Kiến nghị ưu đãi cao nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục, y tế và công nghệ cao

Kỳ Văn
Tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021”, đại diện Hội Doanh nhân trẻ kiến nghị cần có chính sách ưu đãi cao nhất về đất đai, vốn, thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục, y tế và công nghệ cao.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức theo chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại phiên “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021” vào chiều 5/12 với 2 chuyên đề: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và Hội Doanh nhân trẻ đã bày tỏ nhiều mong muốn thiết thực để cộng đồng DN vượt khó, trụ vững và phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Toàn cảnh “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021”

Đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận vốn của DNNVV, TS. Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần xử lý điểm nghẽn khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM).
Cần thay đổi nhận thức về Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV là hỗ trợ, trợ giúp, tạo điều kiện để DN vay được vốn; rà soát lại điều kiện DN được bảo lãnh theo hướng “thoáng” hơn điều kiện vay vốn từ ngân hàng, tăng cường thẩm định tính hiệu quả của phương án, dự án vay vốn, tăng cường kiểm tra sau khi cấp bảo lãnh cho DN vay vốn, đảm bảo rằng DN được bảo lãnh vay vốn sẽ trả nợ gốc và lãi vay đủ, đúng hạn cho ngân hàng.
“Hỗ trợ lãi suất giúp DN phục hồi và phát triển, Bộ Tài chính, NHNN cần trình Chính phủ, Quốc hội thu xếp gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 7 -10% GDP), tương đương với mức dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng với thời gian tối đa 2 năm để hỗ trợ DNNVV”, ông Hùng đề xuất.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, để hạn chế tới mức tối đa những sai lầm do thực hiện gói hỗ trợ lãi suất như năm 2008 gây ra, không để các DN lợi dụng kẽ hở của chính sách, lãi suất hỗ trợ không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các NHTM; đánh giá đúng thực lực của DN từng ngành, từng lĩnh vực để có hướng hỗ trợ và phân bổ nguồn lực.
Đối với Quỹ Phát triển DNNVV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, cần rà soát các điều kiện vay vốn theo hướng thông thoáng hơn, bằng cách tăng cường kiểm tra sau vay, đồng thời, minh bạch trong các hoạt động của Quỹ, từ khâu tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, thông tin cho vay và giải ngân thông qua dịch vụ công trực tuyến để giảm chi phí cho DNNVV.

TS. Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV

“Cần phát triển nền tảng gọi vốn cộng đồng cho DNNVV. Đây là hình thức huy động vốn thông qua các giao dịch tài chính đặc thù có sự tham gia của 3 bên (bên gọi vốn, cấp vốn và trung gian kết nối giữa chủ dự án gọi vốn cộng đồng). Hiện nay, việc tuy cập internet rất phổ biến, các DNNVV có thể mở rộng khả năng tiếp cận tới các nhà đầu tư tiềm năng và chấp nhận rủi ro của nền tảng gọi vốn cộng đồng. Chính việc phát triển gọi vốn cộng đồng đã lấp khoảng trống trên thị trường tín dụng, giúp DNNVV có vốn thông qua dòng tín dụng mới, với chi phí thấp hơn kênh tín dụng truyền thống”, ông Hùng khuyến nghị.
Đề xuất giải pháp phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế, đại diện Hội Doanh nhân trẻ cho rằng giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn cực kỳ quan trọng để khẳng định Việt Nam có thể trở thành nước phát triển hay không. Vì thế, các chính sách tư nhân hoá đẩy mạnh trong 10 năm nữa rất cấp thiết.
Đại diện Hội Doanh nhân trẻ khuyến nghị cần tập trung ưu tiên chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra một nền sản xuất vững bền. Đặc biệt là các nguyên liệu gốc tạo ra giá trị gia tăng thực thụ và bền vững (tránh trở thành nền kinh tế gia công), phát huy lợi thế một số nguyên liệu cơ bản mà Việt Nam có.
Đồng thời, có các chính sách ưu đãi đặc biệt cho DN khởi nghiệp từ thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, khuyến khích đầu tư cho khởi nghiệp thông qua miễn giảm thuế cho nhà đầu tư, ưu đãi mặt bằng, vốn, công nghệ và đầu tư bằng vốn Nhà nước.
“DN Nhà nước không làm những gì DN tư nhân làm được để thúc đẩy phát triển DN tư nhân. DN lớn không làm những gì DN nhỏ làm được để thúc ẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ phụ trợ. Cần miễn thuế thu nhập cá nhân cho các nhà đầu tư dùng lợi nhuận đầu tư cho giáo dục, y tế và công nghệ cao. Có chính sách ưu đãi cao nhất về đất đai, vốn, thuế cho 3 lĩnh vực đầu tư này”, đại diện Hội Doanh nhân trẻ khuyến nghị.