Gỡ điểm nghẽn tín dụng, pháp lý để thúc đẩy thị trường BĐS

Admin
Quy định liên quan đến đất đai, xây dựng và BĐS rất phức tạp, liên quan đến hơn 100 luật, nghị định, thông tư...
go-diem-nghen-tin-dung-phap-ly-de-thuc-day-thi-truong-bds-1681959963.jpg
Toàn cảnh Hội thảo " Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng ngày 19/4 - Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Theo một số ý kiến hội thảo v“Gỡ vướng địa ốc -Thúc đẩy tăng trưởng” diễn ra ngày 19/4 tại Hà Nội, tình trạng đình trệ của thị trường BĐS thời gian vừa qua có sự tác động lớn nhất do những vướng mắc pháp lý, chiếm đến 70% khó khăn của các dự án.

Chỉ riêng tại Hà Nội và TPHCM, ước có khoảng 400 dự án gặp các vướng mắc về thủ tục triển khai. Những ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, vướng mắc pháp lý là rào cản, khó khăn lớn nhất hiện tại của thị trường BĐS.

Quy định liên quan đến đất đai, xây dựng và BĐS rất phức tạp, liên quan đến hơn 100 luật, nghị định, thông tư...; trong đó, có nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ...

Ví dụ, chưa có sự nhất quán giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản về việc cho phép người nước ngoài mua hoặc sở hữu quyền sử dụng đất, BĐS. Quy định pháp luật nhiều khi chưa đầy đủ, chưa được hướng dẫn kịp thời, chưa sát thực tiễn, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để triển khai.

diem-nghen-1681960024.jpg
TS Cấn Văn Lực chia sẻ thông tin tại Hội thảo - Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Do vướng pháp lý nên ít dự án được phê duyệt kịp thời, dẫn đến thiếu nguồn cung, nhất là phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội... Việc thiếu nguồn cung cộng với chi phí làm dự án lớn, chi phí đầu vào tăng cùng với việc thổi giá của các bên trung gian đã khiến giá bất động sản Việt Nam cao so với thu nhập người dân.

Là đơn vị tập trung vào các dự án nhà ở xã hội, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn-thương mại-dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân cho biết, vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi làm nhà ở xã hội là quỹ đất.

Tại TPHCM, quỹ đất công không còn nhiều nên gây ra khó khăn lớn cho các đơn vị muốn tham gia vào phân khúc này.

Quy định dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội hiện nay cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Để có quỹ đất làm nhà ở xã hội cần có sự đột phá về thủ tục hành chính ở các địa phương.

Đồng quan điểm này, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đề xuất, chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch đất đai liên quan đến thị trường BĐS và giải quyết dứt điểm, nhanh chóng thủ tục cho các dự án như định giá đền bù giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, đấu thầu… Cần phải làm nhanh để các dự án nhanh chóng được khởi công xây dựng.

Cũng theo ông Nghĩa, việc giải quyết vấn đề dòng vốn cho thị trường BĐS phải tập trung ưu tiên vốn tín dụng ngân hàng để phục hồi và phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Đây là ưu tiên quan trọng nhất, tạo ra một tái cấu trúc phân khúc quyết định nhất.

Nhìn thực tế thị trường hiện tại, theo TS Nguyễn Xuân Nghĩa, phân khúc cần nguồn cung rất lớn lại không có là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội do thiếu cơ chế, đất đai, dòng vốn. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung nguồn lực để phục hồi và phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội bao gồm 3 nguồn lực cơ bản: Thủ tục pháp lý, cơ chế; quỹ đất; nguồn vốn.

"Tôi tin rằng, khi tập trung nguồn lực vào phân khúc này sẽ tạo ra một mặt bằng giá BĐS mới và giúp thị trường BĐS khôi phục, phát triển trở lại", ông Nghĩa khẳng định.

TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh, Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở, BĐS khu công nghiệp và các phân khúc còn thiếu cung. Do đó, cần cách tiếp cận phát triển cân bằng, hài hòa hơn.

"Cần quy định rõ ràng hơn trong các phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, vốn và tài chính phù hợp. Có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính BĐS chuyên biệt như: Quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ phát triển nhà ở xã hội, quỹ đầu tư tín thác BĐS", TS Cấn Văn Lực đề xuất.