'Gỡ khó' cho công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường giữa biến động kinh tế toàn cầu

Admin
Ngày 31/3, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023 nhằm đề ra các biện pháp tối ưu hoá hoạt động thương mại với thị trường toàn cầu trong thời gian sắp tới.
'Gỡ khó' cho công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường giữa biến động kinh tế toàn cầu
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Đây là Hội nghị thứ 9 diễn ra định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022. Hội nghị lần này nhằm mục tiêu đánh giá tình hình xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường nước ngoài trong quý I/2023, đồng thời cập nhật các thông tin thị trường xuất khẩu, bàn thảo các giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động ngoại thương của Việt Nam trong thời gian tới.

Đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, bước vào năm 2023 tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam nói riêng có xu hướng suy giảm bởi lạm phát tăng cao, tổng cầu giảm trên phạm vi toàn thế giới. Một số chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu chịu tác động ngày một tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này. Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn cũng mở cửa trở lại nên sức cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày một gay gắt.

Sự đổ vỡ của một số ngân hàng lớn ở Mỹ và Thụy Sỹ đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian gần đây, trong nước có một số ngân hàng hoạt động rất khó khăn, được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Trái phiếu doanh nghiệp gặp sự cố nên gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Dù vậy từ đầu năm tới nay, nền kinh tế đất nước có tốc độ tăng trưởng 3,32%. Tuy nhiên, giảm so với cùng kỳ. Tổng mức tăng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 13,9%, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, thị trường trong nước đạt kết quả tương đối tốt nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 154,3 tỷ USD, giảm 13,9% nhưng xuất siêu tới 4,07 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (1,9 tỷ USD).

Trước những vấn đề đặt ra, tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 và 3 tháng đầu năm Chính phủ thống nhất 3 nhiệm vụ cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Cụ thể, một mặt đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước; Chính phủ biểu dương ngành Công Thương và lực lượng Thương vụ về những đóng góp trong duy trì thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới.

Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước thông qua kích cầu tiêu dùng, kết nối giao thương, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển để cùng với thị trường nước ngoài giải quyết đầu ra cho các ngành sản xuất.

Đẩy mạnh sản xuất thông qua nhiệm vụ đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng chính sách thuế, hỗ trợ tiếp cận nguồn nguyên liệu, phát triển thị trường, hỗ trợ thủ tục trong hoạt động của doanh nghiệp.

Để góp sức thực hiện nhiệm vụ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá ít nhất bằng cùng kỳ năm 2022. Tiếp đó, Thương vụ tập trung dự báo tình hình kinh tế nước sở tại, từ đó đưa ra phản ứng chính sách cần có để tham mưu cho Bộ, Chính phủ đảm bảo lợi ích của quốc gia dân tộc, doanh nghiệp.

Ngoài ra, đề xuất chủ trương chính sách giải pháp từ phía Chính phủ, địa phương hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người sản xuất để tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định thế hệ mới góp phần thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất trong nước.

Tập trung các thị trường trọng điểm

Là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho biết, năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về cơ bản vẫn duy trì động lực tăng trưởng đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam.

Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ tập trung ở phương diện khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường/sản phẩm mới, tiềm năng mà còn ở phương diện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hai nước, hạn chế tác động tiêu cực, dỡ bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan; xử lý các vụ việc liên quan tới các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 10,0 tỷ USD giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm tỷ trọng 2,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 9,23 tỷ USD (chiếm xấp xỉ 5,6% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, giảm 6,8%); nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 733,8triệu USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.

'Gỡ khó' cho công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường giữa biến động kinh tế toàn cầu
Tham tán Thương mại Đỗ Ngọc Hưng thông tin về thị trường Hoa Kỳ. (Nguồn: Tạp chí Công Thương)

“Với mục tiêu hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã triển khai hàng loạt các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với các bên liên quan của Hoa Kỳ; theo dõi chặt chẽ diễn biến các vụ việc để kịp thời cập nhật thông tin, gửi thông báo, báo cáo những vấn đề phát sinh trong chính sách điều hành của Hoa Kỳ”, ông Đỗ Ngọc Hưng thông tin.

Đối với thị trường Canada, Tham tán Thương mại Trần Thu Quỳnh cho hay, trong bối cảnh thị trường thế giới tương đối ảm đạm, Canada vẫn là điểm sáng nhờ triển vọng thị trường khá khả quan. Canada là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khối G7, duy trì được tăng trưởng việc làm, khống chế được lạm phát, nhờ đó nhu cầu nhập khẩu của địa bàn vẫn được duy trì ở mức cao.

Theo số liệu sở tại, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, là nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong ASEAN sang địa bàn. Nhóm 10 mặt hàng chủ chốt của Việt Nam sang Canada vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao, trừ mặt hàng thuỷ sản giảm 26%.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thu Quỳnh, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn có thể bị tác động bởi nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan. Canada tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, vì vậy, có nhiều đối thủ cạnh tranh có cùng mặt hàng và lợi thế về thuế quan nên hàng hoá Việt Nam dễ bị thay thế kể cả khi đã vào được thị trường. Phong trào “Buy local” để giảm dấu chân carbon trong tiêu dùng được ủng hộ mạnh ở Canada cũng đang trở thành một hình thức gia tăng bảo hộ mới.

Ngoài việc chia sẻ thông tin thị trường, triển vọng ngành hàng và các nguy cơ, đại diện Thương vụ Canada cũng chia sẻ các thông tin về các chính sách, kế hoạch ngân sách và kế hoạch xây dựng văn bản pháp quy của Canada trong những lĩnh vực có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và triển vọng hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Riêng thị trường EU, bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan lưu ý, EU tập trung thực hiện quy định về hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, điều này sẽ ảnh hưởng tới sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam như gạo, các loại hạt, doanh nghiệp cần đặc biệt để ý.

Còn ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh khuyến cáo, chiến lược marketing của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Anh chưa phù hợp cả về hình ảnh, ngôn ngữ. Cụ thể, doanh nghiệp không có website phù hợp, tên doanh nghiệp quá dài, sử dụng email miễn phí… nên ít nhận được quan tâm của nhà nhập khẩu Anh. Ông Nguyễn Cảnh Cường đề nghị, doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích thị trường nhanh, hiệu quả.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài là một trong những hoạt động được Bộ Công Thương chú trọng thực hiện liên tục định kỳ hàng tháng, đã trở thành diễn đàn kết nối, cập nhật thông tin thị trường nước ngoài hữu ích, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu thiết thực của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đối với các cơ quan chính phủ, địa phương và doanh nghiệp trong nước.