-70% hoặc mất trắng số tiền đầu tư.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank, nhận định xu hướng ngắn hạn, trung hạn của thị trường vẫn xấu. "Đợt giảm điểm vừa qua chỉ mới kéo dài khoảng 1 tháng rưỡi nhưng rất nhiều người đã "bay" mấy cái "sổ đỏ", tài khoản mất cả gốc lẫn lãi. Nhiều nhà đầu tư vẫn cố "gồng lỗ" chờ thị trường hồi phục, nạp tiền vào gánh margin nhưng nếu tiếp tục giảm về dài hạn sẽ khó hơn. Nhà đầu tư cá nhân là bệ đỡ cho thị trường 2 năm qua giờ cũng đã bán ròng. Thị trường cần thêm chiết khấu để đi vào vùng tích lũy, còn tăng ngay thì rất khó" - ông Khánh nói.

Loay hoay với các kênh đầu tư - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán và các kênh đầu tư sinh lời đều có nhiều rủi ro khiến các nhà đầu tư cá nhân lo lắng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trên nhiều diễn đàn, những nhà môi giới kỳ cựu của các công ty chứng khoán cũng bày tỏ sự giật mình trước đà giảm không có nhịp hồi của thị trường, đúng nghĩa "lao dốc không phanh"… và khuyên nhà đầu tư nên đứng ngoài trong giai đoạn này.

Lo rủi ro với vàng, nhà đất

Kênh đầu tư vàng được xem là khá an toàn trong giai đoạn khó khăn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá vàng SJC ngày cuối tuần 15-5 tiếp tục rớt xuống - còn 69,5 triệu đồng/lượng, giảm gần 5 triệu đồng so với mức đỉnh 74 triệu đồng. Những người đầu tư vàng cách đây vài tháng đang cầm chắc lỗ nặng.

Trên một số diễn đàn kinh doanh vàng, nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo ngại giá vàng SJC có thể tiếp tục giảm trong bối cảnh giá vàng thế giới quy đổi chỉ tương đương khoảng 50,7 triệu đồng/lượng. Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư không dám "cầm" vàng vì sợ "bỏng tay". Anh Hoàng Quân (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết sau khi cắt lỗ khoảng 700 triệu đồng trên thị trường chứng khoán, anh chưa dám bỏ tiền vào đâu để sinh lời vì kênh nào cũng khó. "Với số tiền còn lại, mua đất cũng không đủ vì đã tăng quá cao, nếu mua được cũng không dễ bán, chưa kể gần đây nhà nước đang siết chặt các dòng vốn vào bất động sản. Còn đầu tư vàng lại càng rủi ro vì xu hướng vàng thế giới đang giảm" - anh Quân nói.

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển phân tích trong năm nay, 3/4 yếu tố vốn lành mạnh cho thị trường bất động sản (tín dụng ngân hàng, nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp bất động sản) đều giảm mạnh, chỉ còn lại dòng vốn từ các công ty nước ngoài. Họ vào mua bán, sáp nhập những dự án tốt trong trung hạn hoặc tìm thuê đất ở các khu công nghiệp, giúp phân khúc bất động sản công nghiệp tăng trưởng. "Nguồn vốn ngân hàng bị siết hoặc giám sát chặt, nguồn vốn từ nhà đầu tư cá nhân chắc chắn cũng sẽ giảm khi không thấy cơ hội sinh lời, trong khi các công ty bất động sản cũng gặp khó vì không huy động vốn từ trái phiếu hay vốn vay ngân hàng. Do đó, lướt sóng bất động sản hiện nay sẽ rất khó" - TS Đinh Thế Hiển nhận định.

Chuộng gửi tiết kiệm online vì lãi suất cao

Theo ông Phan Dũng Khánh, khi nhiều kênh đầu tư rủi ro, dòng tiền nhàn rỗi sẽ có xu hướng dịch chuyển sang những kênh an toàn để "trú ẩn" như gửi tiết kiệm, bảo hiểm, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp... Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ chọn trái phiếu của những doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thay vì của các doanh nghiệp bất động sản sau hàng loạt thông tin bất lợi vừa qua.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trong xu hướng lãi suất huy động đang nhích lên thì đặc biệt lãi suất gửi online tại một số ngân hàng hiện đã vượt 7%/năm hoặc ứng dụng ngân hàng số cũng "đua" trả lãi suất hấp dẫn để thu hút người gửi tiền, như lãi suất gửi tiết kiệm online tại Ngân hàng TMCP Nam Á tới 7,2%/năm nếu khách gửi từ 12-15 tháng và 7,4%/năm nếu gửi từ 16-36 tháng. Đáng chú ý, ngân hàng số Cake by VPBank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) công bố lãi suất huy động tới 6,6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng tới 7,1%/năm; riêng tài khoản thanh toán Cake Super lãi suất không kỳ hạn tới 3,6%/năm.

Ngoài ra, một số ví điện tử cũng "nhập cuộc" với sản phẩm tiền gửi phối hợp cùng ngân hàng thương mại, như MoMo triển khai sản phẩm Túi Thần Tài với mức sinh lời lên đến 6%/năm, hạn mức gửi tối đa 30 triệu đồng hay ví điện tử ZaloPay có sản phẩm "Tài khoản tích lũy" - cho phép khách hàng có thể sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi từ 10.000 đồng để đầu tư và sinh lời 5%/năm.